Bình giảng bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, tác phẩm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thể hiện nguồn cảm hứng vô tận của tác giả với những người con đồng bào Tây Nguyên dân tộc thiểu số ít người. Bài thơ thể hiện tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình yêu của người mẹ dành cho con, hòa chung vào tình yêu quê hương đất nước, tạo thành một tình lớn, mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Nguyễn Khoa Điềm đã rất thành công khi tạo âm hưởng dân gian đặc sắc cho tác phẩm, dễ dàng đi vào lòng người đọc.

Bạn đang đọc: Bình giảng bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

Bình giảng bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

Khúc ru thứ nhất

Khúc hát ru là giai điệu quen thuộc, sâu lắng và có tác động mạnh mẽ đến tâm lí của mỗi người. Những bài hát ru là cội nguồn của tâm hồn, là dòng sông tươi mát đã nuôi lớn lớp lớp thế hệ Việt Nam. Trong bài thơ, khúc hát ru và hình ảnh em bé là hình ảnh mang tính biểu tượng. Hình ảnh những em bé đại diện cho thế hệ tương lai đang lớn trên lưng mẹ:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.

Mở đầu bài thơ là âm hưởng của miền Tây Nguyên hoang dã, chất phác và đầy mạnh mẽ. Người đồng bào vùng dân tộc thường có thói quen địu con trên lưng khi đi làm nương, làm rẫy, khi giã gạo, quay lúa, dệt vải. Những đứa trẻ thơ vùng cao có lẽ ai cũng từng một thời được sống trên lưng mẹ. Lưng người mẹ ấm áp ấp ủ cho con những giấc mơ đẹp, ru con những trưa nồng oi ả, cho con những khoảng trời tuổi thơ bình yên với những giấc mơ ngoan hiền. 

Tìm hiểu thêm: Tiểu Sử Và Sự Nghiệp Của Nhà Văn Nam Cao

Bình giảng bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

>>>>>Xem thêm: Truyện tranh Chú tuần lộc mũi đỏ

Nhịp chày được miêu tả bằng tính từ “nghiêng”, vừa mang tính họa, vừa có cả nhạc. Từng nhịp chày đều đều  hòa cùng với lời hát ru nghe thật êm đềm. Những câu thơ đã vẽ nên những hoạt cảnh miêu tả sự vất vả của người mẹ, khi người mẹ vừa phải làm việc vừa phải trông con. Người mẹ gửi tình yêu của mình với con vào từng nhịp chày giã, bản thân họ cũng hiểu được giấc ngủ nhọc nhằn của những đứa con trên lưng mình. Ca dao cũng có câu thơ khẳng định sự hi sinh cao cả của người mẹ:

Gió mùa thu… Mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ vừa năm

Tình yêu của mẹ hòa chung với tình yêu lớn – ấy là tình yêu với người bộ đội, người chiến sĩ ngoài sa trường:

Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,

Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Câu thơ như lời ru êm ái chất chứa yêu thương. Tình cảm mẹ con vốn đã đẹp nay càng đẹp hơn bởi nó gắn liền với tình cảm lớn lao là tình thương bộ đội, tình yêu nước. Mẹ mong trong giấc ngủ, Cu Tai sẽ mơ giấc mơ của mẹ là có nhiều gạo thật ngon để nuôi bộ đội và Cu Tai sẽ lớn lẽn thật nhanh để giúp mẹ giã gạo nuôi quân. Hạt gạo trắng ngần tượng trưng cho ước mơ về cuộc sống ấm no hạnh phúc. Từ ước mơ có hạt gạo trắng ngần đến ước mơ mai sau con lớn vung chày lún sân đều chứa đựng niềm hi vọng cháy bỏng của người mẹ về đứa con sau này sẽ trở thành một thanh niên cường tráng, có ích cho nước, cho dân.

Khúc ru thứ hai

Không gian của câu thơ có sự vận động, từ trong ngôi nhà với không gian hẹp sang núi đồi rộng lớn, không gian càng rộng, sự khó khăn của người mẹ càng lớn:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi

Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,

Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.

Điệp khúc lời ru tiếp tục được lặp lại để tạo tính nhạc cho tác phẩm, cũng như âm hưởng của một bài hát ru. Người mẹ vùng Tây Nguyên luôn vất vả với trăm công việc, trỉa bắp là công việc thường xuyên của những người dân nơi đây. Đây là một việc đòi hỏi rất nhiều sức lực, người mẹ phải chiến đấu với độ cao của núi, sức nóng của mặt trời, độ chính xác khi trỉa bắp. Cảm xúc da diết hơn thể hiện qua hình ảnh tương phản độc đáo: Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ. Núi thì lớn, nương bắp thì rộng mà sức mẹ có hạn. Mẹ cắm cúi, lom khom tỉa bắp, trên lưng mẹ con vẫn ngủ say. Câu thơ đã khắc sâu nỗi vất vả khó nhọc của người mẹ vùng cao trong lao động sản xuất thời chống Mĩ.

Điểm nổi bật ở đoạn thơ này là nhà thơ sử dụng rất nhiều hình ảnh so sánh:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.

Mặt trời là sự sống của muôn loài, sự tồn tại của nó quyết định sự tồn tại của những sự vật khác. So sánh những em bé với mặt trời, tác giả muốn khẳng định sự quý giá của những đứa con với người mẹ. Đối với người mẹ, con là tài sản quý giá nhất, là sự sống duy nhất, là cội nguồn của mọi niềm vui và hạnh phúc. Đây là một hình ảnh rất hay mà nhà thơ đã sử dụng.

Trong tác phẩm, tình yêu của mẹ luôn gắn liền với tình yêu đất nước, ở khúc ru thứ hai cũng không phải ngoại lệ:

Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói.

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười Ka–lưi.

Tình yêu con song hành với tình yêu làng, ở khúc này, đối tượng đã được mở rộng từ người bộ đội sang làng bản. Càng thương con, người mẹ lại càng thương bà con dân bản. Mẹ ước mơ về một ngày mai no ấm hạnh phúc, về sự trưởng thành và sức mạnh kì diệu của đứa con thân yêu. Sự trưởng thành của đứa bé gắn liền với hi vọng của dân làng, đó là hi vọng về một tương lai mới không nghèo đói, ấm no hạnh phúc, độc lập và tự do. Sự phát triển của thế hệ mới, một thế hệ lớn trên lưng mẹ, được tắm trong nắng và gió của vùng đất Tây Nguyên, mang trong mình những khát khao hi vọng của lớp người đi trước, ngạo nghễ đón tương lai sáng ngời.

Khúc ru thứ ba

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.

Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.

Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối

Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,

Mẹ địu em đi để dành trận cuối.

Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,

Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

Đây là khúc ru thể hiện rõ nhất tình yêu và sự hi sinh cao cả của người mẹ. Không gian không phải là công việc đồng áng hàng ngày mà là “chuyển lán”, “đạp rừng”. Người mẹ trực tiếp tham gia vào trận chiến trường kì của dân tộc. Những câu thơ khắc họa rất đơn gian quá trình đấu tranh của người dân miền núi nơi đây nhưng không vì vậy mà kém phần quyết liệt, nguy hiểm, thể hiện thái độ căm thù của đồng bào nơi đây đối với giặc xâm lược. Tình yêu của mẹ rộng lớn hơn rất nhiều, nó hòa vào tình yêu dành cho tổ quốc, dành cho dân tộc. Hoàn cảnh sống của những đứa bé cũng vì thế mà khắc nghiệt hơn rất nhiều. Chúng sống và trưởng thành trong bom đạn, trong mất mát và đau thương. Nhưng chính những thử thách này đã nuôi dưỡng những đứa bé trưởng thành hơn. Chúng trở thành những chiến sĩ thực thụ, mang trong mình khát vọng cao cả:

Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

Mẹ thương a kay, mẹ thương đất nước.

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,

Mai sau con lớn làm người Tự Do…

Khát vọng tự do là khát khao lớn nhất, cũng là khắc khoải nhất. Càng về cuối tác phẩm, ước mơ gửi vào những thế hệ tương lai càng lớn, đồng nghĩa với việc nhiệm vụ cũng càng lớn. Những đứa bé đang sống bình dị trên nương đồi, mai này sẽ trở thành những người gánh vác nhiệm vụ to lớn là giành độc lập, tự do cho đất nước. Chúng sẽ là người vẽ nên màu sắc mới của đất nước, khi thế hệ đi trước không còn đủ thời gian để xây dựng lại tổ quốc. Tình yêu đất nước hòa chung một nhịp với trái tim của nhưungx người mẹ. Nhà thơ Y Phương khi nói về vẻ đẹp của những con người miền núi đã có những câu thơ:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh   – Nói với con

Quả thật, những con người chất phác, bé nhỏ nhưng lại có những tình cảm cao lớn và thiêng liêng.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là một bài thơ đặc biệt, được đặt dưới hình thức của lời hát ru, thay người mẹ và những thế hệ đi trước gửi gắm những hoài bão vào thế thệ tương lai. Những em bé lớn trên lưng mẹ, nay đã gánh một phần của đất nước, mang theo tầm vóc to lớn của người Việt. 

Thảo Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *