Tình yêu luôn là một thế giới đa sắc với những trầm bổng không thể đoán trước. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh khi bước chân vào địa hạt của tình yêu, cũng không tránh nổi những xuyến xao bất chợt. Dường như không thể nói được bằng lời, Xuân Quỳnh dành trọn những nghĩ suy của mình để mặc cho những vần thơ suy xét. Sóng là một trong những tác phẩm thành công nhất của bà khi viết về tình yêu. Bài thơ được viết bằng nhạc điệu, là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên sự thổn thức dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.
Bạn đang đọc: Sóng – Tiếng Lòng Thổn Thức Của Người Con Gái Khi Yêu
Hình ảnh sóng – ẩn dụ cho khát vọng tình yêu rộng mở
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ ra hình ảnh sóng với những hình ảnh đối lập nhau, bởi bản chất của sóng là thất thường, khi trầm mặc khi điên cuồng giận dữ. Song cũng qua đó muốn nói về những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu lứa đôi. Xuân Quỳnh đã tìm gặp ở hình ảnh Sóng một biểu tượng để diễn đạt những cảm xúc phong phú, đa dạng của tình yêu. Đó là những cảm xúc nhiều cung bậc, nhiều sắc thái vừa đối lập vừa thống nhất, hài hòa. Khi dữ dội mãnh liệt, khi dịu êm trầm lắng, khi ồn ào nhấp nhô, có lúc lại âm thầm lặng lẽ, những tình cảm tưởng chừng như mâu thuẫn, đối lập nhau trong trái tim của người phụ nữ nhưng lại mang theo tất cả những đặc điểm và trạng thái tâm lí đang khao khát tình yêuTình yêu chẳng bao giờ có giới hạn đúng sai, ngay hôm nay ta còn yêu điên cuồng, ngày hôm sau đã chần chừ không nỡ rời xa.
Và bởi vậy khi không thể hiểu được tình yêu trong thế giới nhỏ hẹp, họ mong muốn vươn ra biển lớn, nơi tình yêu hòa vào làm một, thiêng liêng mà cao quý chẳng thể nào biến mất:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Một tâm hồn phá cách không chịu khép mình trong lối tư duy chật hẹp, sẵn sàng từ bỏ cảm giác an toàn để tìm được người chia sẻ, đồng cảm với mình. Và bởi vậy mà nữ thi sĩ mới khát khao
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Tình yêu trong Xuân Quỳnh không bình yên nhẹ nhàng, không ý tứ câu nệ; nó rạo rực và đầy mãnh liệt. Thán từ “ôi” như được kìm nén tận sâu trong trái tim nay bật ra đầy cảm xúc, thể hiện khát khao của tình yêu đôi lứa. Tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối lập “ngày xưa” – “ngày nay”, thi sĩ khẳng định sự thủy chung son sắc trong tình yêu. Với Xuân Quỳnh, tình cảm ấy- những con sóng lòng từ ngàn xưa đến nay và đến tận mai sau vẫn không bao giờ ngừng chảy.Quá khứ của ngày xưa, tương lai của ngày sau mãi vẹn nguyên một nỗi khát vọng bồi hồi về tình yêu trong trái tim của người phụ nữ trẻ khao khát xa xôi.
Những trở trăn về nguồn gốc của tình yêu
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Xuân Quỳnh cũng dường như bối rối trước chính biển tình yêu to lớn. Khi nói về Xuân Quỳnh đã có người nhận xét rằng “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời … Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng” . Có thể nói thơ của bà nhẹ nhàng nhưng chưa bao giờ ngừng trăn trở. Viết về tình yêu đã có nhiều, ta đã từng bắt gặp một cái tôi nồng nàn, đắm say, hiến dâng tất cả cho tình yêu ở Xuân Diệu; một tấm lòng giản dị chân phương ở Nguyễn Bính. Nhưng chỉ đến khi Xuân Quỳnh xuất hiện ta mới thấy được cách suy nghĩ của con gái về tình yêu, chỉ có bà mới day dứt trăn trở về cội nguồn của tình yêu đến như thế:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Hàng loạt các câu hỏi tu từ được đặt ra, thi sĩ lặng lẽ đi tìm nguồn gốc của tình yêu nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc, bởi tình yêu xuất hiện tự nhiên mà con người ta không thể dự báo được điểm xuất phát. Con sóng trong tác phẩm hóa thân cho một tâm hồn mạnh mẽ của Xuân Quỳnh, lặng lẽ đi lại giữa hai miền thực ảo, giữa khát khao tìm đến tận nơi bắt đầu và mong muốn hướng tới tương lai, giữa cái tôi chật hẹp tù túng và biển cả tình yêu rộng lớn.
Tìm hiểu thêm: Bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế trong Đây Thôn Vĩ Dạ
Tiếng sóng dạt về từ cõi nhớ
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
“Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài “Sóng” thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ”
Hình tượng song hành của sóng và em bổ sung đắp đổi cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc hơn, ám ảnh hơn tình yêu và nỗi nhớ cùng với lòng thủy chung vô hạn của một trái tim đang rạo rực yêu thương . Nỗi nhớ được diễn tả qua hình tượng con sóng nhớ bờ “ Ngày đêm không ngủ được” vẫn chưa đủ, chưa thỏa, lại được thể hiện một lần nữa qua nỗi nhớ của nhà thơ : “ Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ tràn đầy lòng yêu của thi sĩ, tràn ngập lấy không gian, nắm giữ cả thời gian. Nó vượt xa hơn rất nhiều so với nỗi nhớ ta thường hình dung. Trong vô vàn những cảm xúc khác nhau của tình yêu, Xuân Quỳnh chỉ lựa chọn một xúc cảm duy nhất để miêu tả, đó là nỗi nhớ. Bởi nó thể hiện tình yêu một cách mãnh liệt nhất, chân thành nhất. Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, họ là mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Một tâm hồn rộng mở nhưng luôn thủy chung son sắc, trong tim “em” anh là hình ảnh tồn tại duy nhất
>>>>>Xem thêm: Ông đồ – Tiếng thở dài tiếc nuối cho một nền văn hoá truyền thống đang lụi tàn
Những dự cảm không lành về tình yêu
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Xuân Quỳnh qua khổ thơ trên đã phần nào cho người đọc nhận thức rõ về những dự cảm và nỗi băn khoăn của chị. Những từ “tuy dài thế – vẫn đi qua – dẫu rộng” như chứa đựng ở trong nó ít nhiều nỗi âu lo. Tuy thế nhà thơ vẫn tin tưởng, tin tưởng ở tấm lòng nhân hậu và tình yêu chân thành của mình sẽ vượt qua tất cả như áng mây kia như năm tháng kia. Có thể nói Xuân Quỳnh yêu thương tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng tỉnh táo nhận thức dự cảm những trắc trở, thử thách trong tình yêu.Tình yêu cũng lại là thứ ngắn ngủi, mong manh và khó giữ. Đây là những cảm xúc rất chân thật của người con gái khi yêu, luôn luôn lo sợ mất đi ngươi mình yêu thật lòng.
Xem thêm: Phân tích bài thơ mùa xuân nho nhỏ từ con mắt của người đọc
Và cuối cùng – khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thủa:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Giáosư Trần Đăng Suyền đã từng nói: “Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.” Quả thật, tình yêu của Xuân Quỳnh rộng lớn và cao thượng, sẵn sàng hi sinh tình yêu cá nhân để góp mình vào tình yêu rộng lớn, Người con gái mong muốn hòa mình vào bể đời rộng lớn , bứt mình ra khỏi những lo toan tính toán , để ngập chìm trong bể lớn tình yêu . Phải có mọt tình yêu như thế nào thì mới có được một mong muốn cao cả đến chừng ấy . Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng sống mãnh liệt đủ đầy. Đối với nhà thơ, cá nhân không thể tách biệt khỏi cộng đồng, một tình yêu vĩnh cửu không thể chỉ bó hẹp giữa hai người. Nhà thơ khiêm nhường, sẵn sàng hi sinh vì tình yêu vĩnh cửu.
Sóng của Xuân Quỳnh là một trong những tác phẩm hay nhất viết về đề tài tình yêu, không hề bi quỵ, ướt đẫm nước mắt, mà thể hiện lối tư duy rất mạnh dạn của bà. Sóng mang âm điệu của biển cả, đẹp và rộng lớn, lại da diết khôn nguôi.