Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Nguyễn Khuyến

Nhận xét về nhà thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu từng nói: “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”. Nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Khuyến là những bài thơ viết về nước non Bắc Bộ, phần lớn cuộc đời nhà thơ sống ở vùng nông thôn. Nên nông thôn Việt Nam là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong các tác phẩm của thi nhân. Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến mảng thơ châm biếm, đả kích xã hội đương thời. Sau đây là những tác phẩm hay nhất của nhà thơ Nguyễn Khuyến:

Bạn đang đọc: Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Nguyễn Khuyến

Tìm hiểu thêm: Chùm ca dao về tình yêu đôi lứa

Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Nguyễn Khuyến

>>>>>Xem thêm: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Nhà Văn Lưu Quang Vũ

1. Thu điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

“Thu điếu” là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết. “Thu điếu” được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến. 

2. Thu ẩm

Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè.

Với điểm nhìn của một kẻ say, mùa thu hiện ra đầy mờ ảo. Nơi đây cũng chẳng sáng bừng ánh đèn như chốn phồn hoa kinh thành mà thay vào đó là những con “ngõ tối” cùng với ánh sáng “lập lòe” của đom đóm đang dạo đêm kiếm bạn. Là những màn sương đêm giăng “phất phơ” như màu “khói nhạt” bên lưng giậu, là hình ảnh “bóng trăng loe” nhàn nhạt đang “lóng lánh” trên mặt ao phẳng lặng trước sân nhà. Bài thơ thể hiện khả năng dùng từ đỉnh cao của Nguyễn Khuyễn khi liên tục sử dụng những cách gieo vần cũng như các từ láy để miêu tả mùa thu qua con mắt của một kẻ say.

3. Thu vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Nằm trong chùm thơ thu nức tiếng, là một trong những bài thơ xuất sắc của ông. Vẫn lấy cảm hứng từ mùa thu, vẻ thơ mộng như chốn tiên cảnh được khắc họa qua từng nét bút. Bức tranh mùa thu với màu sắc thanh đạm, đường nét uyển chuyển, không gian cao rộng, cảnh  vật huyền ảo dưới ánh nắng trắng trong thể hiện nỗi lòng tha thiết của nhà thơ đối với quê hương đất nước. Nhân vẻ đẹp của đêm thu. Nhà thơ cũng bộc bạch tâm sự sâu kín, chân thật của mình, nỗi hổ thẹn của một thi nhân khi tự cảm thấy tài năng của mình chưa đủ.

4. Khóc Dương Khuê

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời;
Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Đây là bài thơ thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc của một nhà thơ khi người bạn tri kỉ của mình qua đời. Không đơn giản chỉ dừng lại ở buồn rầu, mà còn là đau đến quặn thắt. Trong con mắt của người ở lại, mọi sự vậ đều bị chia đôi. Bài thơ như lời tiễn đưa cuối cùng dành cho người bạn đã mất của mình.

5. Hoài cổ

Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười,
Sự đời đến thế, thế thời thôi!
Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm,
Nước độc ma thiêng mấy vạn người.
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả,
Phá tung phên giậu hạ di rồi.
Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ,
Mấy trắng về đâu nước chảy xuôi.

Thế sự đổi thay, với sự du nhập mạnh mẽ của nền văn hóa phương Tây, thi nhân vừa bày tỏ niềm đau khôn cùng trước cảnh nước mất nhà tan, vừa đau đáu nhớ về một thời đất nước còn yên bình. Thay mặt người dân, nhà thơ cất tiếng thét đau đớn và đầy căm phận trước thế lực xâm lược.

Những câu thơ của một người đã cách ta hàng thế kỉ, nay lần giở lại vẫn thấy còn nguyên giá trị nhân văn. Không đơn thuần chỉ là những tác phẩm, nó là đỉnh cao của ngôn từ Việt Nam, được chắt lọc qua sự biến động của đất nước, xứng đáng được liệt vào những tác phẩm bất hủ của văn học Việt Nam.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *