Muôn đời nay chúng ta vẫn hay cho rằng có sinh ắt có diệt nhưng quan niệm mới mẻ về sự chuyển hóa của vạn vật trên thế gian này lại được thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền đạt đến bạn đọc với mong muốn đem lại tự do, giải thoát sự muộn phiền vì quan niệm sinh – tử. Mời bạn đọc khám phá cuốn sách “Không diệt, không sinh đừng sợ hãi”.
Bạn đang đọc: Review sách Không diệt, không sinh đừng sợ hãi – thiền sư Thích Nhất Hạnh
Vài nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926 ở miền Trung Việt Nam. Ông theo học ở chùa Từ Hiếu, thành phố Huế và trở thành một tu sĩ Phật giáo vào năm 16 tuổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, dành cả cuộc đời để nghiên cứu và truyền bá Phật pháp. Những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được các độc giả đón nhận rất nồng nhiệt. Bài học về triết lý nhân sinh được ông đúc kết từ nhiều khía cạnh của cuộc sống.
“Trong các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma” – New York Time
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, bạn đọc có thể tham khảo một số cuốn sách khác như: Phép lạ của sự tỉnh thức, Tâm tình với Đất Mẹ, Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, An lạc từng bước chân, Muốn an được an, Giận …
Giới thiệu về sách Không diệt, không sinh đừng sợ hãi
“Không diệt, không sinh đừng sợ hãi” gồm 9 chương:
Chương 1) Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?
Chương 2) Cái sợ đích thực
Chương 3) Thực tập nhìn sâu
Chương 4) Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi
Chương 5) Bắt đầu lại
Chương 6) Địa chỉ của hạnh phúc
Chương 7) Tiếp tục biểu hiện
Chương 8) Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ. Phép thực tập địa xúc.
Chương 9) Sống cạnh người hấp hối.
Cảm nhận về sách Không diệt, không sinh đừng sợ hãi
Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?
Bản chất của thực tại là không đến, không đi; không trên, không dưới và không có gì sinh ra, không có gì mất đi.
Có vô số những quan điểm, nhận định từ xã hội đã “ăn sâu” vào tiềm thức của con người rằng chúng ta đều có sinh, có diệt. Chính vì thế mà những ý niệm này đã trói chặt, giam hãm sự tự do, của không ít người trong chúng ta. “Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu. Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu”.
Nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường
“Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế thì không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát.”
Hầu như chúng ta chỉ hiểu rõ khái niệm về vô thường chứ không có cái nhìn sâu và thực tập về điều này. Thầy Thích Nhất Hạnh cho rằng, chúng ta phải nhìn sâu để thấu hiểu và nuôi dưỡng tình yêu thương, lòng tư bi bên trong mình, ươm những hạt giống tốt để chúng được phát triển và lan tỏa hương thơm đến những người xung quanh ta nhờ vô thường chứ không đơn thuần là dừng lại ở việc hiểu khái niệm vô thường. Nhìn vào vô thường ta trân quý sự nhiệm màu của sự sống, đối xử nhẹ nhàng và tử tế hơn với mọi người xung quanh bởi ta biết trong tương lai có thể họ không còn ở bên cạnh ta. Tiền bạc, danh vọng không thể theo ta suốt cuộc đời nên ta không đặt nặng nó bằng phút giây hiện tại ta được có mặt, được tận hưởng sự sống bất tận này…
Tìm hiểu thêm: Review sách Cha giàu cha nghèo – Bí quyết để trở nên giàu có
Đám mây không bao giờ chết
“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có, không, còn, mấy chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng
Gió vẫn còn bay con biết không?
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong”
Khi không hiểu được bản chất không diệt, không sinh con người ta dễ bị những ý niệm đến – đi làm cho khổ đau. Đám mây không bao giờ chết, nó chỉ chuyển hóa thành hình tướng khác, bởi bị trói buộc ở một quan niệm nên ta than khóc khi không còn nhìn thấy người mình thương hay sự thay đổi của sự vật, sự việc nào đó. Nhưng nước là sự tiếp nối đẹp đẽ của đám mây mang đến sự sống cho vạn vật, muôn loài, phải thực tập và quán chiếu nhìn sâu chúng ta mới biết được sự tiếp nối của đám mây.
Thời khắc duy nhất để sống
“Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về nương tựa”
Thấu thị bản chất chân thật của con người là không diệt, không sinh thì tâm trí sẽ được giải thoát, mở lối cho những giây phút an lạc bạn được tồn tại. Bởi quá khứ và tương lai là hai khoảng thời gian chúng ta không thể quay lại cũng chẳng thể biết trước được nhưng lại dành sự chú tâm rất nhiều. Chúng ta bị mắc kẹt về những điều kiện để được hạnh phúc, rằng bây giờ phải đạt được điều này, phải có thứ kia thì mới có cuộc sống như bạn mong muốn được. Nhưng thật ra nếu đủ sâu sắc để hiểu, để sống tỉnh thức thì mọi sự ràng buộc này sẽ chẳng thể nào làm phiền đến sự thong dong, bình yên mỗi ngày của bạn. Vì thấy túng thiếu nên chúng ta mãi chạy, không có thời gian để tĩnh tâm, để nhìn lại và sống đúng với thực tại, cảm nhận sự nhiệm màu của sự sống, của Đất Mẹ. Trở về với hiện tại, chúng ta sẽ nhận biết được niềm hạnh phúc luôn hiện hữu.
Trích dẫn hay từ sách
o Nếu bạn muốn biết Thượng đế, chư Bụt và tất cả các vĩ nhân sống ở đâu thì tôi có thể chỉ cho bạn. Đây là địa chỉ: “Bây giờ và ở đây”. Có đủ thứ bạn muốn biết, kể cả mã bưu điện (zip code).
o Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tùy thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tự do là sự vượt thoát khỏi những tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và buồn phiền. “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây”.
o Sự biểu hiện của một sự vật hay một con người không tùy thuộc vào một nhân duyên, mà tùy vào nhiều nhân duyên. Ý niệm cho rằng một nhân duyên gây ra kết quả là không đúng. Một điều kiện không bao giờ đủ để cho một sự vật biểu hiện.
o Bụt dạy rằng khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Dù chân lý tới tận nhà gõ cửa, bạn cũng sẽ từ chối vì không mở được cái tâm bạn ra. Vậy nên khi bạn vướng vào một ý niệm về sự thật hay có ý niệm về các điều kiện của hạnh phúc thì hãy cẩn thận.
>>>>>Xem thêm: Review sách Kỳ tích là tên gọi khác của nỗ lực
Lời kết
“Không diệt, không sinh đừng sợ hãi” khai mở bản chất của sự sống, nuôi dưỡng trái tim từ bi để bạn đọc được sống an lạc từng phút giây. Sách Hay 24H chúc bạn có những trải nghiệm mới mẻ trên những trang sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Sách Hay 24H, hy vọng những bài viết tiếp theo của Sách Hay 24H sẽ nhận được sự quan tâm và theo dõi của bạn.