Nói dối như Cuội

Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi tên là Cuội. Từ thuở nhỏ, Cuội mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi ở với chú thím. Hắn ta là tay láu lỉnh, đặc biệt về môn lừa người thì rất thành thạo. Một lão trọc phú ở trong miền nghe tiếng đồn về Cuội tỏ vẻ không tin. Một hôm, hắn cho người gọi Cuội đến và bảo:
– Nghe nói mày lừa người giỏi lắm. Bây giờ tao ngồi ở đây, đố mày lừa tao cho tao ra ngoài cổng thì tao lập tức thưởng cho mày năm quan. Đấy có mọi người làm chứng đấy! Cuội ta gãi đầu gãi tai đáp:
– Ông ngồi ở đây, lại có đề phòng sẵn thì làm sao mà lừa ông ra ngoài kia được. Nếu ông ra đứng ngoài cổng tôi mới có cách lừa được ông vào nhà. Nghe nói thế, lão trọc phú chạy ra cổng. Nhưng khi đến nơi, Cuội đã vỗ tay reo:
– Đấy tôi đã lừa được ông ra cổng rồi! Trọc phú bị tẽn vì thua cuộc đành phải y ước đem tiền cho Cuội. Nhà chú thím Cuội có nuôi một con lợn béo. Một hôm nhân lúc mọi người đi vắng cả, Cuội gọi người hàng thịt đến nhà bán rẻ con lợn đó lấy tiền tiêu. Cuội chỉ dặn người ấy giấu kín cho mình và xin lại cái đuôi lợn sống. Hắn đã tìm ra được một mưu để nuốt trôi con lợn. Hắn đào một cái lỗ nhỏ ở đám đất gần chuồng lợn, cắm cái đuôi vào đó rồi nện đất rất chặt. Chờ lúc người thím đi làm về, hắn làm vẻ mặt hốt hoảng, nói:
– Thím ơi! Thật là số không may. ông gì ấy ông bắt mất lợn nhà ta. Nó xuống âm phủ mất rồi. Rồi Cuội dắt thím ra chuồng lợn, nói tiếp:
– Nó đã xuống cả hai chân sau rồi, chỉ còn cái đuôi, bây giờ thím hãy giữ lấy cái đuôi đừng cho nó xuống mà cũng đừng giật mạnh kẻo đứt mất là hỏng việc. Cháu sẽ lấy thuổng đào đất xung quanh, may chi bắt nó trở về. Người thím nghe nói tưởng ông gì bắt lợn thật, vừa lo sợ vừa tiếc của, giục Cuội làm nhanh. Cuội lẳng lặng lấy thuổng đào đất. Đất bở ra, cái đuôi không kéo tự nhiên rời khỏi mặt đất. Thấy thế hắn la to lên:
– Thôi! Thế là lợn xuống âm phủ mất rồi. Còn làm ăn gì được nữa. Một hôm, Cuội cùng chú đi chợ. Cuội xách một cái thúng không. Đột nhiên, Cuội chạy lên trước bỏ quá chú một quãng rồi lấy thúng úp một bãi cứt trâu ở dọc đường. Khi người chú vừa đến nơi, Cuộikhư khư giữ chịt lấy thúng, bảo:
– May quá! Cháu vừa úp được một con chim ngói to lắm! Nhưng nếu bây giờ thò tay vào bắt thì nó trượt mất. Vậy chú mau mua về lấy tay lưới giăng chung quanh để bắt cho chắc. Con này mà đánh chén thì tuyệt! Người chú vốn có máu tham, nghe hắn nói thế tưởng thật, vội vã trở về nhà lấy lưới đến giăng bốn bên thúng rất cẩn thận. Mọi người xúm lại xem rất đông. Nhưng khi Cuội giở thúng ra, ai nấy đều phì cười vì chỉ thấy một bãi cứt trâu, chả có chim đâu cả. Riêng người chú bị Cuội đánh lừa, giận thâm gan tím ruột, bèn không đi chợ nữa, dắt Cuội về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Một hôm khác, Cuội cùng chú đang cuốc cỏ ngoài đồng. Trời nắng như thiêu như đốt. Khát quá, người chú bảo hắn về nhà lấy nước mang ra. Vừa đến nhà, Cuội đã làm vẻ hốt hoảng, nước mắt giàn giụa, miệng mếu nói không ra tiếng:
– Khốn khổ lắm thím ơi! Chú bị trâu húc lòi ruột gan ra một đống. Hiện đã tắt thở, còn nằm trên cồn… Người thím nghe nói chỉ còn biết kêu trời khóc đất rồi bươn bả ra đồng. Vừa đi vừa ôm mặt than khóc rất thảm thiết. Cuội ta lại lẻn theo đường tắt, ba chân bốn cẳng chạy ra đồng. Sắp đến nơi, hắn cũng làm bộ đau đớn, bảo chú:
– Chú ơi! Trời hại ta. Thím ở nhà không biết leo trèo thế nào bị ngã từ trên gác xuống, chết tím cả mặt, không một ai biết cả. Người chú nghe nói, tưởng thật, đấm ngực kêu trời rồi chạy về kêu khóc suốt cả dọc đường. Đến khi hai vợ chồng đâm sầm vào nhau mới biết là thằng cháu ác nghiệt đánh lừa. Hai vợ chồng tức giận điên cuồng bèn đan một cái rọ bỏ Cuội vào rồi một mình chồng vác ra sông định vứt xuống nước.

Bạn đang đọc: Nói dối như Cuội

Đến bờ sông, Cuội ta cầu khẩn: “Cháu có tội với chú thím, chú thím bắt chết cũng đáng. Có điều ở dương gian cháu nói láo kiếm ăn được là nhờ có một quyển sách nói láo bấy lâu nay vẫn gác trên sàn bếp. Nay chú làm ơn nghĩ đến chút tình máu mủ về lấy giùm quyển sách đó đặng cháu mang theo xuống âm phủ kiếm ăn”. Nghe hắn nói có vẻ thảm thiết, người chú tưởng thật, nghĩ bụng, tay hắn mình đã trói, rọ lại buộc chặt không thể trốn đi đằng nào được, bèn tất tả chạy về lấy sách. Đang ngồi co ro trong rọ bỗng trông thấy một thằng hủi đi qua, Cuội gọi giật lại:
– Này hủi ơi! Tao trước cũng sưng da thối thịt như mày, nhưng trời run rủi cho tao ngồi vào đây, thế rồi tao được người ta đưa xuống nước chạy chữa, rồi lại khiêng lên, bây giờ lành hẳn cả rồi. Mày cứ mở cho tao ra mà xem. Hủi tưởng thật, mở rọ cho Cuội ra, tấm tắc khen phép chữa mầu nhiệm rồi mừng rỡ nói:
– May cho tôi quá! Thế anh cho tôi ngồi vào đây rồi anh buộc hộ cho tôi với. Có mấy quan tiền xin được nhân thể tôi biếu anh.
Được tự do, Cuội chờ cho hủi vào, buộc rọ lại cẩn thận rồi cầm tiền đi thẳng. Lại nói chuyện người chú về nhà tìm mãi trên sàn bếp chẳng thấy gì cả, mới biết là mình lại bị lừa lần nữa, giận quá, hầm hầm trở ra, chẳng nói chẳng rằng đạp rọ lăn xuống sông. Thế là hủi ta mất tích.

Cuội theo dọc sông đến một cái cầu, nhân trời nóng nực mới cởi áo xuống tắm. Mấy quan tiền của hủi cho, hắn sợ để trên bờ có người lấy mất nên mang cả xuống sông. Một ông quan cưỡi ngựa đi qua trên cầu, thoáng thấy có thằng bé lặn ngụp dưới nước, một tay giơ lên cao có cầm cái gì giống như là quan tiền. Quan động lòng tham, dừng ngựa lại hỏi:
– Bé kia, mày làm gì ở dưới đó? Cuội làm bộ tìm tòi, nói với quan:
– Tôi mang đi cho cha tôi một thoi vàng, một thoi bạc và mấy quan tiền, lúc đứng chơi ở cầu không may lỡ tay đánh rơi xuống mất cả. Nay tôi lặn lội tìm chỉ được có mấy quan tiền mà thôi. Giờ tôi mà về, cha tôi thì đánh chết. Nói đoạn, Cuội hu hu khóc. ông quan bèn xuống ngựa, cởi quần áo bảo Cuội:
– Mày bước lên mau đi, để tao còn xuống tắm. Cút mau! ý của hắn là muốn một mình mò tìm, tìm được thì giấu đi một chỗ để số vàng bạc ấy về tay hắn hưởng. Vừa nói hắn vừa lội xuống nước: Cuội bước lên bờ vội lấy ngay quần áo của viên quan ra mặc. Quan hỏi:
– Mày làm gì thế? Cuội đáp:
– Tôi rét quá, nhờ áo ông mặc đỡ một tí cho ấm.
– Thế tên mày là gì? Quê quán ở đâu?
– Tôi họ Bái, tên Dưng, ở Bông Lông xã, Ba La huyện. Mặc xong, Cuội chờ lúc quan lặn xuống nước, lên ngựa phi nước đại. Viên quan lặn tìm mấy lần không thấy gì cả, nhìn lên bờ thì đã mất cả ngựa lẫn áo quần. Biết là bị thằng bé lừa, hắn vừa tức giận vừa hoảng hốt. Cuối cùng hắn dùng mấy cái đồ rách của Cuội bỏ lại, che tạm hạ bộ để chạy đi tìm Cuội. Gặp ai hắn cũng hỏi: “Có thấy tên Bái Dưng vừa chạy qua đây không?” Nghe hỏi thế mọi người chỉ tủm tỉm cười. Mãi đến khi gặp một người đàn bà, người này đồ hắn là một tên vô lại chọc ghẹo mình, mới quay lại mắng cho một trận. Hắn biết là dại, đành phải im mồm, rồi sau đó nuốt giận lần về nhà. Lại nói chuyện Cuội phi ngựa về nhà chú thím. Cả hai vợ chồng, nhất là người chồng rất lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao mình đã xô nó xuống sông hai năm rõ mười, thế mà bây giờ nó lại trở về được mà lại ăn mặc đàng hoàng như kia. Hỏi thì Cuội tươi cười đáp:
– Cháu xuống dưới ấy gặp được tất cả mọi người: ông, bà, cha, mẹ, nội ngoại đầy đủ. Cha mẹ cháu giàu có lớn lắm. Nhưng cháu nhớ chú thím quá nên chọn lấy một bộ quần áo, một con ngựavà ít quan tiền trở lên trên này. Rồi Cuội lại nói thêm:
– Ông bà vẫn nhớ chú thím lắm đấy và có dặn cháu mời chú thím xuống chơi! Hai vợ chồng người chú nghe nói mừng quá, hỏi Cuội:
– Chúng tao xuống có được không? Cuội trả lời:
– Có khó gì đâu, chú thím cứ làm rọ y như lúc cháu xuống. Nhưng cháu thì không vác nổi đâu, phải mang ra bờ sông, chui vào rọ rồi cháu sẽ lăn xuống thôi! Người chú vội vàng đan hai chiếc rọ đem ra bờ sông. Đoạn người chú chui vào một chiếc bảo nó buộc chặt lại, vứt xuống. Thấy tăm nước sủi lên sùng sục, Cuội vỗ tay reo:
– A ha! Chú đang lấy đấy! Nghe nói thế người thím Cuội giục cháu rối rít:
– Cháu cho thím xuống ngay đi! Người thím lại chui vào rọ để cho Cuội vứt luôn xuống sông. Thế là từ đó Cuội thừa hưởng cơ nghiệp của chú thím để lại.

Nhưng Cuội ăn chơi loang toàng chả mấy chốc đã bán hết gia tư điền sản. Hắn muốn đi chơi một phen cho thật xa, bèn sắm sửa lương thực rồi một hôm bỏ nhà ra đi. Cuội đến một vùng rừng núi trùng điệp. ở đây có rất nhiều voi, Cuội bèn nghĩ kế bắt cho được một con. Hắn ta đào một cái hố rất rộng và rất sâu ở chỗ voi hay qua lại. Trên miệng hố có bắc tre nứa lát phên và ghép cỏ rất khéo. Quả nhiên sau đó ba hôm có một con voi bị sa hố đầu chúc xuống dưới, đít chổng lên trời, không cựa quậy được. Cuội dùng đất lấp voi lại chỉ chừa có cái lỗ đít. Và khoét đít voi thành một cái lỗ lớn hơn, rồi cứ để yên tại đó, chỉ thỉnh thoảng đến trông chừng. Hắn bụng bảo dạ: “Rồi ta sẽ có một con voi biết bay, đi chu du thiên hạ!”. Sau khi voi chết, quạ và diều ngửi thấy mùi thịt liền rủ nhau tới ăn. Chúng nó chui qua lỗ đít tiến sâu vào thân con voi để rỉa lần thịt ở trong đó. Trước còn năm con mười con, sau dần dần có hàng trăm con ngày ngày chui vào chén thịt và lòng rất thỏa thích. Cuội ta chờ đến lúc thịt voi đã gần kiệt, rình khi chim chóc chui vào khá nhiều, mới thình lình đút nút đít voi lại. Thế rồi Cuội đào đất lên cho cái xác da voi nằm ngay ngắn. Hắn cưỡi lên lưng, dùng gậy đánh nhẹ ở dưới bụng voi. Tự nhiên bầy chim ở trong cái xác da voi bay vụt cả lên, mang cái xác da voi và Cuội lên trời. Cái xác da voi bay giữa không trung qua những núi dài sông rộng làm cho Cuội nhìn không chán mắt. Cuội cứ để cho bay mãi suốt ngày, cuối cùng nhìn thấy một kinh thành rộng lớn, trong đó nhà ngói san sát, người qua lại đông không biết bao nhiêu mà kể. Cuội muốn xuống xem thử cho biết.

Hắn vỗ mấy cái trên lưng voi, chim chóc thấy động phía trên thì sợ hãi xếp cánh không bay nữa. Cái xác da voi từ từ hạ xuống. Nó rơi xuống trúng giữa sân rồng có các quan đang làm lễ bái mạng. Nhà vua và tất cả triều thần thấy có một người cưỡi voi từ trên trời xuống thì kinh hãi bội phần, vội vàng sụp xuống lạy Cuội như tế sao. Họ đón Cuội như đón một vị thần vừa giáng hạ. Nhà vua thân đưa Cuội vào nội điện và không dám ngồi ngang hàng. Cuội sung sướng hưởng những cỗ bàn lễ vật của mọi người đem dâng. Khi nghe Cuội nói đến sự mầu nhiệm của con vật, nhà vua cất tiếng run run hỏi: “Ngài có thể cho quả nhân cưỡi lên voi đi ngắm cảnh gấm vóc trong thiên hạ được chăng?” Cuội đáp: “Được lắm, nhưng cần phải làm hai việc: một là nhà vua phải thay đổi quần áo cho tôi, vì con vật nó hay lạ hơi người, hai là khi ra giữa biển phải nhớ mở cái nút đằng sau cho nó uống nước”. Không một ai ngăn cản được lòng ham muốn của nhà vua. Cuối cùng cái xác da voi đưa vua lên không trung. Ra giữa biển, vua nhớ lời Cuội dặn, mở nút đằng đít để cho voi giải khát. Lũ quạ và diều mấy lâu bị giam cầm, nay thấy có chỗ hở lục tục bay ra tất cả. Cái xác da voi rơi xuống biển và chả mấy chốc nhà vua đã lọt vào bụng cá. Còn Cuội mặc áo hoàng bào lên làm vua nước ấy.

Nguồn: Sưu tầm

>>>>>Xem thêm: Sự tích đầm mực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *