Văn học truyền thống là suối nguồn nuôi dưỡng tốt nhất đối với sự sáng tạo của của người nghệ sĩ. Như mạch đập nhẹ nhàng nhưng bền bỉ, âm hưởng của một nền văn học xa xưa, của một thời đã nằm trong thời quá khứ, nhưng lại không thuộc về dĩ vãng, luôn là niềm cảm hứng mãnh liệt và dồi dào. Trong đó, Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ ảnh hưởng nhiều từ văn hóa truyền thống, nhà thơ của làng quê, ca dao quan họ, tiếng hát, điệu chèo. Điều này được thể hiện rất rõ qua bài thơ “Tương tư” của ông.
Bạn đang đọc: Vẻ đẹp văn hoá truyền thống trong “Tương tư” – Nguyễn Bính
Đề tài
Một trong những ảnh hưởng của văn học truyền thống đối với nền văn học hiện đại là đề tài. Các nhà thơ, nhà văn luôn tìm được cảm hứng trong những đề tài tưởng chừng như đã cũ, đã quá quen thuộc không còn gì khai thác. Nhưng dưới con mắt của những người nghệ sĩ, họ vừa thổi được cái hồn dân tộc vào tác phẩm của mình, vừa làm mới những đề tài quen thuộc. “Tương tư” ra đời trong phong trào thơ mới, khi các nhà thơ khác đang mải mê cách tân, phá cách với hàng loạt những để tài táo bạo, thì Nguyễn Bính lại một mực trở về với tình yêu đôi lứa giản dị, chân thành. Tình yêu là đề tài quen thuộc trong văn học dân gian của Việt Nam, có thể nói, là chủ đề được khai thác nhiều nhất với đầy đủ những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Đôi khi chỉ là những lời nói giao duyên:
Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng
Khi thì lại mãnh liệt, cao trào:
Yêu nhau thì (thời) ném miếng trầu,
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.
Yêu nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.
Tất cả những cảm xúc thật nhất của con người đều được bộc lộ khi người ta yêu chân thành. Và “Tương tư” đã truyền tải thật xuất sắc những xúc cảm đó. Tình yêu trong bài thơ vừa có sự e thẹn:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Lại vừa có sự mãnh liệt, giận hờn trách móc:
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Nguyễn Bính đã đem trọn vẹn tình yêu trong ca dao vào trong tác phẩm của mình, lại đồng thời mang nét lãng mạn đặc trưng của phong trào thơ mới
Tìm hiểu thêm: Bút màu ảo thuật – Truyện tranh VMonkey
>>>>>Xem thêm: Truyện tranh tư duy hình ảnh Cá và Chim
Thể thơ
Thể thơ lục bát, có thể nói là một trong những sáng tạo đặc sắc nhất của những thi sĩ làng quê. Thể thơ này chuyên chở trọn hồn dân tộc, mang trong mình vẻ đẹp của những người lao động, tuy vất vả nhưng luôn có tâm hồn lãng mạn. Thể thơ lục bát đặc trưng bởi cách ngắt nhịp 2/2/2 hoặc 4/4 để tạo âm hưởng du dương nhẹ nhàng. Tình yêu dưới hình thức của thể thơ này, dù giận hờn hay yêu thương điên cuồng, dù oán than hay hạnh phúc vô bến, vẫn luôn nhẹ nhàng. Sử dụng thể thơ truyền thống trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Bính đã khiến chủ để tình yêu mang một sắc thái hoàn toàn khác biệt so với các nhà thơ cùng thời. Đặc biệt không điên cuồng như Hàn Mặc Tử:
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Cũng không mãnh liệt như Xuân Diệu:
Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
Nguyễn Bính khai thác triệt để ưu điểm của thể thơ lục bát, khiến những câu thơ như mềm mại hẳn đi, mang đậm hồn quê.
Thi liệu
Thi liệu được sử dụng nhiều nhất trong Tương tư chính là ca dao. Ca dao là viên ngọc trong ngần được tôi luyẹn bởi những nhà thơ không chuyên, họ không được đào tạo qua trường lớp, nhưng cũng chính vì vậy những tác phẩm của họ rất chân thành và gần gũi. Ca dao chính là điệu hát muôn đời còn vang vọng đến ngàn năm. Trân quý những hạt ngọc mà ông cha đã để lại, Nguyễn Bính sử dụng rất nhiều ca dao trong “Tương tư”, Nguyễn Bính sử dụng rất thuần thục lối đan chữ thường thấy trong thơ ca dân gian, “chín nhớ mười mong” được hoán cải từ thành ngữ “chín nhớ 10 thương” từ thành ngữ để chàng trai bộc lộ nỗi niềm riêng tư của mình, diễn tả sự xa cách trong tình yêu, yêu người nhưng không được gặp người, tình yêu không được đền đáp, thậm chí người ta còn chưa biết nên sinh ra nỗi tương tư.
Nhà thơ sử dụng rất nhiều những hình ảnh quen thuộc trong ca dao Việt Nam, như thôn Đoài, thôn Đông, giàn giầu, cây cau. “Tương tư” dường như có một sự kết nối giữa hệ thống hình ảnh đã trở thành ước lệ đối với làng quê Việt Nam. Ở đó có nơi sinh thành và nuôi dưỡng lối thơ lục bát và Nguyễn Bính đã sử dụng nhuần nhuyễn lối thơ này, cách ví von mộc mạc, thực chất là những ẩn dụ: bến – đò, hoa – bướm, trầu – cau, thôn Đông – thôn Đoài… Hệ thống hình ảnh, lối thơ truyền thống với cách ví von ấy đã đánh thức con người nhà quê lâu nay ẩn náu trong lòng độc giả.
Không cất công tìm những hình ảnh mới lạ, nhà thơ chỉ quay về với văn hóa truyền thống, sự chân thành tuyệt đối đã làm nên một “Tương tư” bất hủ.
Ngôn ngữ thơ
Có thể thấy trong tương tư, Nguyễn Bính đơn thuần sử dụng ngôn từ thuần Việt:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Với những từ ngư quá quen thuộc nhưng vẫn giàu chất lãng mạn, các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ thường thấy trong ca dao ta một lần nữa bắt gặp trong Tương tư. Có thể nói, Nguyễn Bính đã thành công khi kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong bài thơ của mình.
Tương tư không phải là một bài thơ cầu kì về nghệ thuật, nhưng lại sâu lắng về nội dung. Bởi vậy, bất cứ ai đọc qua bài thơ, cũng đều tìm thấy sự gần gũi của dân tộc Việt Nam, đã kết tinh trong từng con chữ.
Thảo Nguyên