Nỗi buồn chiến tranh – Khi hoà bình chưa đồng nghĩa với hạnh phúc

Nỗi buồn chiến tranh” là một trong số ít những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh theo chiều hướng trần trụi, không tranh né sự thật qua góc nhìn của tâm lý nhân vật. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý xuất sắc, tác phẩm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ miêu tả bi kịch của những người lính còn sống sót sau chiến tranh, mà Kiên là nhân vật điển hình. Để từ đó người đọc giật mình khi phát hiện ra rằng, chúng ta đã chiến thắng kẻ thù xâm lược, nhưng không chiến thắng được chiến tranh, hòa bình hóa ra chưa đồng nghĩa với hạnh phúc.

Bạn đang đọc: Nỗi buồn chiến tranh – Khi hoà bình chưa đồng nghĩa với hạnh phúc

Nỗi buồn chiến tranh - Khi hoà bình chưa đồng nghĩa với hạnh phúc

Chiến tranh – nỗi buồn của những kẻ ra đi, nỗi đau cho những người ở lại

“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.”

“Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm được xây dựng dựa trên dòng hồi tưởng của nhân vật, thời gian đảo ngược liên tục, lúc thì ở chiến trường đạn bom khói lửa, lúc là Hà Nội êm đềm. Nhân vật chính của truyện là Kiên, một người lính thuộc cánh quân trinh sát. Kiên xuất thân từ một gia đình tri thức bình thường tại Hà Nội. Bố là họa sĩ, mẹ là Đảng viên. Vì xem bố Kiên như một kẻ lập dị, bà bỏ hai cha con khi Kiên còn nhỏ và tái hôn với người đàn ông khác, một nhà thơ đã về hưu. Cuộc đời của Kiên, có thể nói lu mờ trong cuộc đời của những người lính. Vào thời điểm chiến tranh nổ ra, cuộc đời của cá nhân hòa vào cuộc đời chung của đất nước. Đó là lí do vì sao, sau khi chiến tranh kết thúc, bi kịch của cuộc đời Kiên mới hiện ra rõ rệt. Bi kịch của cái ám ảnh điên cuồng từ những trận đánh, đả kích mạnh mẽ vào tâm lý của những người đang sống. Những người đang trở lại với cuộc sống thường nhật chợt nhận ra rằng họ không thể quên đi những nỗi đau của chiến tranh, không thể sống một cuộc đời bình thường. 

Nỗi buồn chiến tranh - Khi hoà bình chưa đồng nghĩa với hạnh phúc

Đó là cái ám ảnh  về những trận đánh, những cái chết, về những nỗi đau khi phải chứng kiến đầu đội mình ngã xuống. Nỗi buồn chiến tranh” là sự tàn khốc, bi thảm, là chết chóc, đau thương, là nỗi ám ảnh đớn đau của người lính sống sót trở về sau chiến tranh khi các đồng chí của họ nằm lại nơi rừng thiêng nước độc; là tình yêu dang dở của lứa đôi… Giống như Vượng, bị ám ảnh bởi những cái xác mà xe tăng của anh đã đi qua, những mùi thịt hôi thối không tài nào gột rửa được. Giống như Kiên, chiến tranh trở thành nỗi ám ảnh cực lớn, mà ngay cả khi anh đã cố không nghĩ về nó, hình ảnh của chiến tranh vẫn len lỏi vào bản thảo anh viết. Những thế hệ tài năng, anh dũng đã chịu trực tiếp tác động từ chiến tranh, nay vẫn tiếp tục là nạn nhân của nó.

Nỗi đau của người lính – nỗi sầu của kẻ yêu

Chiến tranh không phải là đích đến cuối cùng của tác phẩm, “Nỗi buồn chiến tranh” tập trung vào nhân vật Kiên, về cuộc đời đầy bi kịch và những ám ảnh đã thành hình khối trong tâm trí của Kiên. Chàng trai vừa phải chịu nỗi đau của một người lính, vừa phải trai qua bi kịch của tình yêu khi chứng kiến Phương bị cưỡng hiếp. chiến tranh đã bào mòn lý tưởng và nhân tính của Kiên từng chút một khi anh chứng kiến quá nhiều cái chết đau thương, của cả đồng đội, của cả quân thù và của cả những người do chính tay anh giết chết. Chiến tranh cũng đã “cướp mất” Phương, cướp mất bản chất ban đầu của một mối tình trong sáng, tạo ra khoảng trống quá lớn giữa hai người. Sự kiện bất ngờ đó gần như thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa hai người. Sự xấu hổ, nhục nhã, tội lỗi, trách móc dẫn đến sự xa cách, cuộc chiến và không gian địa lý dần tạo ra sự cách trở của hai người.

Tìm hiểu thêm: Hồ Chí Minh – Một đời người một bài ca

Nỗi buồn chiến tranh - Khi hoà bình chưa đồng nghĩa với hạnh phúc

Phương đối với Kiên là một miền kí ức của đau đớn, sự xuất hiện của nhân vật này làm nổi bật hơn bi kịch của nhân vật chính. Một con người không chỉ phải chiến đấu với chiến tranh tàn khốc và ác liệt, mà còn phải vượt qua những nỗi đau đời thường khi tình yêu tan vỡ. Bởi dường như Kiên mãi mãi dừng lại bên Phương, nên cuộc đời anh chỉ dừng chân ở quá khứ, không chịu bước tiếp tới tương lai. Kí ức về chiến tranh tồn tại mãnh liệt, cũng như kí ức về tình yêu mãi mãi không thành. 

Phương là một nhân vật quan trọng trong mạch truyện của tác phẩm, là nhân vật đầu tiên Kiên gặp khi trở về từ cuộc chiến, tiếc thay, người con gái ấy cũng mãi mãi thuộc về chiến tranh, tồn tại như một niềm đau.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý xuất sắc

“Nỗi buồn chiến tranh” có kết cấu truyện vô cùng đặc sắc, không theo không gian và thời gian mà theo dòng hồi tưởng của nhân vật. Từng mảnh kí ức như những mảng vỡ không vẹn nguyên cố gắng ghép vào bức tranh mà nhân vật đang cố vẽ. Hỗn loạn, vỡ vụn, lộn xộn và đầy cảm tính. Chính cốt truyện đặc biệt như vậy đã giúp Bảo Ninh miêu tả tâm trạng của nhân vật Kiên. Hay nói cách khác, tâm lí của những người lính từng làm anh hùng trên trận mạc, nay làm kẻ thua cuộc ở đời sống thường nhật. Nhà văn khai thác theo cách rất riêng khi viết về đề tài chiến tranh, không còn âm hưởng sử thi, anh hùng ca hào hùng, những con người quật cường “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mà tập trung vào phần yếu đuối của họ. Trở về với cuộc sống hàng ngày, họ phải nỗ lực gấp trăm lần. Cuốn sách miêu tả rất hay sự dằn vặt nội tâm trong nhân vật, giữa mong muốn thoát khỏi quá khứ nhưng lại sợ hãi tương lai, sự tương phản giữa một kẻ đầy lí tưởng trên chiến trường với một người bình thường không thể hòa nhập với cộng đồng. Những người lính trở nên chơ vơ, lạc lõng ngay trên đất nước họ vừa đánh đổi cả cuộc đời để bảo vệ. Chiến tranh không còn là chiến thắng mà trở thành ám ảnh, nuốt chặt lấy những người đã và đang còn sống, một nỗi buồn day dứt…

Nỗi buồn chiến tranh - Khi hoà bình chưa đồng nghĩa với hạnh phúc

>>>>>Xem thêm: Đôi bạn đũa lệch – Truyện tranh VMonkey

“Nỗi buồn chiến tranh” là một tác phẩm cho ta cái nhìn rất khác về đề tài chiến tranh, nỗi đau mà đó để lại thì ai cũng thấy quá kinh khủng, nhưng cái ám ảnh của nó ngay trong thời bình thì không phải ai cũng biết. Sự thành công của tác phẩm là minh chứng cho việc nỗi đau của chiến tranh không bao giờ phai nhòa.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *