Vang bóng một thời – Vẻ đẹp của một thời vàng son

Nguyễn Tuân đã tự nhận mình là con người sinh ra để thờ Nghệ Thuật bằng hai từ viết hoa. Nhà văn luôn đi tìm và bày biện cái đẹp, ông là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: “Công việc của nhà văn là phải phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức. (Thạch Lam)”. “Vang bóng một thời” là hành trình đi tìm về một thời xưa cũ, một thời đã qua nay chỉ còn trong kí ức của những người còn sống, là cuộc hội ngộ giữa một người ám ảnh về cái đẹp và nét đẹp của một thời vàng son.

Bạn đang đọc: Vang bóng một thời – Vẻ đẹp của một thời vàng son

Vang bóng một thời - Vẻ đẹp của một thời vàng son

Hành trình đi tìm vẻ đẹp vang bóng một thời

Ngay từ nhan đề tác phẩm, Nguyễn Tuân đã khái quát nội dung của tác phẩm này, đó là viết về một đoạn kí ức “vang bóng”, nay đã không còn tồn tại mà chỉ phảng phất trong tiềm thức của con người. Tập truyện gồm mười hai truyện ngắn và tùy bút gắn liền với những câu chuyện về nếp sống thanh nhã phong lưu của người xưa xưa, tác phẩm xen lẫn hai yếu tố thực hư dẫn dắt người đọc tìm về với những vẻ đẹp truyền thống của đất nước đã quá vãng. Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp trong âm vang của quá khứ với những thú thưởng trà, đánh thơ, thả thơ. Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Tuân được đánh giá là đạt gần nhất đến độ hoàn thiện, cái đẹp của thế gian:

 “Đêm nay là đêm mười bốn tháng tám. Và là cuộc thả thơ lần thứ hai của cụ Nghè Móm. Lần trước thả vào thượng tuần tháng bảy, trước ngày có mưa Thất tịch; lần này cụ Nghè Móm chọn ngày mười bốn, có người hỏi tại sao không để đến ngày rằm, cụ nói: “Trăng mười bốn bao giờ cũng khéo hơn trăng rằm. Ngày mười bốn là vầng trăng đi tới chỗ toàn thịnh. Ngắm vầng trăng rằm, người ta tinh ý sẽ nhận thấy cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì.” – Trích Thả thơ trong tập Vang bóng một thời.

Vang bóng một thời - Vẻ đẹp của một thời vàng son

Cái đẹp trong “vang bóng một thời” vừa giản dị nhỏ bé, lại vừa có sự thanh cao nhất định. Đặc biệt nhà văn không viết nửa vời, không ham cái đẹp bình thường, với ông, tất cả phải đạt đến độ chân – thiện – mĩ hoàn hảo, mặc dù chỉ là viết về những thú vui đời thường. Thậm chí ông có thể tìm ra cái đẹp tiềm tàng khuất lấp trong những nghề mà không ai nghĩ có thể ẩn chứa cái đẹp như trong “chém treo ngành”, “ném bút chì”. Ông Phạm Thế Ngũ định nghĩa như sau: “ Duy có điều là ký sự của ông không phải như ở giai đoạn Nam Phong. …. mà là đại biểu cho một giai đoạn già dặn để tự do, tùy bút, muốn viết gì thì viết, ghi chép gì cũng được. Những truyện của Nguyễn Tuân hơn cả với Thạch Lam chẳng có gì làm truyện cả; nghĩa là những yếu tố thông lệ gọi là động tác, là thắt là cởi. Chỉ là những mảnh đời hé lộ của cuộc sống xưa, hay là những kể lể dông dài về một cuộc gặp gỡ, những tâm sự lê thê, những cảm tưởng vụn vặt của chính mình.” Có thể nói, “vang bóng một thời” chính là sự ca ngợi đối với vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng thể hiện quan niệm khác lạ về cái đẹp của Nguyễn Tuân.

Vang bóng một thời – nỗ lực cứu vãn những giá trị tốt đẹp của một nền văn minh tinh thần

Nhà văn đi tìm về cái đẹp của quá khứ, đồng thời thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc cho những vẻ đẹp văn hóa đang bị lụi tàn trong cuộc sống hiện thực. Mỗi một câu chuyện được viết nên trong tác phẩm đều mang một âm hưởng hoài niệm sâu sắc, từ khung cảnh cả gia đình sum họp ngày ba mươi Tết bên nồi bánh chưng ấm áp đến không khí vui vẻ háo hức của lũ trẻ thơ khi được phá cỗ và tỉa vỏ bưởi làm đèn vào đêm Rằm tháng tám. Nhà văn đối với “ vang bóng một thời” không chỉ là tìm lại những vẻ đẹp của một thời đã qua, mà còn cố gắng làm sống dậy cả một lịch sử dân tộc, đó là những nỗi niềm sâu nặng với khát khao được phục hồi và tái tạo lại những vẻ đẹp đã cũ đang bị bào mòn bởi lối sống phương Tây. 

Tìm hiểu thêm: Truyện tranh Cô bé quàng khăn đỏ

Vang bóng một thời - Vẻ đẹp của một thời vàng son

Nhà văn thể hiện quan niệm dân tộc sâu sắc trong những tác phẩm của mình, “Vang bóng một thời” đề lên như một mẫu mực sống, lối tiêu dao hưởng lạc tài hoa một cách rất cầu kỳ của lớp nhà nho lỗi thời bất lực, bên một ấm trà, một chén rượu, một giỏ lan, một chậu cúc… Nguyễn Tuân thể hiện tất cả mọi thức vào trong trang văn bằng một sự trân trọng khôn tả, tựa như muốn lưu giữ lại tất thảy vẻ đẹp của thời xưa vào câu chữ để những điều ấy không bị thời gian và sự thay đổi làm lu mờ đi. Nhà văn mong muốn bằng sức lực nhỏ bé của mình có thể giữ gìn những văn hóa đó một cách lâu nhất.

“Vang bóng một thời” dù ở truyện ngắn hay tùy bút nào cũng đều mang một nỗi niềm hoài vọng sâu lắng, như thể muốn vứt bỏ thời đại mới mà tìm về với những điều đã cũ khi xưa. Đó là tâm trạng chung của những người hoạt động nghệ thuật thời bấy giờ. Thế sự đảo điên, nước đã mất, nhà cũng tan, họ chỉ có thể thể hiện niềm tiếc nuối cho một nền văn hóa đang bị bào mòn qua các tác phẩm của họ. Dấu ấn đặc sắc nhất trong tác phẩm là truyện ngắn “ Chữ người tử tù”, khi vừa thể hiện tấm lòng của ông trước cái đẹp của một người tài hoa, sự trân trọng của ông đối với những con người tài năng, vừa thể hiện tính dân tộc sâu sắc, song cũng thể hiện sự bất lực của nhà văn trước sự đổi thay của xã hội không thể lẩn tránh. Tác phẩm bao hàm ít nhiều tinh thần dân tộc ở thái độ không chịu làm lành với xã hội thực dân.

Vang bóng một thời - Vẻ đẹp của một thời vàng son

>>>>>Xem thêm: Sự tích ngựa vằn – Truyện tranh VMonkey

Nguyễn Tuân tựa như vị lãng tử, lặng lẽ đi tìm cái đẹp tiềm tàng ở hang cùng ngõ hẹp. Ở Nguyễn Tuân ta vừa thấy một cái tôi ngông, táo bạo; vừa thấy một cái tôi trầm mặc ngồi tiếc nuối cho một đoạn kí ức của dân tộc đã qua. Dẫu vậy, “Vang bóng một thời” vẫn xứng đáng là một tác phẩm hoàn mĩ về cái đẹp, đã bước tới sự hoàn thiện của chân – thiện – mĩ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *