Là một trong những nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Sự đóng góp của Tô Hoài như một nguồn cảm hứng đến nhiều người trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật. Điều gì đã làm nên một Tô Hoài nổi tiếng với nhiều tác phẩm để đời, ngày hôm nay Sách Hay 24H sẽ đem đến cho các bạn câu trả lời. Hãy cùng chúng mình khám phá về tiểu sử và sự nghiệp của nhà văn đầy tài năng này nhé!
Bạn đang đọc: Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài
1. Tóm lược tiểu sử nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen (1920 – 2014) ông sinh ra ở quê nội thôn Cát Đồng, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới trong đó có Dế mèn phiêu lưu kí. Bút danh Tô Hoài của ông gắn liền với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Ở tuổi thiếu niên Tô Hoài tự lập rất sớm, ông đã phải ra ngoài làm việc kiếm sống. Ông lăn lộn đủ nghề từ dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… cũng có những lúc thất nghiệp.
Cuộc đời của Tô Hoài như bước sang trang mới khi ông bắt đầu viết văn, mở đầu là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu kí, sau khi tác phẩm ra đời mặc dù chưa hoàn thành nhưng nó nhận được sự đón nhận rất tích cực từ độc giả.
Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, trong cuộc chiến tranh Đông Dương ông chủ yếu hoạt động bên lĩnh vực báo chí.
Từ năm 1954, ông có thời gian và bắt đầu tập trung nhiều vào sự nghiệp viết. Tính đến nay, với sự đam mê, lòng nhiệt huyết với văn học ông đã có hơn 100 tác phẩm để đời với nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, hồi ký, tiểu luận, kịch bản phim,…
2. Phong cách sáng tác của Tô Hoài
Là một người có vốn sống phong phú, những câu chữ Tô Hoài dẫn dắt vào tác phẩm luôn đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về cuộc đời, về con người. Ông có lối viết trần thuật hóm hỉnh, sở trường của Tô Hoài là truyện phong tục và hồi kí. Trước cách mạng tháng 8, ngòi bút của ông chủ yếu hướng về người nông dân nghèo và loài vật, sau cách mạng tháng 8 Tô Hoài có hướng đi mới đó là hướng đến vùng nông thôn rộng lớn đặc biệt là vùng núi Tây Bắc.
Tìm hiểu thêm: Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Công Hoan
Một trong những thành công của Tô Hoài chính là tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” dành cho lứa tuổi thiếu nhi, tác phẩm đã được dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới. Trong truyện, nhân vật chính là Dế Mèn, cậu đã trải qua muôn vạn cuộc phiêu lưu thử thách đầy mạo hiểm. Ở chặng đường ấy là những bài học giúp Dế Mèn trưởng thành và trở thành một chàng Dế cao thượng. Chúng ta có thể đúc kết kinh nghiệm từ tác phẩm này từ chính nhân vật Dế Mèn đó là đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Tiếp theo có thể kể đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” trong tập truyện Tây Bắc (1952) được giải nhất của Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam năm 1954 – 1955 kể về câu chuyện bi thảm của cô Mị khi phải sống một kiếp người không bằng trâu bò. Nỗi đau khổ ấy được Tô Hoài khắc họa một cách đau đớn trên trang sách thế nhưng đằng sau khuôn mặt có vẻ như cam chịu ấy lại là một con người có sức sống mãnh liệt. Mị đại diện cho người nông dân lao động vùng núi Tây Bắc – dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng khao khát được sống một cuộc đời tự do và hạnh phúc.
3. Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài
Cả cuộc đời dành cho sự nghiệp cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã để lại nhiều tác phẩm giá trị cho nền văn học nước nhà và được đánh giá là cây đại thụ trong khu rừng văn học hiện đại Việt Nam.
Khởi đầu sự nghiệp từ trước Cách mạng tháng Tám, sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, nhà văn Tô Hoài đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài kỳ, tiểu thuyết, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Ở mọi thể loại sáng tác, Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn và để lại nhiều dấu ấn với những tác phẩm có giá trị.
>>>>>Xem thêm: Tràng Giang – Một âm hưởng của thời đại
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài: Dế mèn phiêu lưu ký, Võ sĩ Bọ Ngựa, Đám cưới Chuột, Vợ chồng A Phủ, Chuyện cũ Hà Nội, Truyện Tây Bắc, Người con gái xóm Cung, Giữ gìn 36 phố phường, Những ký ức không chịu ngủ yên, Nghệ thuật và phương pháp viết văn, Nhật ký vùng cao, Nhà nghèo, Quê người, Cỏ dại,…
4. Lời phê bình văn học
“Không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn tư liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể trong tác phẩm Tô Hoài.
Dù ở thể loại nào, hồi ký hay tiểu thuyết, người kể chuyện trần thuật ở ngôi thứ nhất xuyên suốt 3 tác phẩm Cát bụi chân ai, Chiều chiều và Ba người khác, vẫn là nhân vật giàu trải nghiệm, luôn chuyển dẫn từ quá khứ đến hiện tại nhờ hồi tưởng và liên tưởng, với giọng kể hóm hỉnh thể hiện cái nhìn bình thản và an nhiên trước mọi biến cố…
Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: Cuộc đời như là văn chương.” – Nhà phê bình văn học Đỗ Hải Ninh.
5. Giải thưởng
Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1965
Giải A giải Hội văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà)
Giải thưởng Hội nhà văn Á – Phi năm 1970
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – nghệ thuật
Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (2010)
Có lẽ điều làm nên tên tuổi của Tô Hoài không chỉ là lòng tâm huyết với nghiệp viết mà còn là sự đóng góp to lớn vào nền văn học Việt Nam. Cho đến ngày nay, Tô Hoài không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà khắp thế giới đều thích tác phẩm của ông.
Lời cuối cùng, cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này. Nếu cảm thấy bổ ích hãy chia sẻ nó cho mọi người cùng đọc nhé. Thời gian tới Sách Hay 24H sẽ cho ra thêm nhiều bài viết chất lượng hơn nữa, hy vọng rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của các bạn!