“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nhận xét về truyện Kiều, Phạm Quỳnh có có những lời như vậy. Phạm Quỳnh ca ngợi Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”, là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của nước ta, để ta có thể “ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ! Điều gì đã khiến cho truyện Kiều được ca ngợi đến như vậy, đến độ trở thành quốc hồn của ngôn từ Việt Nam? Nguyễn Du đã xây dựng một tác phẩm vừa có đủ yêu thương, vừa có đặc sắc của nghệ thuật ngôn từ mà không có một nhà văn nào cao thể phủ nhận giá trị của truyện Kiều đối với đời sống tinh thần và sự phát triển của văn học.
Bạn đang đọc: Truyền Kiều – Đỉnh cao của ngôn từ Việt
Khái quát về truyện Kiều
Đoạn trường tân thanh thường được biết đến với cái tên đơn giản là Truyện Kiều, là một truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3254 câu. Câu chuyện dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một thi sĩ thời nhà Minh, Trung Quốc. Tác phẩm kể lại cuộc đời, những thử thách và đau khổ của Thúy Kiều, một phụ nữ trẻ xinh đẹp và tài năng, phải hy sinh thân mình để cứu gia đình. Để cứu cha và em trai khỏi tù, cô bán mình kết hôn với một người đàn ông trung niên, không biết rằng anh ta là một kẻ buôn người, và bị ép làm kĩ nữ trong lầu xanh.
Mặc dù mượn chất liệu từ văn học Trung Quốc, song Nguyễn Du đã những sự cải biên mới mẻ, sáng tạo, ông đã lược bỏ những chi tiết không hợp với thuần phong mĩ tục nước Việt. Là một người luôn dành tình yêu thương cho những người phụ nữ bất hạnh, truyện Kiều một lần nữa khẳng định tấm lòng của ông dành cho những người phụ nữ, thể hiện thái độ của ông trước những thế lực chà đạp con người, tước đoạt quyền được sống của con người.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…”
Truyện Kiều luôn được nhận định là quốc hồn của văn học Việt Nam, trong tác phẩm này, Nguyễn Du đã thể hiện bậc tài ngôn ngữ của mình, mỗi nhân vật, mỗi câu thơ, mỗi nụ cười ánh mắt đều mang đậm cốt cách hồn dân tộc. Nhà thơ khéo léo dùng từ đến độ, tất cả các nhà thơ sau này đều phải cúi đầu nghiêng mình.
* Sử dụng thể thơ lục bát
Có thể nói rằng không người Việt Nam nào mà lại không biết đến thơ lục bát, một thể thơ thuần túy dân tộc, xuất hiện đã hàng ngàn năm nay. Từ thuở nằm nôi, nằm võng, theo lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, thơ lục bát đã ngấm vào tim óc, làm nên đời sống tâm hồn phong phú của mỗi con người. Quy luật phối thanh của thơ lục bát khá linh hoạt, uyển chuyển. Thường thường thì các tiếng ở vị trí thứ hai, bốn, sáu, tám là thanh bằng, vị trí thứ tư là thanh trắc. Còn các tiếng ở vị trí lẻ một, ba, năm, bảy thì có thể là bằng hay trắc đều được cả. Tiếng thứ hai thanh trắc, tiếng thứ tư thanh bằng, khác với cách phối thanh của câu lục bình thường.
Thể thơ lục bát có từ ca dao, tức là xuất hiện từ rất lâu trước đó, song lại chỉ trở thành hoàn mỹ khi có truyện Kiều. Truyện Kiều đã đưa thể thơ lục bát lên một tầm cao mới, với đầy đủ tính nghệ thuật, cái đẹp thiên cổ nhưng vẫn giữ được nét giản gị của nó. Sử dụng thể thơ lục bát để sáng tác tác phẩm, Nguyễn Du đã góp phần phát triển tiếng Việt, ở thời kì này là chữ Nôm, không phụ thuộc vào dòng chữ hán của Trung Quốc, tìm cho mình một hướng đi riêng nhưng đậm tính dân tộc.
Tìm hiểu thêm: Những tác phẩm hay nhất trong chủ nghĩa văn học hiện thực
* Ngôn từ được sử dụng trong tác phẩm
Tiếng Việt trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tạo nên một thế giới “chữ nghĩa”, “thế giới nghệ thuật” độc đáo. Nhà văn có một “kho báu” từ vựng dồi dào, phong phú, đa dạng, xứng đáng là những khối cẩm thạch xây nên tòa lâu đài chữ nghĩa Truyện Kiều. Chế Lan Viên đã từng nhận xét:
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.
Điều đó đã khẳng định nghệ thuật ngôn từ của truyện Kiều. Trước hết, Nguyễn Du tôn vinh cái giản dị nhưng chân thành của tiếng Việt. Nhà thơ sử dụng những từ ngữ dễ hiểu nhất, gần gũi với đời sống nhân dân nhất để viết nên những trang thơ của mình. Ông đề cao ngôn từ của người dân lao động, mà vẫn tô điểm cho nó những nét nghệ thuật đặc sắc. Với Truyện Kiều, thế giới biết hơn về một nước Việt nhân văn, biết hơn về một tiếng Việt lung linh, giàu sắc điệu, có thể diễn tả hết mọi cung bậc tình người và khả năng thu nhận, thuần hóa các thứ tiếng khác để tự làm giàu cho mình. Nguyễn Du là người mạnh bạo và thành công nhất trong việc mở cửa cho ngôn ngữ bình dân bước vào, không chỉ bước vào mà còn làm chủ lâu đài văn học trước đây vốn chỉ có ngôn ngữ kinh sách, đầy tính tượng trưng, ước lệ:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Nguyễn Du sử dụng tiếng Việt rất sáng tạo, Nguyễn Du là một nhà “thuần hóa” điển cố, thuần hóa chữ Hán một cách thiên tài. Ông đã làm cho tiếng Việt có khả năng không chỉ đạt độ hàm súc ngang với chữ Hán mà còn có sự biểu cảm cao hơn, ít nhất trong cảm thụ của người Việt. Nguyễn Du lựa chọn những từ đã được Việt hóa và tiếp tục sáng tạo nên ngôn ngữ bình dân gần lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày. Vì thế, những từ: Hoa, Xuân, lan, Thu, cúc, tâm, tài, mệnh, đàn bà… đã đi vào đời sống tự nhiên nên dễ được tiếp nhận. Nhà thơ vẫn giữ những điển tích, điển cố trong tác phẩm, song không gây khó hiểu cho người đọc. Ngôn từ bình dân chính là nét đẹp nhất trong truyện Kiều.
>>>>>Xem thêm: Giá trị hiện thực trong tác phẩm Truyện Kiều
* Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng.
Nguyễn Du vẫn chịu ảnh hưởng bởi nền văn học phong kiến, đã có sự sáng tạo mới mẻ, nhưng về cơ bản vẫn sử dụng những nghệ thuật đặc trưng của văn học cũ. Đó là sử dụng các điển tích điển cố, các từ Hán Việt, ngòi bút ước lệ, vẽ mây nẩy trăng và đặc biệt, phải kể đến bút pháp tả cảnh ngụ tình và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du. Tác giả rất thành công khi sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình, khiến cho cảnh vật nhuốm màu tâm trạng của nhân vật trữ tình:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Đặc biệt, nhà thơ có khả năng miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc, phát hiện được những rung động nhỏ nhất trong tâm hồn của nhân vật. Đồng thời thể hiện được những phức tạp của thế giới nội tâm mà không phải ai cũng chạm tới được, để từ đó yêu và đồng cảm với nhân vật.
Truyện Kiều là tiếng Việt, tiếng Việt là truyện Kiều. Với tài năng và tấm lòng của mình, Nguyễn Du đã viết nên một kiệt tác của ngôn từ, thể hiện tình yêu của ông dành cho những người phụ nữ thời phong kiến, muốn bay không cất nổi mình mà bay.
Thảo Nguyên