Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Có thể nói rằng, Việt Nam có một thời kì văn học được nâng lên thành một thời đại. Vào thời điểm đó, văn học có sự chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá một cách ngoạn mục, đó là phong trào thơ mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, thơ Việt Nam bước ra ngoài khuôn khổ của sự đạo mạo mà tư tưởng phong kiến đã kìm hãm suốt bao nhiêu thế kỉ. Các nhà thơ trong thời kì này đã cất vang tiếng nói của cá nhân, đưa văn học về với đúng đặc trưng của nó. Trong đó, Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong phong trào thơ mới với những hình tượng mới lạ, trong đó, hình tượng trăng vẫn luôn là hình ảnh gây ám ảnh nhất.

Bạn đang đọc: Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Hình tượng trăng – biểu tượng cho sự kì bí, thế giới siêu thực

Hàn Mặc Tử là “nhà thơ điên” của nền văn học Việt Nam, thơ của thi sĩ thuộc về một miền hư ảo, quẩn quanh với hồn – trăng – máu, khiến cho bất cứ ai cũng có cảm giác rùng mình. Hồn của nhà thơ chu du đến những vùng đất mà người thường không bao giờ có thể tượng tượng đến. Cũng như thế, trăng trong tiềm thức của nhà thơ Hàn Mặc Tử không đơn thuần chỉ là một sự vật, mà là một minh chứng chứng minh rằng thế giới trong tưởng tượng của ông là có thật:

Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô.

Hay:

Ta ném mình đi theo gió trăng
Lòng ta tản khắp bốn phương trời
Cửu trùng là chốn xa xôi lạ
Chim én làm sao bay đến nơi?

Hàn Mặc Tử tha thiết thoát khỏi trần thế khổ đau, khao khát đi tìm cõi an nhiên, cõi vĩnh cửu không còn sự thống khổ tầm thường đày ải. Thơ ông là tiếng thét điên cuồng lấy trăng làm điểm tựa, ánh trăng ám ảnh lấy từng con chữ của nhà thơ. trăng trong thơ ông có tính chất hai mặt: vừa vật chất vừa tinh thần, vừa trần tục lại vừa thiêng liêng. “Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người…” Tất cả đều như là ảo ảnh, mà cũng có lúc như là thật bởi nhà thơ miêu tả ánh trăng bằng tất cả những giác quan của mình: 

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng em
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực

Hồn thơ và trăng như nhập vào làm một, nhà thơ cảm nhận nó bằng tất cả các giác quan của mình để từ đó vẽ nên một thế giới hư vô, tràn ngập ảo mộng. Trăng cũng tượng trưng cho nỗi khát khao được thoát tục của nhà thơ, dường như chỉ có thế giới đó những nỗi đau của nhà thơ mới được xoa dịu.

Trăng tượng trưng cho nỗi đau bất tận của nhà thơ

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ bất hạnh với cuộc đời đầy sự đau khổ. Không quá khi nói rằng cuộc đời của ông là những chuỗi dài nước mắt. Hàn Mặc Tử vừa phải chịu nỗi đau về thể xác bởi căn bệnh quái ác, vừa phải chịu nỗi đau tinh thần khi tình yêu không được đền đáp. Trăng trong hồn thơ của thi sĩ là cả một bầu trời đau đớn:

Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Tìm hiểu thêm: Ý nghĩa của thành ngữ “Có mới nới cũ là gì” là gì?

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

Ta có thể thấy nỗi buồn da diết và ám ảnh qua câu thơ, trăng buồn và ảm đạm như chính hồn người đang giông bão. Nhà thơ chơ vơ giữa sông trăng lãng mạn, lại không thể tìm được chốn bình yên. Không còn cách nào khác, nhà thơ đành gửi gắm tâm tư của mình cho trăng:

Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!

Trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử bao giờ cũng tràn đầy sự đau khổ như thế. Trăng tròn tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn, nhưng trăng của Hàn Mặc Tử ít khi nào trọn vẹn, nhà thơ nhẫn tâm cắt đôi vầng trăng ấy, để khẳng định cho trái tim đã chết của mình. Nhà thơ chìm đắm trong sự khổ đau của chính bản thân mình. Nguyễn Du trong Kiều có câu:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi.
Nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Có sự đồng cảm giữa những thi sĩ khi viết về hình tượng trăng. Song không thể phủ nhận hình ảnh trăng trong thơ Hàn Mặc Tử vô cùng ám ảnh, mức độ biểu đạt cảm xúc của nó lớn hơn rất nhiều so với những thi nhân khác. Đối với nhà thơ họ Hàn, yêu là phải yêu mãnh liệt, mà đã đau khổ thì sẽ đau đến tận cùng. Chính cái sự đau đớn về thể xác, bệnh tật đã khiến cơ thể ông hao gầy, suy nhược nhưng đó lại là dòng suối khơi nguồn cho mọi cảm hứng sáng tạo vô biên. Ở Hàn Mặc Tử, đau thương đồng nghĩa với sáng tạo, nó như là phương tiện để đưa nhà thơ lên đến cung bậc cao nhất của nghệ thuật. Con thuyền trăng chuyên chở nỗi niềm của tác giả, gieo vào lòng của nhân thế, như chút an ủi cuối cùng của văn học dành cho nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

Trăng – người bạn tri kỉ của Hàn Mặc Tử

Trăng trong những tác phẩm của nhà thơ đều được thổi một phần hồn vào đó, được nhân hóa như thể có cảm xúc, hành động, biết yêu biết hận. Hàn Mặc Tử yêu trăng như yêu một phần của cơ thể:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử

>>>>>Xem thêm: Truyện tranh Ai quan trọng hơn

Có thể nói Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử như một người bạn đồng hành với mọi biến cố trong cuộc đời ông. Và chưa bao giờ người ta thấy trong một tập thơ tràn ngập cả ánh trăng như trong thơ Hàn Mặc Tử: Trăng đẹp, Trăng lung linh huyền ảo đi cùng với “Trăng điên”, “Trăng hủi”. Với Hàn Mặc Tử Trăng tồn tại và xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trăng hiểu rất rõ tâm tình của nhà thơ, tựa như người bạn tâm giao, người bạn tri kỉ không thể tách rời. Nhà thơ cũng coi trăng như là nơi duy nhất để giãi bày tâm sự, dường như không có chuyện gì mà nhà thơ không thể nhờ trăng truyền tải:

Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa xôi quá nói nghe chăng?

Hàn Mặc Tử, trăng và hồn thơ thi sĩ hoà quyện với nhau, cùng nhau vì nhau mà tồn tại. Trăng là nơi chia sẻ, cảm nhận, đón nhận những đau thương từ thẳm sâu tâm hồn thi sĩ. Trăng như đối tượng để nhà thơ hướng đến, cầm, nắm, bắt rồi tóm gọn nó làm theo ý mình, có khi xa quá, cao quá, rộng quá nó lại là không gian. Trăng như một tố chất  không thể thiếu được trong cuộc sống của ông, lúc gần, lúc xa, lúc lơi lả gợi tình, lúc dịu dàng đáng yêu, hơn hết lôi cuốn thi sĩ đến một thế giới huyền diệu đầy quyến rũ.

Hình tượng trăng đã trở thành phong cách của Hàn Mặc Tử, đẹp đẽ và đầy ám ảnh. Người đọc khi thưởng thức tác phẩm của thi sĩ, không thể ngừng quay cuồng trong thế giới thi sĩ đã viết ra, để rồi lại cảm thấy thán phục những trang thơ của một con người đã cách mình hàng thế kỉ.

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *