Mọi việc trên đời đều diễn ra theo đúng quy luật của cuộc sống, có nguyên nhân thì mới có kết quả. Không tự dưng mà nó xảy ra, nó phải bắt nguồn từ một lí do nào đó. Khi một tình huống, một việc nào đó tuy không lớn nhưng cái cuối cùng để đưa đến sự đổ vỡ của một mối quan hệ hay thất bại trong một sự kiện, trong tiếng Việt, chúng ta có một thành ngữ rất hình tượng để diễn tả là “Giọt nước tràn ly”. Nước tràn ra ngoài nghĩa là cảm xúc đã dâng trào ra khỏi tâm, nó đã vượt quá khả năng chứa giữ của một con người.
Bạn đang đọc: Thành ngữ Giọt nước tràn ly nghĩa là gì
1. Ý nghĩa của câu thành ngữ “Giọt nước tràn ly”
Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ “Giọt nước tràn ly” này như thế nào mới gọi là đúng đây? Một ly nước đã đầy và bị tràn thì lỗi có phải do giọt nước cuối cùng không? Câu thành ngữ có ý nghĩa là sức chịu đựng của con người có giới hạn trong mức độ cho phép, vì khi vượt qua mức đó thì sự nóng giận của họ sẽ bùng phát rất mãnh liệt có thể gây tổn thương cho rất nhiều người. Giọt nước tràn ly đôi khi chỉ biểu trưng cho cảm xúc của mỗi người được gói gọn trong chiếc ly thôi, ngoài ra nó còn nói về nhiều khía cạnh khác nữa. Thật ra giọt nước cuối cùng không hề có lỗi mà lỗi là do cái ly đã đầy nước. Thường thì người ta chỉ quan tâm đến giọt nước cuối cùng làm tràn ly nhưng lại quên đi cái ly nước lúc ấy đã đầy.
Một ly nước muốn đầy tràn thì phải có thật nhiều giọt nước mới được, vậy nguyên nhân bắt nguồn là từ xa xưa, từ những giọt nước đầu tiên được rót vào. Khi ấy, ta chợt nhận ra giọt nước cuối cùng đâu có lỗi, nó chỉ là một yếu tố cuối cùng xúc tác để góp phần đưa câu chuyện đang diễn ra mau đi đến hồi kết thôi. Sự tham lam của con người là vô đáy, cứ cố rót thêm nước vào ly mà không thèm quan tâm đến việc đổ đầy quá thì nó sẽ tràn. Vạn vật và con người đều có giới hạn và khi chúng ta cố vượt quá giới hạn đó thì sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Trên đời này sẽ chẳng có ai có thể bao dung mãi cho một người khi người ấy luôn làm những điều sai trái và làm mọi cách vẫn không thể sửa đổi được. Khoan dung, rộng lượng với người như vậy thì chỉ như nước đổ đầu vịt, cứ cố chấp cho họ cơ hội hết lần này đến lần khác thì chỉ làm bản thân mình tổn thương thêm. Đừng buồn vì người ta không chịu thay đổi mà dẫn đến kết cục không mấy tốt đẹp cũng như nước tràn ly đổ ra ngoài thì không hốt lại được nữa.
Tìm hiểu thêm: Ý nghĩa của thành ngữ “Có mới nới cũ là gì” là gì?
>>>>>Xem thêm: Bàn về thể loại truyện ngắn – Những lát cắt mà qua đó ta có thể nhìn thấu cả một đời
2. Mọi thứ đều có giới hạn trong cuộc sống
Cuộc sống của mỗi người dù có tốt đẹp đến mấy cũng chưa bao giờ là hoàn toàn mỹ mãn và chắc chắn ai cũng có một giới hạn chịu đựng riêng của mình. Tùy thuộc vào tầm quan trọng và lợi ích mà sự việc đó mang lại khả năng chịu đựng cũng sẽ có sự chênh lệch. Việc gì nhiều quá cũng không được mà ít quá cũng không xong, vừa đủ thì sẽ tốt nhất. Có nhiều chuyện chúng ta chỉ là người ngoài nhìn cái trước mắt rồi vội phán xét có khi lại thành ra sai. Thật ra, ở trong chăn mới biết chăn có rận, mình phải là người trong cuộc thì mới có thể hiểu được lí do vì sao lại có kết quả ấy.
Minh chứng điển hình như ta thấy một cặp vợ chồng li hôn thì liền phán xét rằng họ nông nổi, không biết nhường nhịn bao dung cho nhau mà sống vì vợ chồng ai mà chẳng có lúc cãi nhau giận hờn. Nhưng thật ra sâu bên trong, hai người họ đã không còn thiết tha gì cuộc sống hôn nhân này từ lâu rồi và cuộc tranh cãi đó chỉ là một mồi lửa thiêu rụi mọi thứ dẫn đến việc li hôn. Hay chúng ta nhìn thấy một đứa con bỏ nhà đi vì bị mắng thì lại nghĩ đứa trẻ này thật hư đốn, vì vài câu mắng của ba mẹ đã vội bỏ nhà đi nhưng chúng ta nào đâu biết được đằng sau đó đứa trẻ đã chịu đựng những chuyện kinh khủng như thế nào mới quyết định bỏ nhà ra đi vì mọi thứ đã vượt qua giới hạn của nó. Còn biết bao câu chuyện “Giọt nước tràn ly” mà chúng ta chỉ có thể nhìn bề ngoài và không biết được kết quả hôm nay đã định sẵn sẽ phải xảy ra vào những ngày tháng tới. Chỉ cần có một sự việc châm mồi lửa thì mọi thứ sẽ bùng nổ.
“Giọt nước tràn ly” chính là điểm kết thúc cho một mối quan hệ đang dần dần chuyển sang màu xám, chấm dứt một trạng huống không như ý đeo dai dẳng lâu dài, dừng lại một sự hợp tác không mấy tốt đẹp để “giải phóng” sự chịu đựng đã chạm đến ngưỡng tối đa. Để cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn, nên tìm mọi cách để giải phóng toàn bộ những tâm lý tiêu cực sớm nhất có thể, đừng để chúng dồn nén quá lâu rồi kết thành một khối u độc trong tâm. Đồng thời, chúng ta cũng nên thấu hiểu lẫn nhau đừng nên ép người quá đáng, nhìn thấy họ chịu đựng như thế rồi cứ tiếp tục làm, đến khi họ bùng nổ phản kháng lại rồi ngã ngửa. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ không cần phải lo giọt nước nào đó phải mang tên đổ nát và tan vỡ.
Muốn giọt nước không tràn ly thì bạn cần hiểu được con người, vấn đề và tình huống liên quan đến sự phiền lòng của mình một cách thấu đáo với cái nhìn thật công tâm, khách quan và bao quát nhất. Hãy luôn cố gắng nhìn nhận mọi vấn đề bằng suy nghĩ tích cực, có thái độ tích cực, bạn sẽ giải quyết mọi vấn đề một cách sáng suốt và hiệu quả hơn. Khi ấy, nếu ai rót thêm nướt hay đặt thêm nhiều rơm lên người bạn, nước cảm xúc tiêu cực không phải chảy tràn ra hoặc nỗi niềm đau khổ cũng không làm bạn oằn lưng vì bạn đã biết được cách tháo gỡ cho cảm xúc bất an ra đi trong an toàn.
Nguyên nhân bắt nguồn của một sự việc xảy ra thực sự đã có từ rất lâu và chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được hết. Dù là con người hay vạn vật thì cũng đều có giới hạn riêng, chúng ta nên biết dừng khi nào là đúng lúc để có cách hóa giải cho phù hợp. Đừng để “Giọt nước tràn ly” thì mọi chuyện đã đi quá xa và không thể quay trở về như cũ được.