Nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia

Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc, song, ông có cách tiếp cận hiện thực rất riêng và phá cách, đó là sử dụng nghệ thuật trào phúng. Vũ Trọng Phụng sử dụng nghệ thuật trào phúng trong những tác phẩm của mình cực kì xuất sắc, tiếng cười sâu cay, đậm chất đả kích châm biếm, khiến người đọc qua mỗi tiếng cười đều phải suy ngẫm. Tiếng cười buồn và đầy tính triết lí. “Số đỏ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của Vũ Trọng Phụng, với sự linh hoạt trong câu từ và sử dụng nghệ thuật trào phúng xuất sắc, được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”

Nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia

Tình huống trào phúng

Nghệ thuật trào phúng được xây dựng chủ yếu thông qua những mâu thuẫn và cách giải quyết những mâu thuẫn. Tình huống càng nghịch lý, càng trái với luân thường đạo lý thì  nghệ thuật trào phúng càng thành công. Cái khó khi sử dụng tiếng cười châm biếm trong các tác phẩm của mình đó là làm sao để tình huống không bị thô, tiếng cười phải mang tính suy ngẫm, nếu không khéo tác phẩm dễ trở thành giấy vụn, đơn thuần mang tính giải trí. Và Vũ Trọng Phụng đã xuất sắc khắc phục những nhược điểm đấy. Tính trào phúng được thể hiện ở ngay nhan đề. Tính từ hạnh phúc đặt cạnh tang gia, hé mở những câu chuyện dở khóc dở cười giữa thời thế đảo điên, ngổn ngang, với sự hỗn loạn từ những nền văn hóa khác nhau. Một đám tang mà lại hạnh phúc, nhan đề đậm chất châm biếm sâu cay.

Tình huống chính của tác phẩm là đám tang của ông cụ cố Tổ, trong một gia đình giàu có nhưng hổ lốn. Ông già ấy là cha, là ông của một gia đình đông đảo và đáng kính của một xã hội thượng lưu. Cả gia đình ấy đã nhao lên, nhao lên mỗi người một cách. Nhao lên vì đau khổ, vì đau đớn, vì lo lắng.. trước cái chết của người thân chăng? Không phải, chúng đã nhao lên vì… hạnh phúc! Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng. Câu văn tưởng chừng ngược đời kia của Vũ Trọng Phụng đã thâu tóm cả một thứ thế thái nhân tình. Gia đình hạnh phúc, người người hạnh phúc. Tất thảy mọi người đều vô cùng phấn khởi trước cái chết của cụ cố Tổ, một cái chết mà nhiều người mong đợi, họ được dịp thừa kế tài sản, được dịp khoe những bộ cánh hấp dẫn, được tổ chức một đám tang xưa nay hiếm, với tất cả những văn hóa pha trộn tạp nham, nửa tây nửa ta. 

Tác giả dùng cái chết của người thân làm phép thử độ sáng của đạo hiếu trong gia đình, dùng cái chết đồng loại làm phép thử độ sáng của tình người và tính người. Để triển khai tình huống, Vũ Trọng Phụng đã tập hợp và miêu tả những tâm trạng, hành vi, cách ứng xử, thái độ hoàn toàn trái với chuẩn mực đạo đứ thông thường. Đó là tang gia song không ai nghĩ đến người chết và việc báo hiếu. Mỗi người đều có mối quan tâm riêng nhưng đều hướng đến hai chữ danh lợi thu được từ cái chết ấy. Cái xã hội nửa Tây nửa Ta, pha trộn các nền văn hóa, người ta vội vàng tiếp thu văn hóa Tây phương một cách nửa mùa, hời hợt, thế nên tất cả đều hỗn loạn, những thói vô đạo đức được dịp bày ra.

Nhân vật trào phúng

“Hạnh phúc của một tang gia” có khối lượng nhân vật đồ sộ, tất cả những nhân vật này đều được xây dựng dưới ngòi bút trào phúng. Từng hành động, tên gọi của các nhân vật này đều khiến người ta đi từ bật cười đến căm hận, phẫn nộ cho sự đều giả trong tính cách của nhân vật. 

Cụ cố Hồng nằm dài hút thuốc phiện, Ông Văn Minh là đứa cháu đích tôn, là “nhà cải cách xã hội” danh giá thì sung sướng tột đỉnh vì “Thế là từ nay mà đi, cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”. Cô Tuyết, cô cháu gái giữ gìn nửa chữ trinh, mới chỉ hư hỏng được một nửa. Mặt cô phảng phất vẻ buồn lãng mạn vì nhớ nhung nhân tình chứ không phải xót thương ông nội. Đám tang mang đến niềm hạnh phúc cho cô vì cô được mặc bộ y phục “Ngây thơ” để chứng tỏ phẩm giá mới chỉ đánh mất nửa chữ trinh. Cậu tú Tân thì “cứ điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến”. Ông nội chết là dịp để cậu trổ tài đạo diễn, chụp ảnh trong dịp đám tang. Cậu tỏ ra là một tài tử chụp ảnh, những chiếc máy ảnh được chuẩn bị từ lâu nay sẽ có dịp dùng đến. Ông Phán mọc sừng là con rể của cụ cố Hồng. Ông sung sướng vì “không ngờ rằng giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông lại lớn đến như thế.

Bên cạnh cá nhân là hình tượng đám đông, đám đông hô hào cũng vui lây nỗi niềm của gia đình, những Bắc đẩu bội tinh, những kèn trống pha lẫn với âm nhạc phương Tây, tạo nên một cảnh tượng không thể tàn tạ hơn. Cái xã hội điên đảo, không còn tình người được xây dựng qua từng nhân vật.

Nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia

Ngôn từ trào phúng

Vũ Trọng Phụng sử dụng tiếng cười để đả kích, vì vậy cách dùng từ của ông cũng mang tính hài hước châm biếm cao. Giọng điệu mỉa mai, chua chát là giọng điệu bao trùm chương truyện. Có những câu văn tưởng như là giọng trần thuật khách quan bình thản “Đám cứ đi” nhưng khi nhắc đến hai lần nó đã mang ý nghĩa mỉa mai châm biếm đám ma thật to, thiên hạ tha hồ ngắm thật kĩ cái giả dối, vô nhân đạo của đám người ấy. Ông đặt tên nhân vật cũng rất có dụng ý, những cái tên Văn Minh, Tuyết… rất hay song người sở hữu những cái tên đó thì lại vô đạo đức.  Câu từ mang lại tiếng cười rất lớn, cái cách ông miêu tả nhân vật, điển hình như Tuyết “ mới mất trinh một nửa” mang lại hiệu quả châm biếm sâu sắc. Cái cần thiết ở một đám tang là sự tiếc nuối cho người đã khuất, lại toàn tiếng cười.

Hạnh phúc của một tang gia là một tác phẩm xuất sắc về trào phúng, tiếng cười mang đến nhiều suy ngẫm từ chính người đọc, nhận thức được cái xã hội nửa Tây nửa Ta, hao mòn đi những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *