Cảm hứng thoát ly trong phong trào thơ mới

Nhận xét về thơ mới (năm 1930 – 1945) Hoài Thanh viết ”Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và nhất là xôn xao như thế” (theo cuốn thi nhân Việt Nam). Phong trào thơ mới được cho là thời kì phát triển mạnh mẽ nhất của văn học Việt Nam, với sự phá cách trong cả tư duy nghệ thuật lẫn tư tưởng tác giả. Lần đầu tiên cái tôi cá nhân của tác giả được bộc lộ một cách trọn vẹn, một thời kì sôi động song không kém phần buồn bã. Cảm hứng chi phối phong trào thơ mới kể từ khi nó ra đời là cảm hứng thoát ly. Ảnh hưởng của thời đại đã gieo vào lòng những thi nhân mong muốn được thoát ly khỏi đời, khỏi thực tại đớn đau.

Bạn đang đọc: Cảm hứng thoát ly trong phong trào thơ mới

Tìm hiểu thêm: Bến không chồng – Những mảnh đời đầy nước mắt thời kỳ hậu chiến

Cảm hứng thoát ly trong phong trào thơ mới

>>>>>Xem thêm: Bi kịch văn sĩ Hộ trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao

Sự ra đời của cảm hứng thoát ly

Phong trào thơ mới khởi nguồn từ những năm đất nước đang chịu sự xâm lược của thực dân Pháp, với hàng loạt những chính sách hà khắc đã đẩy nhân dân ta vào đường cùng của sự khốn khó. Đất nước lâm nguy, con dân hoạn nạn, vào thời kì ấy những người dân thấp cổ bé họng chỉ biết oằn lưng để làm giàu cho địa chủ. Văn học Việt Nam không có cơ hội phát triển. Đặc biệt, sự tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng của các tổ chức cộng sản dẫn đến việc những nhà văn, đồng thời cũng là những con người yêu nước lạc phương hướng. Không có người định hướng, lại xuất hiện quá nhiều con đường có thể lựa chọn khiến các nhà thơ trở nên chán ghét thực tại, chán ghét cuộc sống trần thế mà đi tìm sự thoát ly ở những thế giới không có thật. Điều này có sự ảnh hưởng rất lớn của thời đại nơi những bài thơ ra đời. Lưu Trọng Lư từng viết:

Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ 

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ

Chính Tố Hữu cũng đã từng nói về sự rối ren của thực tại:

Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước

Biết chọn một dòng hay để dòng nước trôi

Nguyên nhân xuất phát từ hiện thực qua hà khắc và đắng cay, khác xa với lí tưởng lãng mạn của các nhà thơ, vì vậy họ có xu hướng thoát ly khỏi hiện thực để tìm đến với thế giới mộng ảo, thể hiện sự cô đơn tuyệt đối cũng như sự bối rối trong tư tưởng của họ. Có thể nói nó thể hiện sự tiêu cực trong nhận thức của các nhà văn, không chấp nhận đối diện với thực tại. Đây cũng là một trong đặc điểm lớn của văn học lãng mạn. Phong trào thơ mới giải thoát triệt để tâm hồn con người khỏi sự tù túng của thời đại, sự rối ren của tư duy. Thời đại đã buộc các nhà thơ không còn cách nào khác ngoài việc đi tìm sự quên, cõi mộng ảo nơi tiên cảnh, hoặc đắm chìm trong rượu say, những hình ảnh rất ma mị.

Cảm hứng thoát ly trong thơ mới được thể hiện qua những nhà thơ cụ thể

Có thể nói cảm hứng thoát ly trở thành đặc điểm lớn của phong trào thơ mới khi nó thể hiện ở hầu hết các tác phẩm tiêu biểu nhất của thời kì này. Dù tài năng song đa số các nhà thơ đều có tinh thần yêu nước mãnh liệt nhưng lại không tìm được con đường để phục vụ đất nước. Sự lạc lõng bơ vơ ngay trên đất nước mà mình đang sống đã khiến cho các nhà thơ  rơi vào cảm hứng thoát li. Mỗi nhà thơ lại có một cách khác nhau để thoát li khỏi hiện thực:

Hỡi thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại

Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang

Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái

Nhận tôi đi, dù địa ngục thiên đường!

Huy Cận đi tìm về với đấng sáng tạo siêu nhiên – thượng đế, người mà ông cho rằng đã tạo ra linh hồn cho vạn vật. Song nhà thơ chán ghét trần thế nên mong muốn được thượng đế lấy lại linh hồn của chính bản thân mình. Thi sĩ mong muốn rời khỏi trần thế đến mức, dù địa ngục hay thiên đàng ông cũng chấp nhân, điều này thể hiện rất rõ mong muốn thoát li của nhà thơ. Đối với ông, nhà thơ đang tìm về với một thế giới không có thật – thiên đàng và địa ngục. Điều này thể hiện sự chán ghét đến cực độ của chính thi nhân đối với cuộc sống. Ông cũng tìm về với nỗi sầu thời thế:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Để không phải đối mặt với hiện thực

Trong khi đó, Chế Lan Viên lại tìm về với những tháp chàm cổ kính, ma quái, được thể hiện rất rõ trong tâoj thơ “điêu tàn”:

Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động

Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi hư vô

Tháng ngày qua, gạch chàm đua nhau rụng

Tháp Chàm đua nhau đổ dưới ánh trăng mờ

Hay:

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn,

Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy !

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ có phong cách kì dị, một nhà thơ khá “điên” khi hình tượng chủ yếu trong thơ của ông là tháp Chàm, ma và quỷ. Nhà thơ cũng chịu ảnh hưởng bởi cảm hứng thoát ly, ông đi tìm về với một thế giới không có thực nơi tồn tại những bóng ma. Bản thân ông nhận ra rằng ngay cả sự tồn tại của ma quỷ cũng không khổ đau bằng nhân thế hoạn lạc. Nỗi đau vong quốc được thể hiện rất rõ qua những bài thơ của ông, tâm trạng của một kẻ yêu nước nhưng lại không tìm được con đường đúng đắn, đành mặc kệ dòng chảy của cuộc đời.

Chính nhà thơ cũng từng viết:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh. 

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa! 

Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh. 

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!

Đặc điểm chung của các nhà thơ mới là họ ý thức được rất rõ hiện thực, song họ lại không lựa chọn đối mặt và tìm cách thoát ly. Chế Lan Viên cũng vậy, ông khao khát được đi tới một nơi thật xa để tìm lại cảm giác an tâm trong tâm hồn, lẩn tránh mọi ưu phiền và đau khổ. Khổ thơ trên thể hiện sự khao khát đến tận cùng của nhà thơ, làm bật lên nỗi ghét đời, ghét thời thế của các nhà thơ cùng thời.

Một nhà thơ khác cũng chịu ảnh hưởng lớn từ cảm hứng thoát ly là Hàn Mặc Tử. Cũng giống như Chế Lan Viên, nhà thơ trốn tránh hiện thực trong thế giới siêu thực, tồn tại những bóng ma, hồn trăng và máu. Thơ của Hàn Mặc Tử “điên” hơn hẳn những nhà thơ cùng thời:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta. 

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da.

Hình ảnh vũng máu là hình ảnh quen thuộc trong thơ của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ điên loạn căm ghét trần thế, trốn tránh trong những vần thơ hư ảo. Nhà thơ chỉ sống trong thế giới do chính nhà thơ tạo ra, với hồn trăng và máu:

Trăng! Trăng! Trăng! Là trăng trăng trăng

Ai mua trăng tối bán trăng cho

Không nói rõ ràng mong muốn thoát li hiện thực, nhưng việc từ chối quay về với thực tại đã thể hiện rất rõ mong muốn thoát li của ông. Một thế giới điên loạn như vậy lại dễ chịu hơn so với cuộc sống xô bồ ngoài kia với lòng người hiểm ác.

Như vậy, cảm hứng thoát li là một trong những đặc trưng lớn của phong trào thơ mới, thể hiện rõ sự tác động của thời đại lên các tác phẩm của nhà thơ, cũng như sự phá cách trong tư duy của nhà thơ mới, thể hiện cái tôi khác biệt.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *