Nguyễn Công Hoan được coi là bậc thầy truyện ngắn châm biếm. Nhà văn Tô Hoài khi đánh giá về sự nghiệp văn chương, về vị trí của Nguyễn Công Hoan trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc đã viết: “Nếu ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi đến thời kì văn chương sạch sẽ kiểu Tự Lực thì lực lưỡng như một tay đô vật không có địch thủ, từ Kiếp hồng nhan đến nay, truyện ngắn, truyện dài Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một cái thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ, vượt qua hai thời kì tiến vào Cách mạng tháng 8…” (Người bạn đọc ấy). Các sáng tác của Nguyễn Công Hoan không chỉ chiếm được cảm tình, sự quan tâm, yêu mến của bạn đọc lúc bấy giờ mà còn cho đến tận ngày nay nó vẫn còn nguyên sự lôi cuốn đó.
Bạn đang đọc: Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Công Hoan
Nhà văn chuyên dùng tiếng cười trào phúng trong các tác phẩm của mình
Nguyễn Công Hoan thành công nhất với thể loại truyện ngắn, mang một âm hưởng riêng không thể trộn lẫn. Khác với Thạch Lam đầy chất thơ, Nam Cao đầy tính bi kịch nghiệt ngã, truyện Nguyễn Công Hoan mang tính trào phúng đặc sắc với những tiếng cười giòn giã, sảng khoái ném thẳng vào mặt kẻ thù. Ông chủ yếu viết về đề tài phản ánh hiện thực xã hội với sở trường là bút pháp hiện thực trào phúng. Bàn tay tài năng Nguyễn Công Hoan đã hình thành nên một bức tranh sinh động về xã hội nửa thực dân nửa phong kiến tàn ác, đầy rẫy bất công và giả dối.
Tìm hiểu thêm: Bàn về thể loại truyện ngắn – Những lát cắt mà qua đó ta có thể nhìn thấu cả một đời
Ông đả kích mạnh mẽ bọn quan lại tham lam, bỉ ổi, ỷ vào quyền thế mà bóc lột tàn bạo người dân trong khi chúng chỉ là những tên tài sơ học thiển, địa chủ cường hào bẩn thỉu, ngu dốt lố lăng, đồi bại thông qua tiếng cười trào phúng đặc sắc. Đối với Nguyễn Công Hoan, đời là một vở hài kịch. Vào thời kì tác giả sinh sống, xã hội lố lăng hổ lốn với sự giao thoa của các nền văn hóa, con người chỉ sống vật vờ như những kiếp đời thừa, một cảnh tượng hết sức hài hước theo quan niệm của Nguyễn Công Hoan. Con gái Nguyễn Công Hoan đã chia sẻ: “Thời của ông, trong lúc một số nhà văn đang say sưa với chủ nghĩa lãng mạn, với những hư hư thực thực kiểu “Hồn bướm mơ tiên” thì ông lại dứt khoát lựa chọn một đường đi khác cho riêng mình”. Chán nản với chính xã hội ông đang sống, nhà văn đã không ngần ngại bóc trần hiện thực bằng chính tiếng cười suy ngẫm, điều này khiến tác phẩm viết về hiện thực phê phán nhưng lại rất đỗi tự nhiên và nhẹ nhàng, mang tính đả kích sâu cay. Không quá khi nói rằng Nguyễn Công Hoan là bậc thầy của truyện ngắn châm biếm.
Nhà văn có biệt tài xây dựng những mâu thuẫn
Đặc điểm lớn nhất của nghệ thuật trào phúng chính là những tình huống mâu thuẫn, nhân vật mâu thuẫn. Sự đối nghịch giữa các sự việc trong tác phẩm tạo ra tiếng cười trào phúng, buộc người đọc phải nghĩ và ngẫm. Đối với nhà văn, đời vừa là hài kịch, vừa là bi kịch. Nhìn đâu ông cũng thấy cái đáng để cười. Thế giới nhân vật trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan vô cùng đông đúc. Đó là những phu phen, thợ thuyền, dân quê, những địa chủ, lý dịch, cường hào; những nghị viên, dân biểu, quan lại; những con buôn, tư sản, chủ thầu nằm ở hai thái cực khác nhau. Sự mâu thuẫn thể hiện rất rõ trong Bước đường cùng, tác phẩm hiếm hoi phân tích được mâu thuẫn cơ bản trong xã hội, mâu thuẫn giữa người nông dân và địa chủ, cường hào phong kiến. Hay trong “tinh thần thể dục”, sự đối nghịch giữa lối sống xa hoa giả tạo, điệu bộ hào nhoáng nửa mùa của thực dân Pháp với cuộc sống nghèo khổ, làm việc từng ngày của nông dân được đặt trong tình huống trớ trêu: quan lại bắt dân đi xem bóng đá đã tạo nên tiếng cười vô cùng sảng khoái, ném thẳng vào mặt của bọn thực dân, phong kiến. Truyện của Nguyễn Công Hoan đã vạch trần cái phi logic trong cái bình thường, sự phi lí trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.
>>>>>Xem thêm: Tiếng gà trưa – Âm vang từ miền kí ức
Ông là nhà văn hiểu rất rõ những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội, ám ảnh với hiện thực và không ngần ngại thể hiện thái độ căm ghét với bọn cường hào, địa chủ thực dân, những người góp phần không nhỏ vào cuộc sống nghèo khổ của nhân dân ta.
Bậc thầy trong xây dựng cốt truyện
Tác giả Nguyễn Đức Đàn đã đưa ra nhận định về các khía cạnh như là độ dài của truyện, lời văn, cốt truyện, kết cục của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan:
“Về nghệ thuật viết truyện ngắn phải nói rằng Nguyễn Công Hoan là người có nhiềukhả năng và kinh nghiệm. Truyện của ông thường rất ngắn. Lời văn khúc chiết, giảndị. Cốt truyện được dẫn dắt một cách có nghệ thuật để hấp dẫn người đọc. Thường kết cục bao giờ cũng đột ngột…”
Cốt truyện trong các các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, có thể nói không bình thường. Ông khai thác những khía cạnh cực kì mới của cuộc sống thường nhật, cùng viết về chủ đề hiện thực phê phán, song lại không trùng lặp với bất cứ tác giả cùng thời nào. Ông viết về đời sống nông thôn rất xuất sắc, với những bước ngoặt không thể ngờ tới. Đến với truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, độc giả tìm thấy được một thời cơ cực của nước ta ngày trước, từng câu chữ trong tác phẩm của ông là những gam màu tối tái hiện lại bức tranh đau buồn trong quá khứ dân tộc vào những năm đói nghèo, khốn khổ.
tình huống truyện của Nguyễn Công Hoan đơn giản nhưng bất ngờ do tác giả khéo che đậy. Tình huống truyện làm bật lên cảm hứng phê phán xã hội ở phương diện đạo đức. Cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan là ở đấy. Cốt truyện trào phúng đặc sắc, được xây dựng trên những mâu thuẫn cơ bản của xã hội, những tình huống giở khóc giở cười đầy bất ngờ, đã tạo nên những tác phẩm xuất sắc.
Nguyễn Công Hoan có một phong cách nghệ thuật rất riêng, ấy là tính hài hước. Tiếng cười như lưỡi dao xé nát đi cái hiện thực hổ lốn, không có tình người. Giọng văn đậm tính triết lý, nhưng cũng rất mạnh mẽ, ngang nhiên tuyên chiến với những địa chủ, thực dân đã làm tan hoang đi một mảnh đất vốn dĩ từng bình yên.
Thảo Nguyên