Truyền thông là sự tiếp nỗi đẹp đẽ khi trong ta ươm những mầm xanh tươi tốt. Mỗi chúng ta đều sử dụng truyền thông trong từng suy nghĩ, lời nói, cử chỉ nên việc “chăm sóc” cho chính mình và góp phần làm vơi đi khổ đau của thế giới luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Cuốn sách “Nghệ thuật thiết lập truyền thông” của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp bạn đọc học cách truyền thông tốt đẹp đến chính mình và thế giới này.
Bạn đang đọc: Review sách Nghệ thuật thiết lập truyền thông – Thích Nhất Hạnh
Vài nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926 ở miền Trung Việt Nam. Ông theo học ở chùa Từ Hiếu, thành phố Huế và trở thành một tu sĩ Phật giáo vào năm 16 tuổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, dành cả cuộc đời để nghiên cứu và truyền bá Phật pháp. Những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được các độc giả đón nhận rất nồng nhiệt. Bài học về triết lý nhân sinh được ông đúc kết từ nhiều khía cạnh của cuộc sống.
“Trong các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma” – New York Time
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, bạn đọc có thể tham khảo một số cuốn sách khác như: Phép lạ của sự tỉnh thức, Tâm tình với Đất Mẹ, Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, An lạc từng bước chân, Muốn an được an, Giận …
Giới thiệu về sách
“Nghệ thuật thiết lập truyền thông” gồm 9 phần:
Phần 1) Thức ăn thiết yếu
Phần 2) Truyền thông với chính mình
Phần 3) Truyền thông với người khác
Phần 4) Sáu câu thần chú ái ngữ
Phần 5) Truyền thông khi gặp khó khăn
Phần 6) Truyền thông tại sở làm
Phần 7) Truyền thông trong cộng đồng thế giới
Phần 8) Truyền thông là tiếp nối
Phần 9) Thực tập
Cảm nhận về sách
Truyền thông với chính mình
“Cô đơn là khổ đau của thời đại. Ngay khi ở trong một đám đông chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn. Cùng nhau chúng ta cô đơn. Trong ta như có một sự trống vắng khiến ta không thấy thoải mái. Rồi ta tìm liên kết với người khác để che lấp trống vắng trong ta, nghĩ rằng nếu liên kết được với người khác thì ta không còn cảm giác cô đơn nữa”
Truyền thông không chỉ là cách chúng ta ăn nói và truyền đạt lại với mọi người xung quanh mà còn là với chính mình nữa. Ngày nay, để tìm kiếm những ứng dụng kết nối với bạn bè, gia đình không còn là một vấn đề khó khăn nữa chính vì thế mà không ít người đã “giao phó” chính cảm xúc và cuộc đời mình cho những phương tiện này. Chúng ta không ngừng điên đảo sống trong thế giới ảo mà bỏ quên chính bản thân mà quên mất rằng con người chúng ta có cảm xúc chứ đâu đơn giản như những ứng dụng hay thiết bị vô tri, vô giác kia.
Cuộc sống ồn ào tới nỗi con người sợ hãi những giây phút tĩnh lặng, chúng ta quá quen thuộc với việc phải lắp đầy cuộc sống bằng nhiều hình thức, hoạt động khác nhau. Truyền thông với chính mình là cách để mỗi người tưới tẩm những hạt giống tốt lành bên trong mình sau đó chúng ta mới có khả năng chữa lành cho những người khác nữa. Chánh niệm sẽ giúp con người “trở về với chính mình” một cách đúng nghĩa, sống đúng với thực tại, an nhiên ở khoảnh khắc này mà không bị tâm trí ràng buộc bởi những “vọng tưởng đảo điên”, “thị phi thắc mắc”.
Tìm hiểu thêm: Sông Ngân Khi Tỏ Khi Mờ: Đem Cả Vũ Trụ Thu Vào Trang Giấy
Truyền thông với tâm yêu thương
“Chúng ta truyền thông để hiểu người khác và để người khác hiểu ta. Nếu ta nói mà không ai nghe ta (hoặc là ta không nghe ta) thì ta không thực sự truyền thông. Có hai điều kiện căn bản để cho truyền thông có hiệu quả: thứ nhất là nghe sâu, thứ nhì là ái ngữ”
Phải có sự thấu hiểu sâu sắc thì mới có những câu nói, cách giao tiếp đúng đắn với đối phương được. Óc phán xét đôi khi khiến chúng ta không thật sự lắng nghe mọi người, ta có xu hướng nghĩ ra những gì mình sẽ nói cả khi người khác đang nói. Tâm yêu thương là tâm không phán xét, lắng nghe sâu để hiểu khổ đau của người kia từ đó ta có thể giúp đỡ họ và lan tỏa được truyền thông tốt đẹp.
Sáu câu thần chú ái ngữ
Câu thần chú thứ nhất “anh đang có mặt đây cho em”
“Sự có mặt” quan trọng bởi ngay giây phút hiện tại nếu chúng ta sống với chánh niệm thì mỗi một suy nghĩ, lời nói đều được ý thức, ta có khả năng hạnh phúc vì được an lạc tại giây phút này.
Câu thần chú thứ hai “anh biết em có đó, anh rất hạnh phúc”
Khi chúng ta gặp mặt, ở cạnh nhau nhưng chưa hẳn là chúng ta dành trọn sự quan tâm, chú ý đến đối phương bởi mắc kẹt bởi đặt tâm trí ở nơi khác. Nên cảm giác trân trọng khi đối phương cũng đang thực hành chánh niệm và có mặt ở phút giây hiện tại này đây cũng đã là một niềm hạnh phúc của chính bạn rồi.
Câu thần chú thứ ba “Tôi biết em đang đau khổ và vì vậy tôi có mặt cho em”
“Tình yêu chân thật cần có chánh niệm”, ý thức được khổ đau của người khác để cảm thông, san sẻ chính là một sự giúp đỡ hay món quà với người đó rồi. Tâm chánh niệm giúp chúng ta thấu hiểu rõ nỗi đau của đối phương
Câu thần chú thứ tư “Tôi đang đau khổ, tôi muốn cho anh biết điều đó. Tôi cố gắng hết lòng. Xin hãy giúp tôi”
Câu thần chú thứ tư được sử dụng khi chúng ta đau khổ và tin rằng người kia làm ta đau khổ.
Câu thần chú thứ năm “Đây là giây phút hạnh phúc”
Chẳng cần phải đợi đến một thời điểm thích hợp, một mục tiêu nào đó được hoàn thành thì chúng ta mới có được hạnh phúc mà hạnh phúc chính ở thời điểm hiện tại. Ta biết ơn vì được sống dưới bầu trời xanh, được Đất Mẹ nâng đỡ và được ở cạnh nhau…
Câu thần chú thứ sáu “Anh có thể đúng một phần”
Câu thần chú này sử dụng trong cả trường hợp được khen ngợi cũng như chỉ trích. Câu thần chú này giúp ta chú tâm vào sự khiêm nhường cùng chân thật của chính mình, chúng ta đều không hoàn hảo và cần phải học tập để nuôi dưỡng những hạt giống tốt mỗi ngày. Câu “Anh có thể đúng một phần” đưa chúng ta nhìn vào sự thật, khi được khen quá lời mà bỏ quên những khuyết điểm bản thân còn tồn tại.
Trích đoạn ấn tượng từ sách
o Khổ đau trong ta và chung quanh ta có thể làm ta choáng ngợp. Thường thường ta không muốn đối diện khổ đau vì ta không mấy thoải mái khi đối diện chúng. Thị trường đầy rẫy những phương tiện giúp ta trốn tránh khổ đau. Chúng ta tiêu thụ để lãng quên và che lấp khổ đau trong ta. Dù không đói, chúng ta vẫn ăn. Dù cho chương trình tivi không mấy hấp dẫn, chúng ta không có can đảm tắt máy bởi vì nếu chúng ta tắt tivi thì chúng ta phải trở về đối diện với khổ đau trong ta. Ta tiêu thụ không phải vì nhu cầu mà vì sợ phải đối diện khổ đau trong mình.
o Khi ta gửi đi tin nhắn hay viết một bức thư, khi nói điện thoại, những gì ta viết, những lời ta nói phải là những lời ái ngữ hiến tặng tuệ giác, hiểu biết và yêu thương. Khi ta sử dụng chánh ngữ, ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, tươi mát và người nghe cũng cảm thấy nhẹ nhàng, tươi mát. Sử dụng chánh ngữ, ngôn ngữ của thương yêu, bao dung, tha thứ là điều chúng ta có thể làm được mỗi người. Chúng ta không tốn kém gì cả và được nuôi dưỡng rất nhiều.
>>>>>Xem thêm: Review sách Không nơi nương tựa – Dave Pelzer
Lời kết
“Truyền thông với tính chất nuôi dưỡng và chữa trị là thức ăn cho việc duy trì các mối quan hệ”
“Nghệ thuật thiết lập truyền thông”, cuốn sách chữa lành, giúp bạn đọc tu dưỡng tâm tính để thiết lập truyền thông tích cực với đời.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Sách Hay 24H, hy vọng những bài viết tiếp theo của Sách Hay 24H sẽ nhận được sự quan tâm và theo dõi của bạn.