Nguyễn Du là một nhà thơ lớn của dân tộc, ông là nhà thơ hiếm hoi dành trọn vẹn tấm lòng của mình cho những người phụ nữ bạc mệnh thời phong kiến. Những câu thơ của ông đều tràn ngập sự đau đớn, phẫn uất, đồng thời bộc lộ sự đồng cảm của mình với những phận đời trái ngang. “Độc tiểu thanh kí” là một bài thơ như thế, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nàng tiểu Thanh, một kiếp người, kiếp phận đầy sóng gió.
Bạn đang đọc: Độc Tiểu Thanh ký – Câu chuyện về một kiếp hồng nhan bạc mệnh
Mộng Liên Đường chủ nhân có nói: “Nguyễn Du có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” Thật vậy , tấm lòng Nguyễn Du luôn canh cánh lo cho con người,ông vui với niềm vui của con người, đau cùng nỗi đau con người, phải khóc, phải cười, phải trăn trở với con người, kể cả những người không quen không biết:
Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Tây Hồ là một địa điểm có thật tại Hàng châu Trung Quốc, là một danh lam đẹp hiếm có. Động từ “hóa” diễn tả sự chuyển biến của thời gian, một cách nhanh chóng và vô tình. Báo hiệu cho một sự kiện bất thường đã diễn ra ở nơi này. Câu thơ mở bài nói một đổi thay tàn tạ, nhưng không phải chỉ để gợi cảm khái chung chung, mà gắn với một địa danh cụ thể, Tây hồ, đây chính là nơi khi xưa, nàng Tiểu thanh bị vợ cả ép sống trong cô đơn đến nỗi phải chết buồn năm 18 tuổi. Nên “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, Tây Hồ này đã trở nên hoang tàn, héo úa như tâm hồn của người phụ nữ đã chết dần chết mòn nơi này.
Câu thơ thứ hai bắt đầu từ động từ “thổn thức”, thể hiện tâm trạng thương xót bất chợt tràn đến trong xúc cảm của nhà thơ. Cái chết của nàng là bằng chứng xót xa cho một kiếp hồng nhan, từ đó càng nuối tiếc trước cảnh và người đẹp đều chịu chung số phận. Nếu như trong Truyện Kiều, Thúy Kiều tri ngộ với số phận Đạm Tiên qua lời kể của Vương Quan:
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?
Thì ở Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi oan khiên của Tiểu Thanh qua “ mảnh giấy tàn” trước song cửa sổ. Nàng tiểu Thanh sau khi mất, vợ cả vẫn không nguôi sự căm giận, ghen tức mà đốt những tập thơ của nàng. Sự hiện diện của nàng bị xóa sạch trong kí ức của mỗi người. Đau lòng thay!
Tìm hiểu thêm: Ebook Bí Mật Tư Duy Triệu Phú – Tải PDF sách hay miễn phí
Những câu thơ tiếp theo khẳng định sức sống trường tồn của nàng tiểu Thanh:
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Cả cuộc đời Tiểu Thanh hiện lên qua hai chữ : chi phấn văn chương. Nói đến chi phấn là nói đến tài sắc, nói đến văn chương là nói đến tài năng. Nàng là một người tài sắc vẹn toàn, lại buộc lòng chôn vùi thanh xuân nơi gò hoang, cả một cuộc đời bị ép sống trong buồn tủi cô đơn, bị cái uất ức giết dần giết mòn. Ta có thể thấy cái chết của nàng đầy uất nghẹn, chẳng thể siêu thoát. Và bởi vậy, mà son phấn biết hận, văn chương còn mãi. Câu thơ vang lên như thay cho lòng nàng tiểu Thanh, tràn đầy sự căm phẫn với đời, với người, gợi mở về một con người còn nhiều vấn vương với trần thế. Nhà thơ đã thổi hồn vào son phấn, văn chương để chúng cất lên tiếng nói bi phẫn, xót xa. Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết còn văn chương không có mệnh mà còn bị đốt bỏ. Đồng thời nhà thơ cũng muốn khẳng định sự trường tồn của hình ảnh tiểu Thanh, đối với những người còn sống, là không bao giờ mất.
Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến:
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Nỗi oan của Tiểu Thanh không phải chỉ của riêng nàng mà còn là kết cục chung của những người có tài từ “cổ” chí “kim”. Nhà thơ gọi đó là “hận sự”, một mối hận suốt đời nhắm mắt chưa yên. Trong suy nghĩ ấy, có lẽ Nguyễn Du còn liên tưởng đến bao cuộc đời như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ – những người có tài mà ông hằng ngưỡng mộ – và bao người tài hoa bạc mệnh khác nữa. Những oan khuất bế tắc của nghìn đời “khó hỏi trời”. Cuộc đời tiểu Thanh, cuộc đời của Thúy Kiều cũng là cuộc đời của hàng trăm người phụ nữ khác. Câu thơ thể hiện rất rõ sự nhạy cảm của nhà thơ đối với những kiếp tài hoa bạc mệnh, cũng như sự bế tắc của chính ông giữa thời thế xoay vần.
Hai câu thơ kết thể hiện tâm trạng của nhà thơ:
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Những nhà thơ, những người nghệ sĩ thường có một nỗi sợ vô hình, đó là sợ không tìm được tri kỉ, sợ khi mình chết đi, người đời không còn quan tâm đến mình nữa. Nguyễn Du, một nhà thơ đã chịu nhiều bi kịch trong cuộc đời, hơn ai hết, khao khát tìm được kẻ tri âm. Ba trăm năm là khoảng thời gian Nguyễn Du tri âm với tiểu Thanh, nhà thơ cũng băn khoăn không biết ba trăm năm nữa, có ai làm tri âm với mình chăng?
>>>>>Xem thêm: Câu chuyện 3 điều ước – Truyện tranh VMonkey
Trong thơ cũ, các nhà thơ thường hiếm khi nhắc đến cái tôi cá nhân của mình, đó được coi là một điều cấm kị, song Nguyễn Du đã không ngần ngại xưng tên của mình – Tố Như, điều này khẳng định kháo khát được tìm tri âm đến mãnh liệt của ông. Tự thương mình là một nét mới mang tinh thần nhân bản cuả thời đại cuối thế kỉ thứ XVIII-đầu thế kỉ XIX-thời đại con người chưa ý thức được về bản thân, về tài năng, nỗi đau của chính mình.Sự tự thương mình là sự tự ý thức,là bằng nước mắt mà thấm in bản ngã của mình để chống lại sự chi phối của quan niệm “phi ngã”, “vô ngã”. Nghìn năm sau Tố Hữu đã có những câu thơ khẳng định sự tri âm của mình:
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
“Độc tiểu Thanh kí” là bài thơ thể hiện rõ tình thương người của nhà thơ, đồng thời bộc lộ cảm hứng tự thương mình mới mẻ, khẳng định tài năng xuất chúng và tấm lòng nhân đạo của nhà thơ.
Thảo Nguyên