Một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt trong Vội vàng

Hoài Thanh là người đầu tiên nói rằng: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”

Bạn đang đọc: Một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt trong Vội vàng

Có thể nói, trong khi các nhà thơ còn đang quẩn quanh đi tìm lối thoát cho văn chương, nhà thơ Xuân Diệu đã tự định hướng cho mình một phong cách văn chương rất khác so với các nhà thơ cùng thời. Một hồn thơ sôi nổi, nồng nhiệt như muốn nuốt trọn vẻ đẹp của nhân thế. Hồn thơ đó thể hiện rất rõ trong “Vội Vàng” của Xuân Diệu.

Một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt trong Vội vàng

Tình yêu với cuộc sống đến mãnh liệt

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Những câu thơ đầu tiên đã thể hiện khát khao ấy của người thi nhân. Đại từ nhân xưng tôi được sử dụng như càng làm tăng thêm mức độ mãnh liệt của khát vọng vậy. Tác giả dường như cảm thấy đau lòng trước những gió, những hương – vẻ đẹp của cuộc sống nhân gian khi chứng kiến chúng dần phai nhạt trước bước đi của thời gian. Tác giả đã nảy ra trong đầu một ý nghĩ thật táo bạo “tắt nắng”, “buộc gió”, nắng và gió là những sự vật vô hình ta có thể cảm nhận bằng mắt nhưng tay ta lại chẳng thể chạm được. Nghệ thuật điệp từ “tôi muốn” kết hợp cùng các động từ mạnh đã cho người đọc thấy được niềm đam mê mãnh liệt và khát khao nắm giữ, chinh phục tạo hoá của nhà thơ. Khổ thơ ngũ ngôn mở đầu cho tác phẩm vừa cô đọng ý nghĩa nhưng cũng không kém phần cảm xúc.

Có lẽ ước muốn điên rồ ấy bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống quá đỗi mãnh liệt của thi nhân, bởi vậy mà luôn vội vàng để cảm nhận được hết vẻ đẹp tràn đầy sức sống của nó:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Xuân Diệu là nhà thơ bị ám ảnh bởi thời gian, bởi chính sự cuồng nhiệt trong ông khiến nhà thơ luôn nghĩ rằng mình không còn đủ thời gian để tận hưởng cuộc sống. Bởi vậy, ông tiếc mùa xuân ngay khi mùa xuân mới tới. Nhà thơ cảm nhận được những bước đi vô tình của thời gian đang cuốn đi cuộc sống ông hằng yêu quý. Nhà thơ cảm nhận được sắc xuân tới chưa bao lâu, mà đã vội vàng lo sợ mùa xuân sắp trôi chảy. Ông luôn gắn bó, quyến luyến với cuộc sống, với cảnh và người nơi trần thế này.

Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,
Làm giây da quấn quít cả mình xuân;
Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất. (Thanh niên)

Bằng những cảm nhận nhạy bén của mình, Xuân Diệu có thể nhìn thấy những dấu hiệu tàn phai của sự sống ngay ở thời tươi. Xuân đang tươi non, nở rộ đấy nhưng chính trong vẻ đẹp của thời tươi ấy lại là mầm mống của sự tàn phai, lụi tàn “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua”, và tuổi trẻ cũng vậy, một khi trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.:

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Nhà thơ ham sống đến mê say, nồng nhiệt. Chỉ có ông mới cảm nhận được mùi vị chia li ngay trong giây phút đoàn tụ. Nhà thơ hiểu được quy luật nghiệt ngã của thời gian, thơi gian vô hạn mà đời người thì hữu hạn, không đủ cho một người ham sống như Xuân Diệu tận hưởng đủ, đồng thời lại rất chán nản, hoài nghi, cô đơn. Thực ra hai tâm trạng này có mối quan hệ nhân quả với nhau và gắn liền với nỗi ám ảnh về thời gian của nhà thơ. Với Xuân Diệu, xuân  mang lại cho cuộc sống bao cái đẹp kì diệu cho con người với bao niềm vui kì thú, nhưng cũng sẽ mang tới bao sự tàn phai, bao nỗi buồn chia li, xa cách.

Tìm hiểu thêm: Ý nghĩa của thành ngữ “Có mới nới cũ là gì” là gì?

Một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt trong Vội vàng

Bức tranh thiên nhiên căng tràn sức sống trong Vội Vàng

Xuân Diệu có cách miêu tả mùa xuân rất đặc biệt:

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Điệp từ “này đây” như một phép liệt kê, nhà thơ như bao trọn vào mình cả thiên nhiên đất nước, vội vàng viết nó thành thơ mà tưởng chừng  như không thể nào ngăn cản, tất cả như đang tuôn trào. Nhà thơ đắm say vào sắc hương thiên nhiên được dệt từ sắc màu của ong bướm, xanh mướt của đồng nội, âm vang của khúc tình si. Hình ảnh ong bướm, hoa cỏ, đồng nội, cành tơ, yến anh, ánh sáng là những hình ảnh đẹp đẽ, tươi non của cuộc sống thường nhật, nhưng qua lăng kính lãng mạn và tình yêu cuộc sống của nhà thơ thì những hình ảnh vốn quen thuộc ấy bỗng tươi sáng, hấp dẫn như cảnh sắc nơi thiên đường.

Thiên nhiên, sự sống trong thơ Xuân Diệu bao giờ cũng tươi tắn, mời gọi như vậy.

Đặc biệt ở câu thơ:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Đã thể hiện đỉnh cao trong sử dụng ngôn từ Xuân Diệu. Bằng biệt pháp so sánh tháng giêng với cặp môi gần, nhà thơ đã chứng tỏ rằng mình cảm nhận thiên nhiên mùa xuân bằng tất cả các giác quan của mình. Vừa có cảm giác căng mọng, vừa có cảm giác mãnh liệt tràn đầy. Lấy con người là chuẩn mực đánh giá cho những vẻ đẹp của tự nhiên không chỉ thể hiện cá tính sáng tạo của nhà thơ mà còn thể hiện quan niệm mới trong sáng tác.

Một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt trong Vội vàng

>>>>>Xem thêm: Nói Nhiều Không Bằng Nói Đúng

Bức tranh thiên nhiên căng tràn sức sống trong Vội Vàng

Giải pháp táo bạo để níu giữ vẻ đẹp cuộc sống

Đã hơn một lần ta bắt gặp Xuân Diệu hối hả, cuống quýt, giục giã:

Mau với chứ, vội vàng lên chứ
Em, em ơi, tình non sắp già rồi!

Để có thể tận hưởng được trọn vẹn cuộc sống, nhà thơ đã quyết định chọn lối sống vội vàng:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Điệp từ “ta muốn” được lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn khẳng định khát vọng mãnh liệt trong nhà thơ. Đó là khát vọng được sống. Liên tục sử dụng những động từ mạnh như “say”, “riết” càng khẳng định điều đó. Đối với nhà thơ, thứ quan trọng hơn hết thảy là cuộc sống và tuổi trẻ. Một tuổi trẻ nồng nhiệt nuốt trọn vào mình sắc đẹp của cuộc sống. Nhà thơ thể hiện sự táo bạo của mình trong từng câu chữ. Đọan thơ cuối trong bài thơ gây ấn tượng đặc biệt trước hết bởi nó tựa như những lời giục giã chính mình lại như lời kêu gọi tha thiết đối với thế nhân được diễn đạt bằng một nhịp thơ gấp gáp bộc lộ vẻ đẹp của một tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, cuồng nhiệt yêu đời và yêu sống. 

Chính Xuân Diệu từng tuyên ngôn:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt ngàn năm.

Vội Vàng là tuyên ngôn về lối sống mới của Xuân Diệu, một lối sống vội để tận hưởng trọn vẹn cuộc sống – thiên đường trên mặt đất này. Bài thơ thể hiện rất rõ một hồn thơ ham sống đến cuồng nhiệt của Xuân Diệu.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *