Nhà văn Thạch Lam đã từng nói: “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Quả thật vậy, nói cho cùng văn chương cũng thai nghén từ hiện thực xã hội trăm đắng ngàn cay, tố cáo một xã hội giả tạo, tạo ra lăng kính khách quan giúp người đọc soi vào từng ngóc ngách của chính cuộc đời mà mình đang sống. Truyện Kiều không nằm ngoài thiên chức cao cả cả của văn học, đã phản ánh hiện thực một cách khách quan nhất, chân thực nhất có thể.
Bạn đang đọc: Giá trị hiện thực trong tác phẩm Truyện Kiều
Truyện Kiều – bản cáo trạng đanh thép vạch trần xã hội tàn ác sẵn sàng tước đoạt đi quyền sống của con người.
Truyện Kiều là tấm gương soi rọi tấc lòng của đại thi hào Nguyễn Du, là nơi thi hào gửi gắm nhiều trăn trở, suy tư, cả những nỗi niềm xót xa, bi phẫn trước thực trạng đau khổ của con người trong xã hội phong kiến. Thế giới trong truyện Kiều xấu xa đến cùng cực, khi quyền sống và quyền được làm người của con người bị tước đoạt một cách không thương tiếc. Là một trong những người sống trong thời đại đó, hơn ai hết, ông hiểu rất rõ hiện thực tàn khốc ấy. Bởi thế, Truyện Kiều không phải là tác phẩm được chuyển thể từ văn xuôi sang thơ một cách thuần túy, đó là máu, là nước mắt, là nỗi lòng, là trải nghiệm cay đắng của Nguyễn Du:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Giáo sư Lê Đình Kỵ từng nói: “không phải là chuyện thương hải tang điền siêu hình mà là một cục thế đã diễn ra, những điều đã được thể nghiệm. Chuyện bể dâu, những điều trông thấy ở đây trước hết gắn liền với sự suy sụp không gì có thể cứu vãn được của xã hội phong kiến đương thời, với nỗi căm giận tuyệt vọng trước sự thối nát của giai cấp thống trị, với nỗi xót xa trước những đau khổ của con người, với những ước mơ hy vọng bừng sáng lên nhưng rồi lại bị dập tắt”. Hiện thực xã hội được khắc họa qua những lăng kính khác nhau, trước hết là ở hình ảnh của giai cấp thống trị quan lại. Chưa ở đâu và chưa ở một tác phẩm nào, những vị quan lại xuất hiện với nhân cách bỉ ổi và đểu giả đến như vậy. Nhà thơ đã không sợ hãi bất cứ một thế lực nào, sự lụi tàn trong nhân cách của những kẻ thuộc tầng lớp thống trị bị Nguyễn Du vạch trần không thương tiếc:
Phép công chiếu án luận vào
Có hai đường ấy muốn sao mặc mình
Một là cứ phép gia hình,
Hai là lại cứ lầu xanh phó về
Quan lại coi thường pháp luật, tự cho mình quyền quyết định cuộc sống của người khác, không chút lương tâm. Chuyện sống chết của con người được xem như chuyện đùa. Tất cả những “cửa công”, “phép công”, những “mặt sắt”, “lập nghiêm”, những “chiếu án luận vào” đều chẳng để làm gì cả ngoài một trận đòn rụng rời xương thịt kia. Dù ta mừng cho Kiều nhưng “lòng tốt” của viên quan xử kiện đã khôngkhiến ta ngưỡng mộ, ngược lại, ta càng thấy ông thảm hại hơn bao giờ hết! Thúy Kiều 4 lần rơi vào cửa tử vì quan lại.
Tìm hiểu thêm: Truyện tranh Niềm vui từ bát canh cải
Đau đớn thay, não nề thay cho những con người vốn dĩ phải là đầy tớ của nhân dân, nay lại thối nát đến tận xương tủy, bị rút cạn đi tính người. Một “họ Hoạn danh gia” địa ngục trần gian, một Hồ Tôn Hiến ti tiện và bỉ ổi đều góp phần đẩy Thúy Kiều vào bước đường cùng của cuộc đời, không thể phản kháng. Hình tượng của quan lại được miêu tả đầy tính khinh miệt và đả kích:
Hàn huyên chưa kịp giãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao;
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi
Người xưa có câu:
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan
quả không hề sai.
Địa ngục trần gian mang tên nhà chứa
Hiện thực còn được khắc họa qua hình ảnh của những nhà chứa, nơi mà số phận của người phụ nữ thời phong kiến được khắc họa rõ nét nhất, đủ đắng, cay, tủi, nhục. Ở đây họ bị xem như một món hàng, tạp nham những kẻ lả lơi đến để mua sắc:
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt năm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Chỉ với vài câu thơ, Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét hình ảnh của những nhà chứa lúc bấy giờ, với giọng điệu đầy kinh bỉ. Một thế lực đen tối khác, độc ác không kém gì quan lại, dó là sự hoành hành tác quái của bọn buôn thịt bán người. Người đọc không thể quên một Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, một Tú Bà “thoắt trông lờn lợt màu da”, một Sở Khanh“hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng”, mỗi tên một vẻ nhưng chúng đều là một cốt một đồng, chung một nghề nghiệp kiếm ăn trên thân xác con người. Chỉ vài nét phác họa, Nguyễn Du đã vẽ nên những chân dung điển hình cho hạng người xấu xa này. Nếu như thế lực quan lại đã lấy đi của Kiều viễn cảnh cuộc đời bình yên tươi sáng, xô giạt đời nàng trên những bước đường lưu ly chìm nổi thì bọn buôn thịt bán người như Mã Giám Sinh, Tú Bà…là những kẻ đã đưa nàng xuống đáy sâu xã hội, xuống vực thẳm của sự nhơ nhớp. Ngòi bút sắc sảo và cái nhìn tỉnh táo của Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy lầu xanh, kĩ viện không chỉ là chốn đi về của khách làng chơi mà là địa ngục trần gian ẩn sau vẻ xa hoa tráng lệ.
Cũng ở đây, Thúy Kiều đã nếm trải đủ mùi cay đắng: Có đòn roi, có nhục mạ, có lọc lừa, có cưỡng bức… Với những thủ đoạn đê hèn nhất, Tú Bà cùng với Sở Khanh đã đập tan mọi toan tính phản kháng dù chỉ còn thoi thóp ở Kiều. Đau đớn xiết bao khi người con gái có ý thức cao về nhân phẩm đó lại phải tuyên bố từ bỏ nhân phẩm của mình:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Số phận bất hạnh của Thúy Kiều khiến vạn đời sau còn xót thương:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên…
Bỗng quý Kiều như đời dân tộc
Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường
Quả thật, thân phận người con gái muôn đời sau vẫn bất hạnh:
Thân em như trái bần trôi
Gió dập sòng dồi biết tấp vào đâu – ca dao
Thế lực đồng tiền – sự tha hóa của những giá trị nhân bản
Truyện Kiều là tiếng khóc đứt ruột của những mảnh đời bất hạnh, sự bất hạnh đó, chung quy lại cũng vì đồng tiền. Ở truyện Kiều, “đồng tiền lăn tròn trên lưng người, đổi trắng thay đen và làm bà góa phụ trở thành cô dâu mới”. Ở nơi đó, đồng tiền sai khiến lương tri, che mờ trái tim, vắt kiệt tình người:
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
Hay
Làm cho khốc lại chẳng qua vì tiền
Đồng tiền xuất hiện trong truyện Kiều như một hình tượng đặc biệt, chi phối tất cả các sự kiện tình tiết khác. Chưa ở một tác phẩm nào, thế lực của đồng tiền lại bị phanh phui một cách trần trụi đến thế. “Đồng tiền đã muốn làm chủ thế gian. Đồng tiền đã chà đạp lên đạo lí thần thánh của phong kiến. Trung, hiếu, tiết, hạnh, tài hoa, nhan sắc như cô Kiều đã bị đồng tiền làm cho ba chìm bảy nổi, đã hóa cô Kiều thành món hàng xa xỉ của thế gian…Mọi sinh hoạt xã hội đều quay về đồng tiền” (Lê Duẩn). Quan lại có kẻ vì tiền mà hành hạ con người, nho sĩ có kẻ vì tiền mà lưu manh hóa, bọn buôn thịt bán người tất cả vì tiền mà bày ra trăm phương nghìn kế để bẫy người phụ nữ, bắt họ phải đem thân ra làm món hàng cho chúng buôn bán, kiếm chác…Cũng chưa bao giờ trong một tác phẩm tự sự, qua những lời phát biểu trực tiếp của tác giả, hay qua ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật, tác dụng của đồng tiền lại được bóc trần nhiều lần đến thế. Sự xuất hiện của đồng tiền khiến tất cả các nhân vật đều trở thành con rối của nó.
>>>>>Xem thêm: Truyện tranh Sự tích hoa cúc trắng
NXB Trẻ ra mắt ấn bản truyện Kiều kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du
Mua tại Tiki Mua tại Fahasa Mua tại Shopee
Ở con mắt tác giả Truyện Kiều, đồng tiền đã làm trụy lạc nhân phẩm, mục nát bộ máy phong kiến thống trị, biến con người thành một thứ hang hóa, phá tan các gia đình, hủy hoại tự do và hạnh phúc cá nhân. Quan lại vì tiền mà bỏ công lý. Sai nha vì tiền mà tra tấn người vô tội, cướp bóc tài sản người lương thiện. Lũ mẹ mối, Mã Giám Sinh, Tú bà cậy tiền mà hành hạ người tài sắc. Sở Khanh vì tiền mà bầy mưu đặt kế cho Tú bà xô đẩy Kiều vào nghề “đưa người cửa trước rước người cửa sau”. Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tham tiền mà lừa Kiều đem bán cho lầu xanh. Hồ Tôn Hiến dùng tiền lung lạc Kiều, “lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”, để tiêu diệt Từ Hải. Tiền đã đè đầu đè cổ tài hoa, sắc đẹp, nhân phẩm, đạo lý:
Trong tay sẵn có đồng tiền
Dầu long đổi trắng thay đen khó gì!
Hiện thực đau lòng nơi mà đồng tiền thay thế vị trí của nhân cách được bóc tách một cách trần trụi. Ngòi bút của đại thi hào Nguyễn Du như lưới dao khoét sâu vào hiện thực tăm tối, để người đọc thấy mà đau mà xót.
Truyện Kiều là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Phạm Quỳnh nhận xét: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.” Tác phẩm là đỉnh cao của ngôn từ, được chắt lọc từ mảnh đất hiện thực trăm đắng ngàn cay, chính giá trị hiện thực đã đưa Truyện Kiều vượt qua khỏi quy luật của thời gian, trường tồn vĩnh cửu.
Thảo Nguyên