Trích sách ”Cảm Xúc Là Kẻ Thù Số Một Của Thành Công 2”

Tôi thấy nhiều bạn cứ thấy ai nhiều tiền, phong luôn người đó là đại gia. Làm gì có chuyện đó! Nhiều tiền nhưng đó phải là thu nhập thụ động, chân chính, không vi phạm pháp luật. Chứ nay nhiều tiền, qua một đêm mất hết, trắng tay, rồi đi tù thì đâu phải đại gia!

Bạn đang đọc: Trích sách ”Cảm Xúc Là Kẻ Thù Số Một Của Thành Công 2”

Trích sách ''Cảm Xúc Là Kẻ Thù Số Một Của Thành Công 2''

Khi giảng về thu nhập thụ động, tôi luôn lưu ý các học viên điều này: Phải rất cảnh giác với khái niệm “thu nhập thụ động là không làm gì mà vẫn có tiền”. Đúng là không làm gì mà vẫn có tiền thật, nhưng đấy là phạm trù của kết quả, hoàn toàn không phải là phạm trù của nguyên nhân. Không làm gì mà vẫn có tiền vì trước đó đã lao động cật lực rồi. Nhiều người đầu tư chứng khoán ôm mộng “đầu tuần mua vào 100 triệu đồng để cuối tuần có tiền mua hai cái nhà”, trong khi chưa từng học về chứng khoán. Có ông cả đời buôn trứng (chim) cút, không hiểu nghe ai dụ dỗ cũng nhảy vào đầu tư chứng khoán. Không có nền tảng, chẳng làm được gì đâu! Thị trường chứng khoán chỉ dành cho những kẻ siêu đẳng đúng nghĩa. Chưa biết cổ phiếu là gì (là tờ giấy), cổ phần là gì (là số tiền ghi trên giấy), cổ tức là gì (là một phần của lợi nhuận trên giấy, không phải toàn bộ), cổ đông là gì (là “thằng” cầm giấy), thì đừng nghĩ đến chuyện đầu tư chứng khoán. Tôi từng gặp một ông khệnh khạng đến yêu cầu: “Bán cho tao 20.000 cổ đông!”. Tôi bảo ngay: “Muốn mua cổ đông thì ông ra Thảo Cầm Viên!”. Tương tự, nhiều người làm bất động sản mà không biết bất động sản khác động sản ở chỗ nào, không hiểu ruộng khác đất thổ cư ra sao, không hiểu thanh khoản bất động sản là gì…

Thu nhập thụ động là sản phẩm của một quá trình lao động cật lực

40 tuổi, tôi mới bắt đầu có thu nhập thụ động. Trước khi có dòng thu nhập này, chưa đêm nào tôi được ngủ trước 3h sáng, tôi cũng không la cà nhậu nhẹt… Tôi đố bạn nào ăn được miếng pho – mai trong cái bẫy chuột đấy! Đánh giày còn phải có nghề, học nghề. Đừng tin vào may rủi, đừng suốt ngày chỉ chăm chăm đi bói chỉ tay xem sau này có giàu không. 

Hôm trước, tôi tham gia một hội thảo, họ mời tôi, thù lao rất cao. Tôi hỏi họ là muốn tôi nói gì ở đó. Họ nói, chủ đề là: “Tùy Thầy!”. Nghĩa là họ biết thương hiệu “làm việc hết mình vì học viên” từ trước đến nay của tôi rồi, và tôi đã phải lao động cật lực để có được thương hiệu đó. Trước khi có cái nhà để cho thuê, phải lao động để có tiền mua nhà chứ; muốn có 100 triệu đồng gửi tiết kiệm cho vợ lấy lãi tiêu hằng ngày, phải lao động để có chứ. Mấy chị em nhà mình, không tính làm ăn gì, chỉ chơi hụi cho nhanh giàu, dễ giàu. Vài hôm là hụi này vỡ, hụi kia tan.

Suy nghĩ đã đơn giản, chỉ muốn nhanh sướng, không muốn lao động, lại không có kiến thức nên nhiều người cứ bị lừa suốt. Nghe xuôi tai, tự mình thấy hợp lý, chẳng cần cơ sở gì, “chốt” luôn. Thấy có thằng dụ đầu tư chứng khoán: “Mày bỏ ra 100, cuối năm được 130, tức là lãi trên vốn 30%. Tao làm gì kệ tao. Muốn lấy gốc lẫn lãi thì trả luôn 130”. Nó lừa đấy! Trong đầu tư chứng khoán, bỏ ra 100, sẽ có ván thắng ván thua. Sau khi lấy tổng thắng trừ tổng thua, cuối năm đạt 125, tức là lãi trên 25% trên vốn, đã là đại thắng trên thị trường chứng khoán rồi, lấy đâu ra 30% lãi trên vốn.

Tìm hiểu thêm: Những trích dẫn giá trị trong sách Khi hơi thở hóa thinh không

Trích sách ''Cảm Xúc Là Kẻ Thù Số Một Của Thành Công 2''

>>>>>Xem thêm: Những câu nói bất hủ và hay nhất của Sherlock Holmes

Đừng yên tâm ngồi rung đùi khi đang có thu nhập thụ động!

Một trong những đặc điểm quan trọng của thu nhập thụ động là không vững vàng 100%. Tùy vào biến động dòng đời của sản phẩm, dòng thu nhập thụ động sẽ không còn là dòng thu nhập thụ động nữa (nếu nó không được “nâng cấp” lên). Sau tám năm, bài giảng của tôi lạc hậu đi, đồng nghĩa với dòng tiền thụ động của tôi thu ít dần. Nếu muốn duy trì dòng thu nhập thụ động này, tôi phải chuẩn bị bài giảng mới liên tục. Tương tự với khách sạn cho thuê, tối đa năm năm, nếu không có sửa chữa, nâng cấp, sẽ không có người thuê nữa.

Theo một thống kê của Mỹ, người có bằng cử nhân, chỉ sau hai năm không học hành, trau dồi gì là về kiến thức lớp 12; người có bằng thạc sĩ, sau ba năm không học hành, trau dồi gì là về kiến thức lớp 12; người có bằng tiến sĩ, sau sáu năm không học hành, trau dồi gì là về kiến thức lớp 12. Cái này lại liên quan đến mối quan hệ nguồn lực và mục tiêu. Muốn đạt được mục tiêu là có thu nhập thụ động thì nguồn lực phải tương xứng, chưa tương xứng thì phải nâng cấp nguồn lực cho tương xứng.

Thu nhập thụ động có liên quan mật thiết đến ý chí vượt ngưỡng. Khi tôi vào Sài Gòn, nguồn lực của tôi như sau: Con ông cháu cha bằng 0, tiền bằng 0, tuổi quá trẻ nên kinh nghiệm bằng 0. Khi đó tôi nói với vợ “Nếu em bỏ anh, anh đáng phải chịu!”. Tôi mất ba năm để vượt ngưỡng, nâng tầm nguồn lực của mình nên. Trong ba năm đó, tôi lấy bằng tiến sĩ, nuôi gà ở Thủ Đức, từng trải cuộc sống từ Củ Chi đến Tây Ninh; kết quả là kiến thức có, kinh nghiệm có, có chút tiền. Nguồn lực của tôi tăng. Tôi bắt đầu có quyền tăng mục tiêu. Phải nhớ là tăng nguồn lực trước rồi mới tăng mục tiêu. Nhiều người bây giờ tìm cách tăng mục tiêu, không tăng nguồn lực, như vậy rất khó nâng cấp được cuộc đời mình. 

Đồng tiền từ túi bạn sang túi người khác thì xác suất quay về là 20%

Muốn làm ông chủ, ngồi chơi xơi nước, tiền tự rót vào tài khoản, thì phải đưa tiền cho CEO (Giám đốc điều hành) mình thuê về, góp vốn cho “thằng” đầu tư chứng khoán…, nghĩa là chuyển tiền từ túi mình sang túi người khác đấy. Nhưng bạn phải nhớ, khi đồng tiền từ túi bạn sang túi người khác, xác suất tiền quay về là 20%, còn lại là… không quay về đâu, kể cả người nhận tiền của bạn là anh ruột, thậm chí cả ông bố đẻ.

Người ta chịu đưa tiền lại cho mình chỉ có lý do: Số tiền bạn đưa cho họ rất ít. Một triệu đồng thì xác suất bạn nhận lại cao lắm, nhưng thử 100 tỷ đồng xem. Vừa cầm tiền là đầu họ đã lắc lư: “Ở lại Việt Nam hay ôm tiền “biến” sang Thái Lan?”, vì Thái Lan và Việt Nam chưa ký hiệp định dẫn độ. Một khi đã móc tài sản đưa cho kẻ khác, phải cực kỳ hiểu biết. Đến một mức nào đó, đồng tiền có thể biến con người thành con vật. Tôi thấy đúng, trong nhiều trường hợp. Tiền luôn có sức cám dỗ ghê gớm, thời nào cũng vậy.

Thế mới có chuyện có em hoa hậu trước đó cũng đạo đức, ngoan hiền lắm, nhưng anh đại gia đưa cho vài chục ngàn USD thì “lên sàn” luôn. Số tiền lớn quá, làm sao mà cưỡng lại được! Mấy chị nhà mình nghe thế nhảy dựng lên: “Đồ mất dạy, có vài chục ngàn USD mà bán cả thân xác, danh dự!”. Thôi, đừng chửi bạn ấy. Tục ngữ có câu, bạn thấy mình đạo đức vì chưa có cơ hội làm sai. Đã qua lửa đâu mà coi mình là vàng? Phải khi tôi đưa cho mấy chị đó vài ngàn USD, mà mấy chị không nhận, thì hẵng nhảy dựng lên như thế. Trước sự cám dỗ của đồng tiền, con người khó trụ vững được

Theo Bookademy / Ybox.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *