Xuân Diệu – nhà thơ của những vội vàng, gấp rút. Trong từng tác phẩm của ông, thời gian luôn là sự ám ảnh. Nhà thơ như thể đang chạy đua với dòng chảy của cuộc sống.
Bạn đang đọc: Cảm thức thời gian trong thơ Xuân Diệu
Có thể nhận định rằng, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ có hồn thơ lạ nhất, táo bạo nhất, phong phú nhất mà ta từng gặp trên thi đàn Việt Nam. Song dù thành công với nhiều đề tài, cảm thức về thời gian trong thơ Xuân Diệu vẫn là chủ đề xuyên suốt, tạo thành phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Sự ám ảnh trước dòng chảy vô tình của thời gian
Thời gian vô tình, vô hạn nhưng đời người lại hữu hạn nhỏ bé. Một quãng đời ngắn ngủi không đủ để nhà thơ cảm nhận trọn vẹn hình hài của cuộc sống. Nguyễn Du từng than trách: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, song chỉ đến Xuân Diệu thời gian mới trở thành một sự ám ảnh da diết đến thế. Dường như nó là một nỗi sợ thường trực, Xuân Diệu có thể cảm nhận được sự chuyển động tinh vi nhất của thời gian:
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này
Nói lên sự nhạy cảm vô cùng trước sự thay đổi của thời gian, sự thay đổi không còn là năm là tháng là ngày nữa mà sự thay đổi diễn ra trong từng phút một, cái “tôi” của phút trước đã khác với cái “tôi” của phút này. Chính vì ý thức rõ rệt được từng sự biến chuyển của thời gian nên Xuân Diệu từ ám ảnh chuyển sang sợ hãi những bước đi vô tình của thời gian. Nhà thơ ý thức được thời gian gắn liền với sự mất mát, một đi thì không bao giờ trở lại:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần (Đây mùa thu tới)
Vì vậy mà trong hầu hết các tác phẩm của ông, nhịp thơ luôn gấp gáp, bởi nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi thời gian. Vũ trụ vẫn chuyển động như vốn dĩ, thời gian vẫn trôi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Với sự thức tỉnh ý thức cá nhân sâu sắc, nhà thơ cảm nhận hơn ai hết một sự thật đáng buồn “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, cho dù mùa xuân của đất trời vẫn cứ tuần hoàn, ngày hôm nay đã khác hôm qua, huống chi năm này với năm khác, nàng xuân thì trường sinh còn tuổi trẻ mỗi người đều có giới hạn. Thơ của ông lúc nào cũng như còn dang dở, bởi nhà thơ luôn nhìn thấy sự chia li trong sự đoàn tụ, mùa hạ trong cái chớm nở của mùa xuân, niềm hạnh phúc đang chực chờ bị phá hủy. Một nhà thơ có ý niệm cá nhân sâu sắc, một trái tim quá đỗi nhạy cảm trước những biến chuyển của cuộc sống.
Thời gian gắn liền với tuổi trẻ
Với Xuân Diệu, quãng thời gian đáng nhớ nhất, đáng trân trọng nhất là tuổi trẻ. Độ tuổi ta còn xanh mơn mởn với những ước mơ hoài bão, con đường còn dài và thời gian còn rộng mở. Đó cũng là điều nhà thơ luôn lo sợ tuổi trẻ trôi nhanh, cảm thức về thời gian gắn liền với tuổi trẻ của con người:
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời (Vội vàng)
Từ xuân được lặp lại rất nhiều lần, vừa tượng trưng cho mùa xuân tự nhiên, vừa ẩn dụ cho tuổi trẻ. Đoạn thơ thể hiện sự đối nghịch giữa lòng người và trời đất. Thật ngạc nhiên khi niềm khao khát của nhà thơ được so sánh với trời đất mà bên người lại thắng thế. Lòng người khao khát quá nhiều điều cho tuổi trẻ, sức sống chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà tạo hóa thì chẳng cho ai thêm một chút thời gian.
Vì thời gian đối với Xuân Diệu chính là tuổi trẻ, nên thơ của ông luôn mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Trong thơ Việt Nam, và cả trong phong trào Thơ Mới, chưa ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống đến thiết tha như Xuân Diệu. Cũng những nét ấy, sắc màu và âm thanh ấy, vừa vẽ nên cái sức sống của tuổi trẻ, vừa phác họa nỗi buồn ngập ngùi khi biết trước một ngày nhà thơ buộc phải rời xa cuộc sống quá đỗi tươi đẹp này.
Tìm hiểu thêm: Chùm ca dao than thân trách phận hay nhất
>>>>>Xem thêm: Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Nguyễn Bính
Cảm thức thời gian được thể hiện qua triết lí sống vội vàng
Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Tấn Long từng nhận định: “Xuân Diệu là nhà thơ của thuyết hiện sinh. Với tấm lòng khát khao, giao cảm mãnh liệt với con người, với cuộc đời, nên hồn thơ Xuân Diệu không lúc nào là không thể hiện sự quan tâm về thời gian”. Thế nên nhà thơ chọn cho mình lối sống gấp gáp, vội vã để cảm nhận hết những dư vị của thời gian. Nhà thơ bộc lộ niềm khát khao giao cảm nồng cháy, cuồng say trước cuộc đời, bắt nguồn từ quan niệm sống tích cực của cái tôi cá nhân cá thể ý thức sự hiện hữu của bản thân trong cuộc đời và khát khao cuộc sống không bao giờ tắt trong ông. Xuân Diệu không muốn hòa lẫn cái tôi của mình vào biển đời mà khẳng định mình “là một, là riêng, là thứ nhất”:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Khi ông đi giữa cuộc đời, trước tuổi trẻ và tình yêu thì Xuân Diệu không bao giờ thấy đủ, thấy thỏa mãn mà đòi hỏi được sống trong vĩnh viễn, trong vô cùng. Do vậy không ít những sáng tác của Xuân Diệu đã thể hiện rõ ông là người rất quan tâm đến thời gian:
Chẳng bao giờ ôi! chẳng bao giờ nữa
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm
Nhà thơ luôn tự thúc giục chính bản thân mình, không nên lãng phí thời gian, phải sống nhanh, sống vội, sống gấp rút. Bao trùm lên những trang văn, trang thơ của ông thời kỳ này là sự bộc lộ một cách sâu sắc tấm lòng yêu cuộc sống, khát vọng tự do, khát khao gắn bó với cuộc đời, một tình yêu đắm say không giới hạn của một tấm hồn cô đơn, của một tấm lòng luôn vấn vương với trần thế và bộc lộ một cách nồng nhiệt những ham muốn tận hưởng hạnh phúc mãi không rời đời.
Xuân Diệu có những quan niệm rất mới mẻ về thời gian, thể hiện rất rõ một hồn thơ đậm chất mới. Thơ của ông tỏa sáng lấp lánh, ấm áp, bao trùm bởi lối sống tích cực, tràn ngập sự yêu mến với đời.
Thảo Nguyên