Những bài thơ hay nhất của nhà thơ Hàn Mặc Tử

Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình – Chế Lan Viên

Bạn đang đọc: Những bài thơ hay nhất của nhà thơ Hàn Mặc Tử

Tìm hiểu thêm: Bình giảng bài thơ Quê hương của Tế Hanh

Những bài thơ hay nhất của nhà thơ Hàn Mặc Tử

>>>>>Xem thêm: Nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có phong cách thơ rất đặc biệt, một hồn thơ u ám và đẫm sương lạnh. Các tác phẩm thơ của ông đa số đều khiến người đọc phải lạnh gáy vì những hình ảnh rùng rợn trong đó. Sau đây là những bài thơ hay nhất trong tuyển tập thơ của Hàn Mặc Tử:

1. Mùa xuân chín – Thơ Hàn Mặc Tử

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý – Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Xúc cảm về một mùa xuân đẹp đẽ, tràn ngập sức sống, chan hòa niềm vui của con người. Song trong từng câu thơ vẫn vấn vương những băn khoăn, khi ngay trong thời khắc xuân xanh đẹp đẽ, nhà thơ đã kịp tiếc nuối cho một mùa xuân buộc phải đi qua. Nhưng nhìn chung, bài thơ vẫn rất đẹp và trong sáng trong dáng xuân đẹp đẽ, khác hoàn toàn với phong cách thơ thường thấy của Hàn Mặc Tử.

2. Đây thôn Vĩ Dạ – Thơ Hàn Mặc Tử

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Bài thơ trước hết là tình yêu của nhà thơ dành cho xứ Huế tươi đẹp, mộng mơ, sau là tình cảm đơn phương của ông gửi đến người con gái phương xa. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế hiện lên qua hồi ức của tác giả đồng thời cũng là bức tâm cảnh của một tâm hồn cô đơn, khao khát được yêu, được sống

3. Trút linh hồn – Thơ Hàn Mặc Tử

Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió – trong mưa gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ

Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi.

Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
– Còn em sao chẳng hay gì cả ?
Xin để tang anh đến vạn ngày.

Bài thơ viết về tình yêu một cách điên cuồng và đầy mạnh mẽ. Liên tục sử dụng những hình ảnh rất kinh dị và đầy ám ảnh. Từng câu thơ như đều vắt kiệt lấy tâm hồn của nhà thơ. Ta như nghe thấy tiếng hét, tiếng trách thương đầy ai oán của một tình yêu đã chết mà không thể nào vực dậy.

4. Trăng vàng trăng ngọc – Thơ Hàn Mặc Tử

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.

Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!

Trăng là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong những bài thơ của Hàn Mặc Tử, thể hiện rõ tính “điên” của nhà thơ. Trăng đối với nhà thơ như một vật sở hữu riêng, không xuất hiện theo cách lãng mạn thường thấy và rất ám ảnh, mang chiều hướng tiêu cực. Trăng tượng trưng cho thi nhân, đẹp nhưng buồn.

5. Rướm máu – Thơ Hàn Mặc Tử

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh,
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.

Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng
Cho ngây người mê dại đến tâm can
Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng
Mà muôn năm rướm máu trong không gian.

Không sai khi cho rằng Hàn Mặc Tử là một nhà thơ điên. Tràn khắp đoạn thơ chỉ là máu. Hình ảnh máu ám ảnh rất mạnh đối với nhà thơ. Đối với ông viết thơ là phải viết bằng máu, bằng tất cả tâm hồn và sức lực. Bởi chỉ ở trong những tác phẩm của mình, nhà thơ mới không cảm thấy cô đơn.

6. Hồn là ai – Thơ Hàn Mặc Tử

Hồn là ai là ai? Tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt chơi tôi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sương sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiên lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường trần gian và địa ngục

Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mê mệt lả mà tôi thì chết giấc.

Một lần nữa, qua bài thơ ta lại thấy được một hồn thơ kì lạ của nhà thơ. Sử dụng hình ảnh linh hồn khiến bài thơ mang màu sắc rất khác so với những nhà thơ cùng thơi. Song, tất cả những hình ảnh đó cũng để chứng minh rằng, nhà thơ đang mất phương hướng, khao khát tìm một tri kỉ mà không thấy, chỉ biết làm bạn với trăng, gió, hồn.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *