Ánh trăng – Lời thảng thốt trước sự thay đổi của lòng người

Có người nhận xét thơ của Nguyễn Duy rằng: “Thơ của ông đánh thức cái gọi là lương tri của một con người, chế độ trước có những sai lầm do ác tính dẫn đường, hay cả khi chiến thắng của những cuộc chiến tranh mà người ta hả hê ca tụng thì đối với nhà thơ đó cũng không hơn một bản bi ca cho người dân khốn khổ”.

Bạn đang đọc: Ánh trăng – Lời thảng thốt trước sự thay đổi của lòng người

Ánh trăng - Lời thảng thốt trước sự thay đổi của lòng người

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam, ghi dấu ấn với thể thơ lục bát, nội dung chủ yếu nhằm mục đích cố gắng đánh thức lương tri trong mỗi người. “Ánh trăng” là một trong những bài thơ hay nhất của ông, mượn hình ảnh trăng để nói về những triết lí trong đời sống.

Vầng trăng trong quá khứ

Hai khổ thơ đầu tiên kể về cuộc sống của nhân vật trữ tình ở thời dĩ vãng:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

Cuộc sống hồi nhỏ và hồi chiến tranh chắc hẳn phải rất đơn sơ, nghèo nàn về vật chất và có rất nhiều gian khổ, hiểm nguy. Nhưng người kể chuyện không tập trung vào sự nghèo khổ ấy. Trong kí ức của anh, đó là một giai đoạn tươi sáng với người bạn là vầng trăng. Vầng trăng trong khổ thơ này mang ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho người bạn tri kỉ, người bạn đồng hành, người bạn tâm tình đáng mến, thủy chung, son sắt. Có thể nói Nguyễn Duy đã rất khéo, rất tinh tế khi nhân hóa ánh trăng thành một người bạn tri kỉ của những anh bộ đội cụ hồ. Sự gắn bó quấn quýt, tình cảm chân thành và trong sáng giữa anh bộ đội và anh trăng thật đáng ngưỡng mộ. Những kí ức về một thời tươi đẹp dần dần được hé lộ:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Tuổi thơ của nhân vật hiện ra sáng ngời, được sống “trần trụi”, “hồn nhiên” với đồng nội với cánh rừng và những thú vui tuổi nhỏ. Không gian dường như được mở rộng hết cỡ để bao trùm lấy thiên nhiên rộng lớn, nơi đã một thời nuôi dưỡng tâm hồn nhân vật. Đó là một thế giới phóng khoáng, thanh sạch không có chút ưu lo. Dù là ở đâu thì “ánh trăng” vẫn vẹn nguyên, gần gũi, phóng khoáng khiến cho tác giả có cảm giác “không bao giờ quên”, nhưng đó chỉ là “ngỡ” thôi. Vầng trăng tình nghĩa, chung thủy luôn là hình nhắc nhắc nhở tác giả không được phép quên đi. Như vậy, vầng trăng được Nguyễn Duy chọn làm biểu tượng, làm hiện thân cho một quãng đời đẹp đẽ, với niềm hạnh phúc được vui vầy quá đỗi hồn nhiên, tượng trưng cho những giá trị tốt đẹp tồn tại trong thời kì gian khó – những giá trị tinh thần vĩnh cửu. Tuổi thơ bao giờ cũng có tác động mãnh liệt lên kí ức con người như vậy:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Vầng trăng hiện tại

Nút thắt của bài thơ bắt đầu thắt lại ở khổ thứ ba

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Không gian có sự thay đổi đột ngột khi từ những cánh rừng, đồng nội thiên nhiên tươi đẹp thu hẹp trong một thành phố nhỏ bé. Nhân vật chuyển về sống nơi đô thị xa hoa, quen với thứ ánh sáng công nghiệp là ánh đèn điện. Đánh dấu sự chuyển biến trong cuộc sống của nhan vật, có thể theo chiều hướng tốt hơn khi cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn thời còn nhỏ. Song những thứ hào nhoáng vội vàng làm mờ đi những kí ức mang đậm những giá trị tinh thần cao đẹp. Vầng trăng tình nghĩa – người bạn đã từng đồng hành qua những năm tháng ấu thơ nay đột ngột trở thành “người dưng qua đường”. Trong mắt người, ánh trăng hòa lẫn trong ánh điện chói lòa, chỉ còn là một vật thể đi lại qua đầu ngõ. Ánh trăng lúc này có ý nghĩa giống như hình ảnh ông đồ trong tác phẩm của Vũ Đình Liên:

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Chỉ còn lại sự lãng quên, lụi tàn nằm mãi trong quá khứ. Cuộc sống hiện đại ấy khiến cho con người dễ quên đi lời hứa sẽ mãi là “ánh trăng tình nghĩa” đã cùng nhau đi qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Câu thơ như một lời tâm sự đầy thảng thốt trước sự thay đổi chóng vánh của lòng người, buồn và ngập tràn tiếc nuối. Hóa ra những tiện nghi của hiện đại lại dễ dàng xóa mờ đi quá khứ tình nghĩa, khi sung sướng người ta dễ quên đi thuở hàn vi, sự giàu có về mặt vật chất lại vô tình đem lại sự nghè khổ của tinh thần.

Tìm hiểu thêm: Chùm ca dao về tình yêu đôi lứa

Ánh trăng - Lời thảng thốt trước sự thay đổi của lòng người

>>>>>Xem thêm: Những câu Ca dao – Tục ngữ hay nhất về tình yêu quê hương đất nước

Cảm xúc của tác giả về trăng và con người

Những khổ thơ cuối, tác giả đã đẩy mạnh sự mâu thuẫn trong nhận thức của nhân vật:

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Tình huống tưởng như không có gì mới mẻ, lạ lẫm, nhất là những năm đầu giải phóng như thời điểm sáng tác bài thơ – năm 1978, nhưng đặt vào hoàn cảnh tác giả, nó làm nổi bật lên sự đối lập tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, hay nói cách khác là sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại. Khi hiện tại những hào nhoáng biến mất – đèn điện mất, thì quá khứ vội vã trở về – “đột ngột vầng trăng tròn”. Chính sự cố này đã kéo nhân vật ra khỏi không gian nhỏ hẹp của đô thị, để trở về với không gian tươi mát của ánh trăng. Bấy lâu nay trăng vẫn ở đấy, nhưng người lại không còn để ý. Trăng tồn tại như một lẽ tự nhiên, song lại vẽ lên sự tương phản. Đó là sự đối lập giữa cái rộng lớn của thiên nhiên – cái nhỏ hẹp của thành phố; giữa sự chung tình rộng lượng của vầng trăng và sự ích kỉ nhỏ nhặt của hồn người. Những kỉ niệm như ùa về trong chốc lát:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Nhận thức của nhân vật bị tác động một cách mạnh mẽ và đột ngột. Nhân vật buộc phải đối mặt với người bạn tri kỉ mình đã bỏ rơi, với quá khứ tươi đẹp một thời. Bất ngờ gặp lại người bạn cũ, nhà thơ chợt nhận ra thứ mặt nạ của thời gian đã che lấp tất cả, trong giây phút ấy, nhà thơ tưởng như “rưng rưng” xúc cảm – tự hổ thẹn với chính sự đổi thay vô tình của bản thân. Lãng quên những giá trị tinh thần tốt đẹp khiến nhân vật phải rơi nước mắt, đánh mất đi quãng thời gian tươi đẹp đồng nghĩa với việc đánh mất đi chính bản thân mình, lí do mình đã sống và lí do giúp mình sống. Đồng, bể, rừng, sông là hình ảnh tượng trưng cho tuổi thơ, quãng thời gian khó khăn vất vả, nhân vật bây giờ phải đối diện với chính mình của quá khứ để tự nhận thức được sự vô tâm của mình. Tố Hữu từng có những câu thơ:

Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.

Ánh trăng của Nguyễn Du cũng đặt ra những câu hỏi như vậy đối với nhân vật, được thể hiện rất rõ qua khổ thơ cuối:

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Đây vừa là lời khẳng định cho tình cảm chung thủy của trăng, vừa là một lời trách móc. Sự hiện diện của trăng sau bao năm quên lãng làm nổi bật sự tương phản giữa sự bao dung của trăng và sự ích kỉ của lòng người. Không gian im lặng hoàn toàn để làm nổi bật quá trình tự nhận thức của nhân vật. Trăng trở thành biểu tượng của sự vĩnh hằng bất biến, vầng trăng “cứ tròn vành vạnh” tượng trưng cho sự tròn đầy, trọn vẹn tình nghĩa của thiên nhiên, cuộc sống và con người trong quá khứ dù cho con người nay đã đổi thay “vô tình”. Có thể nói khổ thơ chính là quá trình trở lại với bản ngã, với cái thiện của nhân vật.

Bài thơ là hành trình tự nhận thức của nhân vật, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho những ai đang chối bỏ quá khứ, quên đi tình nghĩa. Nguyễn Duy đã có những khám phá cho riêng mình khi nâng cao biểu tượng của ánh trăng trở thành sự nhận thức, một bài thơ mà ai đọc cũng phải suy ngẫm.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *