Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được sáng tác dựa trên một sự kiện có thật: trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, Bác Hồ đã trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Và trong hồi kí của mình, nhà thơ đã kể lại cuộc gặp gỡ với một chú bộ đội vừa từ Việt Bắc trở về. Trong cuộc gặp gỡ ấy, tác giả đã lắng nghe kỉ niệm được gặp Bác trong một đêm hành quân đi chiến dịch Biên giới của chú bộ đội. Vô cùng xúc động trước tình cảm, hành động của Bác, Minh Huệ đã sáng tác ngay bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. Bác Hồ luôn là niềm cảm hứng của thi ca muôn đời, vẻ đẹp và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bác sáng ngời dù có trải qua bao nhiêu thời gian.
Bạn đang đọc: Đêm nay Bác không ngủ – Vẻ đẹp vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
Hình tượng Bác Hồ
Tác phẩm là một câu chuyện được viết dưới hình thức một bài thơ, rất dung dị và gần gũi với nhân vật trung tâm là Bác Hồ. Hình ảnh của Bác hiện lên rất đỗi chân thực và ngập tràn ánh sáng. Hình ảnh Bác đầu tiên được thể hiện qua tư thế dáng ngồi:
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ.
Bối cảnh của câu chuyện là trời đã khuya, mọi người đang chìm vào giấc ngủ để chuẩn bị cho trận đánh cam go sắp tới, tĩnh mịch và yên ắng. Bối cảnh này trái ngược hoàn toàn với tâm thế của Bác, Người vẫn còn tỉnh táo, và trở trăn nhiều điều. Đêm khuya, trời mưa, gió lạnh, Bác vẫn ngồi đó như có những suy tư đang ngổn ngang. Câu thơ cuối vang lên như báo hiệu một đêm dài với Bác. Với cương vị là một nhà lãnh đạo, một vị lãnh tụ đáng lẽ Bác sẽ nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ mọi người, được ngủ ở một nơi an toàn, ấm áp nhưng ngược lại, Bác hòa cùng nhịp sống với những người chiến sĩ. Anh đội viên vô cùng ngạc nhiên, khi thấy Bác tuổi đã cao nhưng vẫn sẵn sàng đi hành quân trong đêm mưa rét và ngay cả khi đêm đã về khuya bác vẫn chưa ngủ:
“Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm”
“Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng”
Những hành động rất nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn, nó khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người cha già kính yêu của dân tộc. Bác thức với vẻ mặt trầm ngâm, chắn chắn Bác đang suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về vận mệnh đất nước. Suốt cuộc đời Bác luôn dành sự quan tâm, lắng lo cho đất nước, cho muôn dân chứ không lúc nào Bác suy nghĩ cho riêng bản thân mình cả. Những tính từ “trầm ngâm”, “ nhẹ nhàng”, hành động “nhón” diễn tả sự tinh tế trong hành động của Bác Hồ, Bác coi muôn dân như con. Tố Hữu đã từng có những câu thơ:
Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy
Như dòng sông chảy, nặng phù sa.
Tấm lòng dành trọn cho đất nước của Bác khiến tất cả đều phải kính phục.
Tìm hiểu thêm: Bước đường cùng – Chủ nghĩa hiện thực phê phán đặc sắc
Hình tượng của Bác được vẽ sắc nét hơn khi nhà thơ viết về lí do Bác không ngủ:
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn…
Vào thời điểm câu chuyện này đang diễn ra, Bác cùng các đồng chí đều đang trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Bác cùng tất cả mọi người đều phải chịu đựng những khó khăn gian khổ vô cùng lớn và rất nhiều thử thách. Bác đã lớn tuổi song chưa bao giờ Bác đặt an nguy của bản thân lên hàng đầu, một vị chủ tịch nước lại luôn đau đáu nỗi lo cho những người dân nhỏ bé. Bác hiểu rất rõ hoàn cảnh sống của những người đang trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường, phải ngủ ngoài rừng giữa trời mưa rét, trên mặt đất ẩm ướt và Bác không thể kìm lòng trước những hình ảnh đấy. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác không chỉ thể hiện ở hành động quan tâm những người chiến sĩ đang yên giấc bên cạnh Người mà tấm lòng của Bác vẫn đau đáu khi nghĩ đến lực lượng dân công đang chống chọi với thời tiết giá lạnh, mưa gió nơi rừng thiêng nước độc. Bức chân dung của Bác hiện lên dưới ngòi bút của nhà thơ Minh Huệ thật giản dị, gần gũi nhưng cũng vô cùng vĩ đại. Hình ảnh Bác trăn trở không nguôi giữa đêm khuya bên ánh lửa hồng đã gợi nhắc đến hai câu thơ trong bài thơ “Cảnh khuya”:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(“Cảnh khuya”- Hồ Chí Minh)
Vẻ đẹp tâm hồn của Bác sáng tựa những vì sao trên trời, Bác không chỉ lo lắng cho những người đang yên giấc bên cạnh mình, mà là cho tất cả nhân dân Việt Nam đang phải chịu cảnh thống khổ:
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.
Tình thương của Bác rộng lớn đến độ Bác muốn bẻ gãy cả quy luật tự nhiên. Câu hỏi tu từ “làm sao cho khỏi ướt” đã khẳng định tình thương ấy trong lòng của vị Chủ tịch vĩ đại. Bác lo cho bộ đội, dân công cũng chính là lo cho cuộc kháng chiến gian khổ nhưng anh dũng của dân tộc nhằm giành lại chủ quyền độc lập, tự do, cơm áo, hoà bình. Những câu thơ khắc họa hình ảnh của Bác vô cùng giản dj nhưng chân thực, gần gũi giàu sức gợi. Nghệ thuật không kiểu cách nhưng nội dung chứa đựng trong nó lại rộng lớn vô cùng. Không một bài thơ nào có thể diễn tả hết được vẻ đẹp của Người.
>>>>>Xem thêm: Vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân
Cảm xúc của anh đội viên
Bài thơ được viết lại dựa trên lời kể của anh đội viên, thể hiện tấm lòng thành kính của mình với chủ tịch Hồ Chí Minh:
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng.
Bằng biện pháp tu từ so sánh, tác giả đã thể hiện hình ảnh lớn lao của Bác Hồ trong mắt anh chiến sĩ và trong mắt mỗi người dân Việt Nam. Bác như một ông tiên trong những câu chuyện cổ tích, ông tiên to lớn, vĩ đại, bóng hình ông “lồng lộng”, ông tiên đã đem ánh lửa soi sáng mọi nẻo đường trên khắp dải đất hình chữ S. Bác đã mang phép màu đến cho nước Việt, đưa cả dân tộc đến bến bờ thành công. Lựa chọn hình ảnh ngọn lửa để so sánh với hình ảnh của Bác, nhà thơ muốn làm nổi bật sự ấm áp của Bác dành cho người dân Việt Nam, đồng thời khẳng định sức sống tồn tại vĩnh cửu của Bác trong lòng người dân Việt.
Anh đội viên xúc động khôn nguôi trước hành động của Bác:
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác.
Một đêm không ngủ của hai con người, một vĩ đại, một nhỏ bé, song cả hai đều đã làm nên đất nước. Tổ quốc Việt Nam đã được dệt lên từ những đêm như thế, những đêm không ngủ của Bác, của những chiến sĩ ngoài chiến trường, của những hậu phương ngày đêm lo lắng.
“Đêm nay Bác không ngủ” là một bài thơ giản dị, không có hình thức nghệ thuật cầu kì, dễ dàng cảm thụ và thưởng thức. Bài thơ đã khẳng định Bác Hồ luôn là ánh sáng rực rỡ nhất trên bầu trời đất nước Việt Nam.
Thảo Nguyên