Bình giảng bài thơ Côn Sơn ca – Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi – một nhà văn hóa lớn của dân tộc, nhà thơ, nhà văn chính luận kiệt xuất. Ông không chỉ là một người hoạt động nghệ thuật, ông cũng là một vị quan thanh liêm mẫu mực, tiếc rằng thế sự không có chỗ cho những con người quá đỗi trung trực như Nguyễn Trãi. Trước thực tại ngổn ngang, Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn, đắm mình vào thiên nhiên yên bình, ngày ngày ngâm thơ, thưởng nguyệt. “Côn sơn ca” ra đời vào thời điểm Nguyễn Trãi đã chán ghét chốn quan trường hiểm độc, trở về với thiên nhiên bình yên. Bài thơ thể hiện một tâm hồn yêu thiên thiên, quê hương đất nước.

Bạn đang đọc: Bình giảng bài thơ Côn Sơn ca – Nguyễn Trãi

Tìm hiểu thêm: Tiểu Sử Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Nhà Thơ Hàn Mặc Tử

Bình giảng bài thơ Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi

>>>>>Xem thêm: Độc Tiểu Thanh ký – Câu chuyện về một kiếp hồng nhan bạc mệnh

Cảnh thiên nhiên Côn Sơn tươi đẹp

Côn Sơn là một trong những địa danh nổi tiếng của Việt Nam, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước, cũng như đi liền với những tên tuổi lớn trong lịch sử, trong đó có Nguyễn Trãi. Thiên nhiên ở Côn Sơn nổi tiếng đẹp khôn cùng, là nơi nhiều người tìm đến sự bình yên cũng như là niềm cảm hứng của nhiều bài thơ:

Khí thiêng sông núi vút trời cao

Suối lượn bao quanh nước ngập sào

Kiếp Bạc non xanh phô ánh nắng

Côn Sơn suối mát chiếu ngàn sao            – Phạm Đình Nhân

Nhưng chỉ đến khi Nguyễn Trãi đưa cảnh đẹp nơi đây vào thơ, thì Côn Sơn trong thi ca mới mang trọn vẹn màu sắc, hình hài, và lột tả được chân thực nhất vẻ bình yên nơi đây:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Đoạn đầu, tả cảnh rừng suối Côn Sơn và qua đó là sự hoà quyện, sự tương thích giữa thiên nhiên và con người, ở đây là tác giả, với tư cách là nhân vật trữ tình chủ thể. Tiếng suối ấy làm tiếng đàn. Đó là thanh âm trầm bổng của núi rừng, của suối khe réo rắt trong veo phổ mãi vào đất trời non nước. Nhà thơ đã so sánh tiếng suối với tiếng đàn, để tuyệt đối hóa âm thanh diệu kì của mẹ thiên nhiên ấy, thứ âm thanh trong trẻo và hay như tiếng đàn cầm. Câu thơ gợi lên được cảm giác du dương, êm ả, trầm bổng. Vừa có hình ảnh thiên nhiên, vừa ẩn hiện dáng con người. Lựa chọn tiếng suối là hình ảnh đầu tiên khi miêu tả về côn sơn, tác giả muốn làm nổi bật điều làm nên cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đây chính là tiếng suốt trong ngần ấy. Tiếng đàn thể hiện cảm xúc và tâm trạng của người nghệ sĩ, Tả tiếng suối bằng tiếng đàn là một cách miêu tả thật độc đáo, ta có cảm giác như nhân vật trữ tình đang say sưa thưởng thức âm thanh đó như thưởng thức nghệ thuật tuyệt đỉnh của mẹ thiên nhiên.

Đang tả cái động, nhà thơ đột ngột chuyển qua cái tĩnh:

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.

Đá và suối là hai vật thể không tách rồi. Đá làm cho con suối có sự mạnh mẽ và hoang sơ. Nhà thơ di chuyển tầm mắt lên những hòn đá rêu phủ cổ kính, trong con mắt thi nhân thì những sự vật bình thường nhất cũng được nghệ thuật hóa. Ông cảm nhận đá qua màu rêu đã phơi nắng phơi mưa qua bao ngày bao tháng, mang dáng dấp của dòng chảy thời gian trên từng hòn đá. Nguyễn Trãi “ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”. Lại là nghệ thuật so sánh rất đặc sắc, đưa thiên nhiên trở nên gần gũi vô cùng. Côn Sơn như ngôi nhà lớn, mà thảm rêu phơi kia đã trở thành chiếu êm của con người, giúp cho nhân vật trữ tình thảnh thơi ngồi nghỉ, để viết lên những vần thơ hay, êm êm như cảnh Côn Sơn. Câu thơ này vừa diễn tả tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi, vừa diễn tả tâm hồn đẹp của ông, một người có tinh thần luôn lạc quan yêu đời.

Côn Sơn ca là một bức tranh hoàn mĩ, có đủ các yêu tố nhạc họa và màu sắc, Nguyễn Trãi không quên tô điểm và bức tranh ấy cảnh rừng đầy sức sống:

Trong ghềnh thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Những cánh rừng thông, rừng trúc trải dài bát ngát như vẽ lên một bức tranh tuyệt diệu. Cái màu xanh của rừng cây mát lạnh, che chở lòng người giữa giông bão. Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh, Thông được so sánh như nêm để cho thấy được ở Côn Sơn những cây thông ấy quả thật rất nhiều. Phải chăng chính sự dày đặc của thông của trúc là nơi che chở tâm hồn nhà thơ tránh khỏi những bụi trần? Núi Côn Sơn cũng là nơi cư ngụ của những điều cao khiết. Không chỉ là tiếng nước trong trẻo không vương bám bụi trần. Không chỉ là những mảng rêu phơi tự nhiên êm ái. Đó còn là những rừng thông, rừng trúc xanh rờn. Trong quan niệm của người xưa, thông tượng trưng cho bậc quân tử không sợ khó khăn, gian khổ; trúc tượng trưng cho sự nagy thẳng chính trực, lựa chọn hai hình ảnh này để miêu tả, nhà thơ muốn ngầm khẳng định tâm hồn luôn vì nước vì dân của mình. 

Trong đoạn thơ đã xuất hiện hình ảnh con người rõ rệt, bóng dáng người thi sĩ thưởng ngoạn cảnh đẹp và ngâm thơ thật bình yên, không vướng lo lắng của bụi trần, đẹp đẽ khôn nhường.

Nỗi niềm của Nguyễn Trãi – tâm trạng của đứa con yêu nước bất lực trước thế sự ngổn ngang

Nguyễn Du từng nói:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Trong cảnh bao giờ cũng có người, vì vậy Côn Sơn ca không chỉ là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình mà còn chứa đựng nỗi niềm của một người con yêu nước thương dân, luôn đau đáu nỗi đau dân còn đói nghèo, trăn trở khôn nguôi. Nhà thơ thể hiện tâm trạng không quan tâm đến chốn quan trường:

Về đi sao chẳng sớm toan,

Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?

Muôn chung chín vạc làm gì,

Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.

Ông không quan tâm đến những giá trị vật chất, cho rằng đó là thứ bụi trần không nên đụng vào, nên phó mặc cho số phận đưa đẩy, đừng cố gắng tranh giành thiệt hơn. Nguyễn Trãi làm quan, tài năng không được thi thố, bị bọn quyền thần, nịnh thần chèn ép. Có lúc ông tự than: “Dưới công danh đeo khổ nhục”. Đó là tâm trạng thời thế. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã sát hại Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, hai đại công thần; còn Nguyễn Trãi cũng đã bị hạ ngục. Sau đó tuy được tha nhưng chỉ là một cô thần “thanh chức”. Nguyễn Trãi đã nhiều năm sống trong tâm trạng muốn trở về Côn Sơn làm bạn với cỏ hoa chốn lâm tuyền. Những vần thơ thể hiện bi kịch của một người mong muốn được giúp đời nhưng nay phải từ dã sự nghiệp làm quan để bảo vệ thanh danh của mình.

Bài thơ còn là những triết lí của ông về giàu, sang, phú, quý:

Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.

Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,

Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.

Lại kia trên núi Thú San,

Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.

Hai đàng khó sánh hiền ngu,

Đều làm cho thoả được như ý mình.

Mựợn tích xưa (Vạn chung cửu đỉnh) để chỉ quan to, ăn lộc muôn thùng thóc, nghĩa là quan thượng phẩm, vinh hoa phú quý đã vào hàng bậc nhất rồi. Cửu đỉnh (chín cái đỉnh), chỉ ngôi vua, có cả thiên hạ trong tay, của cải và quyền lực đều ở mức tột đỉnh… Người ta ở đời lao tâm khổ tứ, vào sinh ra tử, chẳng qua cũng chỉ vì những cái gọi là Muôn chung nghìn tứ ấy thôi, nhưng rốt cục để làm gì kia chứ, khi mà sự tồn tại của con người cũng chỉ có giới hạn? Đổng Trác đời Đông Hán, Nguyên Tải đời Đường chức trọng quyền cao, phú quí đến cực độ, cuối cùng chết trong ô nhục, để lại tiếng dơ muôn đời. Tác giả nhắc lại cách ứng xử và cái chết của Bá Di, Thúc Tề đời Ân, Chu, từ đó suy ngẫm về “hiền ngu” ở đời, chung qui chỉ là “đều làm cho thoả được như ý mình”. Những người chỉ nghĩ cho bản thân mình mà không lo nghĩ cho con dân, cuối cùng phải mang tiếng xấu.

Nguyễn Trãi đả kích mạnh mẽ thói tham lam của bộ phận quan lại, ham tiền hám của, đồng thời thể hiện nỗi thất vọng của mình đối với chế độ chưa lo được cuộc sống ấm no cho người dân. Nhà thơ gửi gắm rất nhiều triết lí sống ở đời trong bài thơ, những triết lí được đúc kết từ cuộc đời nhiều thăng trầm của nhà thơ:

Trăm năm trong cuộc nhân sinh,

Người như cây cỏ thân hình nát tan.

Hết ưu lạc đến bi hoan,

Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.

Núi gò đài các đó đây,

Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.

Sống hay chết, buồn hay vui là lẽ sống ở đời, cần gì tính toán thiệt hơn. Con người cũng chỉ có một lần sống, một lần chết. Tâm trạng thời thế, triết lý về cuộc đời mà Nguyễn Trãi nói đến trong phần hai bài ca là cả một nỗi buồn thấm sâu, toả rộng trong tâm hồn nhà thơ. Triết lý về cuộc đời của Nguyễn Trãi thể hiện sự cảm thông cho số kiếp của con người, đồng thời thể hiện quyết tâm của mình khi rời ra chốn quan trường nhiều lừa lọc. Đặng Dung từng có những câu thơ:

Việc đời man mác, tuổi già thôi!

Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.

Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,

Tan tành sự thế luống cay ai!

Quả thật, nỗi niềm của những kẻ chán ghét chốn quan trường, cũng là bi kịch của kẻ sĩ trong thời phong kiến, khi có tài đức lại không được dùng.

Côn Sơn ca – vẻ đẹp tâm hồn và tình yêu thiên nhiên của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Bài ca Côn Sơn không đơn thuần là bài thơ tả cảnh, sâu trong đó là bóng dáng của một người đang đau đáu nỗi đau của một kẻ không được trọng dụng, ẩn chứa nỗi buồn thế hệ sâu sắc. Đồng thời, thể hiện vẻ đẹp thanh liêm của ông, vẻ đẹp ngời sáng ngay cả khi cuộc đời ông là một chuỗi bi kịch.

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *