Những nàng tiên là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong truyện cổ tích, đây là những nhân vật chiếm được sự yêu mến của đông đảo các bạn đọc, đặc biệt là trẻ em. Bởi đa phần đây là tuyến nhân vật chính diện, tượng trưng cho công lý, công bằng. Đây là những nhân vật có năng lực siêu nhiên, có vai trò giúp đỡ những nhân vật chính, hoặc đảm nhận luôn vai trò chính. Có rất nhiều câu chuyện viết về những nàng tiên khiến người đọc thích thú:
Bạn đang đọc: Những câu truyện cổ tích về các nàng tiên hay và ý nghĩa
1. Truyện cổ tích Nàng tiên thứ chín
Ngày xưa, có một bà cụ già có một người con trai lớn, nhưng bà nghèo quá chẳng có tiền để hỏi vợ cho con. Ðêm nào thấy con trai nằm ngủ một mình bên bếp lửa, bà cũng ra đầu sàn ngồi nhìn trời mà khóc.Một đêm, sau khi khóc nhiều quá, bà ngã đầu vào cái vách ngủ mê đi lúc nào không biết. Một ánh chớp loé lên, bà cụ vội mở mắt thì thấy một ông già râu tóc bạc phơ, mặc áo xanh, đi giầy xanh, chống gậy xanh, đứng trên ngọn cây mít. Hoảng quá, bà cụ định chạy vào bếp, thì thấy ông cụ già khoát tay, cất giọng hiền từ bảo: “Ta là tiên, biết bà đang khổ vì cảnh nghèo khó, không có tiền đi hỏi vợ cho con, nên ta giúp. Ngày mai bà bảo con trai bà đi theo hướng ta chỉ, cứ đi mãi đến ngọn núi có phiến đá trắng to như cái nhà kia, sẽ thấy chín nàng tiên xuống tắm. Con trai bà yêu cô nào, thì cứ lấy đôi cánh của nàng tiên ấy đem về nhà là được .”
Nói xong Tiên ông biến mất. Mừng quá, bà cụ liền đẩy cửa, vào thổi bếp lửa cháy bùng lên, gọi con dậy, kể lại đầu đuôi câu chuyện vừa qua.
Tờ mờ sáng hôm sau, người con trai gói cơm, đeo ống nước, băng rừng, leo núi, leo hết núi này đến núi khác, đúng trưa mới đến chỗ tiên ông bảo. Một cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt. Hồ nước xanh biếc, trong vắt như gương, có đường xuống bến tắm, trên bờ hoa thơm, cỏ lạ đang đua nở khoe sắc cùng ong bướm, sỏi đá lấp lánh như kim cương.
Thấy nắng rung rinh, chàng đưa mắt ngó lên trời, bỗng từ trong đám mây hồng có chín nàng tiên mặc áo xiêm trắng, đang bay và hạ xuống dần. Chàng con trai nghèo liền nép vào bụi nhìn theo. Chín nàng tiên đã đứng trên các phiến đá ngọc, cởi cánh ra, lội xuống tắm. Nước trong, da các nàng tiên trắng ngần, nhìn cô nào cũng đẹp lộng lẫy như mặt trời mọc. Duy có nàng thứ chín là đẹp hiền hậu hơn cả. Tóc nàng đen mướt và dài như dòng suối, giọng cười trong và thanh như tiếng sáo ngân vang: miệng đẹp hơn hoa nở, mắt sáng như sao, khi nàng nhìn vào vật gì vật đó rực lên như có trăm ngàn ánh hào quang chói sáng. Chàng trai liền lẻn đến lấy trộm cặp cánh tiên của cô thứ chín, rồi trở về nhà.
Trống trên trời gióng bảy hồi khoan nhặt báo giờ các cô phải về tiên cung. Tám cô chị lên bờ, lắp cánh của mình và bay trước. Còn cô em mải đùa nghịch dưới làn nước mát, lên sau. Không thấy cánh tiên đâu nữa, nàng hoảng hốt cuống cuồng chạy quanh bờ. Trống trên trời vẫn giục giã, sắp đến giờ đóng cửa của thiên đình. Nàng tiên thứ chín lại chạy quanh bến nước chăm chú tìm lại, nhưng thông thấy. Nhìn dấu chân người còn in trên cát mịn, dấu chân trên đường xuống núi, biết có kẻ lấy đôi cánh của mình rồi, nàng vội vã cài lại áo xiêm, lần theo dấu chân đi mãi . Xế chiều nàng đến một ngôi nhà sàn nhỏ, dựng lẻ loi dưới chân núi. Nàng đang phân vân không biết đi ngả nào, thì một cụ già đến bên nàng chào hỏi: “Cháu ơi! Ðường xa vắng vẻ, cháu đi một mình như thế này nguy hiểm lắm, cháu hãy vào nhà ta ăn cơm, uống nước rồi nghỉ lại đã.” Nhìn nét mặt hiền hậu của bà cụ, nàng tiên gục đầu vào vai bà khóc, kể lại việc nàng bị mất đôi cánh tiên nên không về trời được. Bà cụ đưa nàng vào nhà. Chàng con trai sung sướng bước ra chào hỏi, rồi vào rừng bẻ măng, nhổ nấm đem về đưa mẹ nấu canh cho cô gái ăn. Tối chàng ngồi kéo đàn kơ ri – loại nhạc cụ réo rắt như đờn cò của người kinh – cho cô gái yên giấc.
Ở đây một tháng, hai tháng, lúc đầu nàng tiên thứ chín hết sức nhớ mẹ, nhớ cha, nhưng được sự chăm sóc, trìu mến của bà cụ và chàng trai hiền hậu, siêng năng, nên nàng khuây khoả dần. Buổi sáng nàng cũng đi lên rẫy, vào rừng, buổi chiều nàng cũng ra giếng đội nước với chị em.
Nửa năm sau người con trai bà cụ lấy nàng tiên. Hai vợ chồng sống bên nhau rất hòa thuận, vui vẻ. Dân làng ví họ là cặp vợ chồng chim sáo – vì họ vừa xinh đẹp, vừa chịu khó làm ăn. Người chồng chưa bao giờ mắng vợ nửa lời. Chiều nào lên rừng về, chàng cũng cố tìm cho mẹ và vợ một ống mực thơm, một bó rau ngót, một bó măng, hay lưng gùi ngô non thơm sữa. Hai mùa, ba mùa, đến một đêm trăng tròn vành vạnh, nàng tiên thứ chín sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. Từ đó, trong nhà càng thêm đầm ấm, vui vẻ hơn. Nhưng một hôm trời đang yên lành, bỗng có tiếng sấm ầm ầm, giận dữ. Mây đen, mây xám kéo đầy trời. Lửa đỏ rực, chớp nhằng nhịt dữ tợn. Người vợ vừa cõng con ra đứng đầu sàn phía tây, đột nhiên thấy thiên lôi từ trên trời cầm búa nhảy xuống sân. Mặt giận dữ, Thiên lôi bảo rằng, hắn vâng lệnh Trời, xuống bắt nàng tiên phải về ngay, nếu không sẽ giết chết con nàng, giết cả chồng và người mẹ chồng của nàng nữa. Thương con, thương chồng quá, nàng tiên ngã gục xuống khóc nức nở rồi chạy vào nhà rút ba ống nứa dài vắt đầy sữa, nhẹ nhàng đặt con lên chiếu, cắt một nắm tóc để lại cho chồng, rồi theo Thiên lôi về thiên đình.
Chiều bà cụ và người chồng về nhà, không thấy nàng tiên, chỉ thấy đứa con nằm ngủ bên nắm tóc thơm của mẹ nó. Nhìn cây cối ngả nghiêng, cháy xém, biết có điều hung dữ xảy ra, chàng cõng con trên lưng, bước xuống cầu thang đi vào rừng, nhìn trời khóc suốt chín ngày đêm. Tiếng khóc ai oán, ấm ức nghe nghẹn cả cổ, đau cả lòng. Ðược tin, dân làng thương quá, rủ nhau giúp sức, góp của. Nhờ bác thợ rèn chuyên nghề chim sắt biết bay, đúc cho hai cha con người xấu số ấy một con chim công sắt.
Ðược chim sắt rồi, hai cha con ngồi trên lưng công bay vút lên trời. Qua mây hồng, mây bạc, mây xanh, đến sông Hằng sắp tới triều đình, thì công sắt không tài nào bay qua được. Gió to, sóng gầm dữ dội. Năm bảy lần con công cất cánh đều lao đao muốn rớt. Hai cha con đành ở bên này sông. Một hôm, người vợ ra sông giặt áo, đứa con nhỏ thấy mẹ, liền gọi lên. “Mẹ ơi!” Người vợ quay sang, hai vợ chồng nhìn thấy nhau, nhưng không gần nhau được. Ðau khổ quá, họ bưng mặt khóc.
Dân làng nhà trời thấy vậy vô cùng thương xót. Họ vào xin thiên đình cho hai vợ chồng được gặp nhau. Nhưng thiên đình không cho, viện cớ sắp gả nàng tiên thứ chín cho chàng trai thuộc dòng họ quyền quý. Không quản ngại, dân làng liên tiếp cử người đến gõ cửa, buộc thiên đình phải xử. Cuối cùng Ngọc Hoàng phải xuống lệnh nếu chồng cô thứ chín làm được mấy việc sau này mới lấy được con gái nhà trời. Thứ nhất là trong một ngày phải nhặt hết số vừng rơi trong khu rẫy dài bằng một khoảng chim bay mỏi cánh. Thứ hai là phải ăn hết những ớt gió đã chín trong một khu rừng ớt. Thứ ba là phải làm một cái nhà bằng kim cương thật đẹp giữa sông Hằng. Thương con, thương vợ người chồng phải nhận. Sáng hôm sau, hai cha con dậy thật sớm để nhặt vừng, nhưng mãi cho tới trưa, khi mặt trời đã ở giữa đỉnh đầu mà vẫn chưa nhặt được bao nhiêu. Thấy thế, Tiên ông liền đọc phù chú, gọi một bầy chim sẻ đông nghịt, bay xuống nhặt hộ, chẳng mấy chốc đã hết nhẵn.
Nhưng còn rừng ớt chín đỏ kia làm sao hái hết cho được. Người chồng cố hái ăn, bụng nóng như lửa đốt, mắt đỏ xè, thế mà mới ăn được mấy quả. Tiên ông thấy vậy , liền niệm thần chú hoá ra một đàn chim chào mào bay xuống ăn giúp. Trong giây lát cả rừng ớt chỉ còn trơ lại cành lá. (Ðến nay người Hê- rê giải thích chim chào mào đỏ đít là do ngày xưa nó ăn ớt cứu người).
Ðã đến lúc phải xây nhà kim cương giữa sông Hằng chảy xiết. Chàng trai và dân làng đổ rất nhiều công đẵn gỗ thả xuống sông, nhưng gỗ dù nặng dù to mấy đều bị nước cuốn phăng đi như cuốn một cái lá. Một ngày không được, một tháng không được, một mùa không được, một năm không xong, hết phương kế, chàng trai ôm con ngồi bên bờ sông than khóc thảm thiết.
Thần cá liền ra lệnh cho cá chình, cá sấp, cá chép, lươn chạch, cua, rùa, cá lóc, cá nghạnh… đều bơi lại giúp. Một con chình to lớn quẫy mạnh, nhô đầu lên bảo: “Anh đừng lo, ngày mai anh sẽ có nhà đẹp và sẽ được gặp vợ. Hãy vui lên, đừng khóc nữa!” Quả đúng như vậy, sáng hôm sau, khi mặt trời vừa thức giấc, bỗng có một ngôi nhà lấp lánh bằng kim cương hiện lên đồ sộ giữa sông. Chung quanh sóng vỗ rạt rào. Chiếc nhà do các loài cá xây nên, cá chình nhận làm cột, cá lóc làm sạp, cá sấp, cá chép làm mái nhà. Cá nghạnh làm xà, rùa làm bếp, cua làm móc chiêng, lươn, chình thì nối đuôi nhau thành một cái cầu tuyệt đẹp từ bờ ra đến giữa sông.
Ngọc Hoàng cùng thần hung ác thấy nhà đẹp mới chịu đem thuyền cho anh chàng nghèo sang sông gặp vợ. Còn bọn chúng thì hí hửng khiêng lúa, gạo, chiêng, ché ra nhà kim cương ở, chúng lao nhao tổ chức lễ ăn mừng. Nhưng khi vừa nhóm lửa nấu thịt thì rùa làm bếp bị nóng lưng quá lăn ngay xuống nước. Cùng lúc cá chình, cá lóc, cá sấp, cá trê… cũng lăn theo. Nhà đổ sập làm chìm cả lũ gian thần xuống dòng sông chảy xiết đầy cá sấu, cá măng. Trời cao vòi vọi, sóng nước mênh mông trắng xoá.
Từ đó nàng tiên thứ chín và chồng được cai quản thiên đình, làm cho mưa rơi xuống, mát mẻ trần gian. Làm cho nắng chiếu xuống để cây cỏ xanh tươi, bốn mùa hoa nở. Lâu lâu họ chắp cánh bay xuống tắm ở suối ngọc rồi về thăm mẹ già và bà con quê cũ.
Câu chuyện là hành trình đi tìm tình yêu của chàng trai, vượt qua hết những hiểm nguy, chàng trai đã chứng minh tình yêu không phân biệt giai cấp giàu nghèo. Nhân dân ta đã gửi gắm ước mơ về việc phá bỏ ranh giới giàu nghèo, tin tưởng rẳng chỉ cần có tình yêu, thì dù là người phàm, tiên nữ cũng có thể đến được với nhau. Câu chuyện là lời khẳng định chắc chắn rằng bên thiện luôn là bên chiến thắng, bên ác sẽ bị trừng trị.
2. Truyện cổ tích Nàng tiên ốc
Ngày xưa, ở một ngôi làng nọ, có một bà lão nghèo sống bằng việc đi mò cua bắt ốc qua ngày. Một lần, bà bắt được một con ốc rất xinh đẹp, nó có một cái vỏ màu biêng biếc xanh, không hiểu sao bà lại thấy rất yêu con ốc này, bà quyết định không bán và đem về nhà nuôi trong chum nước.
Hàng ngày, bà vẫn đi mò cua bắt ốc nhưng khi về đến nhà bà rất đỗi ngạc nhiên thấy sân nhà sạch sẽ, đàn lợn đã được ăn no, vườn rau sạch cỏ và cơm nước nấu tinh tươm. Bà băn khoăn và tự hỏi không biết ai đã giúp mình.
Thấy chuyện lạ, bà quyết định rình xem ai là người đã giúp đỡ mình. Bà không ngờ được người giúp bà chính là cô gái chui ra từ trong vỏ ốc xanh kia, từ trong chum nước bước ra. Bà liền bí mật đập vỡ vỏ ốc xanh đi, rồi ôm lấy người con gái, mong cô ở lại sống với bà, cô gái đồng ý. Từ đó, họ sống yêu thương nhau và rất hạnh phúc.
Câu chuyện có mô típ quen thuộc như truyện Tấm Cám, hình ảnh của những nàng tiên tảo tần, chăm chỉ đã đi vào tâm hồn của biết bao độc giả. Câu chuyện vừa ca ngợi sự lương thiện của bà lão, vừa khuyên chúng ta phải biết yêu thương chia sẻ, đặc biệt phải biết ơn những người đã giúp đỡ mình, giống như nàng tiên ốc đã trở thành con gái của bà lão.
3. Truyện cổ tích Nàng tiên gạo
Ngày xưa, có một nhà chỉ có hai mẹ con. Người mẹ già yếu, không đi nương rẫy làm được nữa. Cô gái rất thương mẹ, suốt ngày chăm chỉ làm lụng nuôi mẹ già.
Năm ấy hạn hán to, mất mùa đói kém xảy ra. Cô gái và mọi người trong làng đổ dồn về làm thuê cho lão nhà giàu trong vùng.
Lão bắt mọi người làm việc cả ngày nhưng chỉ cho ăn một bát cơm độn với rất nhiều ngô sắn. Mỗi ngày cô ăn nửa bát cơm, còn nửa bát cô gói mang về cho mẹ.
Ban đêm, cô phải ngủ cạnh kho lúa canh chuột. Một đêm, vừa chợp mắt thì cô nghe thấy tiếng thở dài, rồi một giọng dịu dàng: “Ta là Tiên gạo đây. Ta đã nhầm khi giúp lão keo kiệt kia, có của mà không biết thương người. Lão xưa kia nghèo khổ, nhưng thương người nên ta giúp hắn trở nên giàu có. Nhưng càng giàu hắn càng thay đổi tính nết, đâm ra tham lam độc ác. Rồi ta sẽ trị lão thích đáng”.
Tìm hiểu thêm: Sự tích chim sơn ca
Khi nương lúa vàng ươm, chỉ còn đợi gặt. Lão sợ người làm trộm lúa nên đuổi hết thảy mà chẳng trả một xu. Bỗng nước từ đâu ào tới tràn ngập nhà lão, lúa má trên nương dưới ruộng đều bị cuốn sạch. Sau đại hạn, mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa. Trong khi đó lão nhà giàu gọi người làm nhưng không ai đến. Họ bảo nhau tránh xa lão tham lam keo kiệt. Lão khánh kiệt, không còn nổi bát cơm ăn.
Cô gái lại vào rừng đào củ, hái măng, tần tảo nuôi mẹ già. Một hôm vừa ra đến cửa rừng thì gặp bà lão ăn mày. Bà cụ run lẩy bẩy vì rét, miệng rên hư hử: “Tôi… mệt… Tôi… đói!”. Cô vội vàng vơ lá đốt lửa sưởi, nướng măng cho bà ăn. Bà cụ nhai ngon lành, hết cái măng thì kêu khát nước. Cô liền xách ống tre ra suối lấy nước. Trở lại, chẳng thấy bà cụ đâu. Chỉ thấy cái gùi không. Cô bèn đeo gùi về định hôm sau trả lại, nhưng mãi chẳng gặp lại bà cụ. Cô đành cất gùi lên gác bếp.
Kỳ lạ thay, đi làm về, cô lại thấy trong gùi có đầy thóc. Thì ra đó là những hạt ngọc nuôi sống con người mà bà tiên đã ban tặng cho cô. Cô gái mang thóc cho mọi người làm giống. Dân trong làng chẳng bao giờ biết đến cái đói cái rét nữa. Từ các cụ già đến trẻ con, ai cũng tấm tắc khen cô gái đẹp người lại đẹp nết.
Hình ảnh nàng tiên gạo tượng trưng cho hạt ngọc của đất trời. Gạo là lương thực quan trọng nhất của nhân dân ta, nàng tiên trong câu chuyện bảo hộ cho sự giàu có, vì vậy cô đã quyết định không giúp lão địa chủ tham lam. Câu chuyện còn khuyên chúng ta không nên ích kỉ chỉ nghĩ đến của cải vật chất, tục ngữ có câu “ Tham thì thâm”, biết vừa đủ bao giờ cũng tốt hơn.
4. Nàng tiên cóc
Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân hiếm hoi, cầu Trời khấn Phật mãi người vợ mới có thai, nhưng đến khi sinh ra, không phải là người mà lại là một con cóc.
Con cóc lớn lên, biết nói tiếng người, song hình thù sần sùi, xấu xí, khiến cha mẹ nó lấy làm buồn phiền, thường than thở với nhau: “Vợ chồng mình già cả, hiếm hoi, tưởng sinh được mụn con nối dòng, trông nom đỡ đần mình, ngờ đâu oan gia nghiệp báo lại sinh ra cóc, còn trông mong gì nữa”!
Cóc nghe thấy thế, khuyên cha mẹ đừng lo. Rồi ngay hôm sau cóc nhảy đi coi ruộng cho cha mẹ, và từ khi nó trông nom đồng áng thì chẳng có ai lấy trộm lúa ruộng nhà nó như trước nữa.
Một hôm, có mấy thư sinh đi qua ruộng nó, dẫm lên lúa, bỗng nghe có tiếng lanh lảnh như giọng con gái bảo rằng: “Xin các cậu đi cho có ý tứ kẻo làm nát lúa nhà em”. Lũ thư sinh nhìn vào ruộng lúa, chẳng thấy ai, chỉ thấy một con cóc đang ngồi đó. Tiếng nói dịu ngọt làm cho một anh trong bọn đâm ra có cảm tình. Chàng thư sinh này bấy lâu đọc sách đạo thần tiên, tin tưởng có sự mầu nhiệm ở đời, nên về nhà nói với cha mẹ xin hỏi cóc làm vợ.
>>>>>Xem thêm: Những Câu Chuyện Cổ Tích Hay Về Tấm Lòng Nhân Hậu
Ban đầu cha mẹ thư sinh tưởng con mình hóa dại, song anh ta cứ một mực đòi lấy cóc làm vợ cho kỳ được, nếu không thì thề quyết chẳng lấy ai. Người cha bèn kiếm cớ từ khước, bảo chỉ có một mình anh ta là con trai, cưới cóc về có sinh ra được con cái để nối dòng không? Thư sinh tin là sẽ có sự nhiệm màu xảy đến trong ngày cưới cóc về, Tiên Phật sẽ giúp cho cóc thành người có đức hạnh, nhan sắc hơn đời. Thấy con đã nhất quyết như vậy, cha mẹ anh ta cũng đành phải chiều theo, đem trầu cau đi hỏi cóc.
Đến ngày cưới, bên nhà trai mang đủ lễ vật, đồ nữ trang, quần áo cho cô dâu như người thường, chàng rể hy vọng Tiên Phật hóa phép cho cóc thành một cô gái xinh tươi như chàng vẫn mộng tưởng. Cả hai họ cũng trông mong như vậy, nhưng đến khi rước dâu, mọi người phải tức cười và xấu hổ vì đưa đón một con cóc nhảy về nhà chồng.
Cha mẹ chồng vừa rầu, phiền cho con trai, vừa chua xót vì con dâu cóc, liền cấp ruộng cho đôi lứa đi ở riêng. Thư sinh cũng buồn lòng, cặm cụi học hành, nghiên cứu các khoa học thần bí, hy vọng gỡ rối cho gia đình, nhất là đối với cha mẹ già đang khát khao có cháu bế. Cóc thì siêng năng công việc ở nhà, thức khuya dậy sớm khuyên chồng chăm chỉ bút nghiên.
Ngày ngày anh ta đi học về thì đã thấy cơm nước sẵn sàng, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mới nghĩ bụng rằng trong lúc vắng mình, chắc vợ trút lốt cóc thành người, chứ một con cóc thì làm sao lo việc nội trợ khéo léo được thế kia? Mấy bận anh ta thử rình, ra đi rồi thình lình trở về bất ngờ, hy vọng bắt gặp vợ là một cô gái xinh đẹp, song chỉ thấy một con cóc sần sùi ở nhà. Anh van nài cóc hóa thành người đẹp cho mình được sung sướng, nhưng cóc vẫn thản nhiên không tỏ vẻ gì cả.
Một tối, anh cho cóc hay tin mình được bổ đi dạy ở trường tỉnh, ngỏ thật rằng mình không thể đưa vợ đi theo nếu vợ vẫn giữ lốt cóc. Từ ngày cưới về anh ta đã chịu biết bao lời chế diễu của hàng xóm, bè bạn. Hơn nữa, cha mẹ vẫn thúc dục anh lấy thêm vợ khác để có con nối nghiệp tông đường. Cóc lặng yên nghe chồng than thở, khuyên chồng chớ nên quá buồn phiền, và xin phép hôm sau về nhà thăm cha mẹ.
Sáng ngày, cóc đi theo chồng, được một quãng thì nhảy vào một cái bụi bên đường. Thư sinh dừng bước lại thì thấy ở bụi cây đi ra một cô gái xinh đẹp lạ lùng, quá sức ước mong của anh bấy lâu. Anh sung sướng ngẩn ngơ nhìn người vợ đẹp lại gần, say đắm ngắm nghía vợ từ đầu đến chân rồi thiết tha xin vợ từ đây cứ giữ hình người. Biết là vợ đã trút lốt cóc ra trong bụi, anh ta kiếm cớ đi lùi lại sau rồi chạy lẻn đến bụi tìm lốt cóc mà dấu vào mình.
Đến nhà, cha mẹ thư sinh mừng rỡ thấy con dâu cóc đã hóa ra người xinh đẹp, dịu dàng. Anh chồng hân hoan thừa lúc mọi người không để ý đến, đem lốt da cóc bỏ vào bếp lửa cho tiêu tan. Hai vợ chồng ở lại nhà cha mẹ cả đôi bên luôn mấy ngày, vui vẻ tiệc tùng liên tiếp rồi mới trở về nhà.
Trên đường về vợ kiếm cớ vào bụi cây để tìm lại lốt cũ, không thấy, chồng mới cho hay là mình đã lấy đốt đi rồi. Vợ đành phải giữ nguyên hình người để về với chồng.
Hai vợ chồng ăn ở với nhau đằm thắm vui vẻ, vợ sinh được nhiều con cái, chồng học thi đỗ cao làm nên chức lớn, sống một đời sung sướng.
Câu chuyện khuyên chúng ta không nên đánh giá một người qua vẻ bề ngoài. Nàng tiên cóc tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, tài năng và siêng năng tần tảo, không thua kém bất cứ cô gái nào. Truyện đề cao vẻ đẹp bên trong của một người, khuyên chúng ta nên lấy vẻ đẹp tâm hồn làm thước đo chứ không phải vẻ đẹp ngoại hình.
Thảo Nguyên