” Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến sây xát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào (Liêu Hà Trinh – MC, diễn viên)”
Bạn đang đọc: Review sách Vọng Sài Gòn – Sài Gòn Qua Đôi Mắt Của Kẻ Si Tình
Tôi xin mượn lời đánh giá của Hà Trinh để thể hiện tâm tư của mình khi đọc Vọng Sài Gòn của Trác Thúy Miêu. Có thể đối với một người Sài Gòn, đây là một cuốn sách tuyệt vời và tâm đắc. Cũng giống như người Hà Nội đọc Nguyễn Khải hay xứ Huế đọc văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Vì bản thân họ có trải nghiệm với vùng đất của mình, nên từng câu chữ sẽ là những điều thân thương và hoài niệm. Nhưng với tôi, hay những bạn đọc khác, Vọng Sài Gòn đem đến một luồng không khí mới lạ và buộc phải tập trung để có thể hiểu được những điều tác giả viết. Đây là một cuốn sách được đánh giá cao khi viết về Sài Gòn, và cũng có thể, bạn sẽ yêu Sài Gòn qua những trang văn của Trác Thúy Miêu, dù chưa một lần đặt chân đến.
Trác Thúy Miêu là một cái tên nổi tiếng với vai trò là MC, nhà báo. Những ai từng biết đến cô thì đều biết rằng đây là một người có cá tính vô cùng mạnh mẽ. Điều này cũng được thể hiện trong cuốn sách khiến chúng ta ngưỡng mộ. Vốn dĩ trước kia thi sĩ Hàn cũng từng viết “Người thơ phong vận như thơ ấy” để khẳng định gương mặt của tác phẩm cũng chính là phong cách của tác giả. Cuốn sách là tập hợp của những bài tản văn về Sài Gòn, có thể là phong cảnh, lối sống, trang phục hay những liên tưởng thú vị để rồi, qua mỗi trang văn, chúng ta đến gần Sài Gòn hơn một chút, hiểu và yêu nó hơn một chút.
1. Sài Gòn là một ả đàn bà…
Đây là bài viết đầu tiên trong cuốn sách và tôi nghĩ nó nên ở vị trí này, thay vì đặt ở giữa hay cuối cuốn sách. Nó thể hiện thế giới quan của tác giả đối với vùng đất Sài Gòn, xuyên suốt trong cả hành trình của Vọng Sài Gòn. Không chỉ là một liên tưởng lạ lẫm, nó gần như một ám ảnh trong tiềm thức. Hiển nhiên là thế, vì làm gì có ai quan tâm tới “giới tính” của một thành phố bao giờ.
Đối với người yêu Sài Gòn, dù đàn ông hay đàn bà, thì Sài Gòn không chỉ là một cuộc đời, một con người có dung mạo hình hài, cốt cách tư phong và số phận, mà Sài Gòn còn có giới tính hẳn hòi: Nàng là một người đàn bà, ắt nhiên là thế. Dù phong trần hải hồ quảng giao và hào sảng tới đâu, Sài Gòn, với bản chất phù phiếm nhẹ dạ cả lòng ấy, với lòng phù thịnh nhưng đãi suy hồn hậu đó, khi như nhân tình, như hồng nhan tri kỉ, có khi lại như những bà thím bà má Nam Bộ xởi lởi nơi những nếp gia liếp thưa mà lu nước mưa luôn đầy mát lòng người lỡ bộ.
Hẳn nhiên, Nàng phải là đàn bà
Đoạn dẫn đã kết lại bằng một lời khẳng định chắc chắn như vậy, để lại trong lòng người đọc một sự tò mò và thích thú. Và ngay sau dòng văn đó, tác giả đã giải thích vì sao Sài Gòn lại là một ả đàn bà. Chẳng phải vì nó “bướm ong từ những nẻo đường tỉnh lộ” hay sao? Con đường ở đây không phải quanh co uốn khúc mà khiến liên tưởng tới một ả đàn bà. Dụng ý của tác giả khi so sánh như vậy là bởi Sài Gòn, cũng giống như thứ gọi là “giấc mơ Mỹ”, có khả năng hấp dẫn những gã trai quê bằng “viễn tưởng hoàng hoa của những trục lộ trung tâm diêm dúa”. Đây là một hiện thực của thành phố, khi mà rất nhiều người ôm mộng lập nghiệp, có khi thành đạt rồi lại khi phá sản để minh chứng cho cuộc đời “lên voi xuống chó”. Sài Gòn phồn hoa như một ả nhân tình đầy sức mê hoặc, và tất nhiên, sự hào hoa trong ngôn từ là một yếu tố cần thiết để Trác Thúy Miêu thể hiện điều đó. Một sự cầu kì, kiểu cách ngay trong việc sử dụng ngôn từ, như chính tính cách “treo kiêu giá ngọc” của cô ả Sài Gòn. Phải nói rằng, sau khi đọc xong đoạn này, tôi mới thấy rất hợp lí khi tác giả dùng từ “ả đàn bà” để nói về tính nữ của thành phố thay vì cô gái hay người mẹ giống như Hoàng Phủ Ngọc Tường dùng để chỉ dòng Hương Giang. Bởi vì Sài Gòn đâu có thơ ngây như một nàng công chúa mơ về hoàng tử mà xưng danh “cô gái”. Nó sắc sảo, quyến rũ và trưởng thành hơn với thói phù hoa. Quả thật, tác giả viết về một vùng đất, chỉ viết thôi, không hề đánh giá tốt xấu. Chính tôi cảm thấy, thói phù hoa của ả thượng lưu này cũng là một vẻ đẹp đầy mị lực mà khó kiếm được ở một vùng đất nào khác.
Để làm rõ thêm cho sự liên tưởng của mình, tác giả đã khai thác sâu hơn về tính cách của Sài Gòn – “Ả đàn bà dễ bỏ khó quên”. Điều này gợi lại “một đời hồng nhan chọc trời khuấy nước vô thường mà vô hậu của cô Ba Yvette – giai nhân một thời khét tiếng chốn phong lưu” khiến cho bao quân tử tới nam nhân khuynh gia bại sản. Sài Gòn là vậy, đa số tầng lớp thị dân đến như một người khách trọ rồi lại rời đi. Nhưng vùng đất này “chẳng níu chân người, như người đàn bà kiêu hãnh không bao giờ bám víu tình hờ”. Vậy mà người đi đâu dễ gì trút bỏ gánh tương tư với vùng đất ấy.
Người ta khi ở gần thì hoảng sợ cái bạo liệt phù phiếm của Nàng, oán trách cái hời hợt vô tình chẳng có chi để níu chân người. Nhưng xa rồi mới biết đàn bà như Nàng đâu dễ gặp lại lần thứ hai, để rồi nhớ thương quằn quại từng cơn mưa đồng bóng của nàng.
Bởi, Sài Gòn, người ta không chọn làm quê. Đàn bà Sài Sòn như Sài Gòn, người ta yêu nhưng không chọn làm vợ.
Bởi với nhiều người, Sài Gòn là nơi đất đến, chứ không phải chốn quay về.
Nàng có thể là cơn rù quến liêu trai đầu đời, chứ không giống ả đàn bà sau cuối.
Nàng là loại đàn bà dễ tán tỉnh nhưng khó bề sở hữu.
Và Nàng cũng chính là loại đàn bà dễ bỏ mà quá trời khó quên
Xem thêm: Nhà Thờ Đức Bà Paris – Vẻ đẹp cao thượng tột cùng ẩn sâu lớp vỏ xấu xí
2. Vọng Sài Gòn.
Giữa cơn mưa xối vần vũ trên những nóc gia đã say ngủ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai làn hơi sầu nữ không chút tì vết thời cuộc, nhưng đã hướng hơi hướm tủi thân nghiệp mệnh xướng ca:
Đêm nay mưa gió ngập trời,
Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan…
Nỗi tủi thân nhớ về người tên Lan hay chính nỗi tủi thân của tác giả nhớ về làn điệu cải lương của Sài Gòn xưa? Từ “vọng” lại là một từ ngữ được sử dụng đắc địa bởi chỉ thoáng nghe tiêu đề đã đủ cho lòng người chút buồn man mác của những gì tươi đẹp đã ngủ quên mãi trong quá khứ. Từ “vọng” mang một nỗi niềm khắc khoải và hoài cổ hơn từ “nhớ”. Thì ra vọng Sài Gòn chính là nỗi niềm đau đáu với làn điệu cải lương những năm về trước.
Tôi nhớ hoài một đêm Thứ bảy đang bát phố lòng vòng Sài Gòn Chợ Lớn, anh bạn tôi – MC Trấn Thành – bỗng thốt lên “Giá mà giờ rủ nhau chui vô rạp coi cải lương thì mới đã đời!”
Câu nói vu vơ khiến tôi cũng thốt chùng lòng: đêm Thứ bảy giữa trung tâm Sài Gòn, muốn tìm nghe một câu vọng cổ, coi một lớp tuồng mà rọi đuốc kiếm không ra!
Cải lương là một niềm say mê của người dân Sài Gòn, như chính tác giả khẳng định nó là “món nhắm tinh thần khoái khẩu của thị dân Sài Gòn, thú thưởng ngoạn cho mọi giới từ mặc khách tới bình dân”. Tôi tin rằng mỗi thành phố đều có một giai điệu riêng và thậm chí, âm nhạc sẽ trở thành linh hồn của thành phố. Nếu như Sài Gòn da diết với điệu cải lương thì người Anh lại vô cùng say mê kịch nghệ. Những vở kịch kinh điển dù được diễn đi diễn lại vô số lần nhưng chưa bao giờ giảm sức hút. Nó gần như là một phần không thể thiếu của London, như hơi thở của cuộc đời con người. Thế nhưng, một điều đáng buồn là Sài Gòn không giữ được cải lương ngân vang đến những ngày tháng của tương lai.
Những rạp hát cuối cùng của Sài Gòn đã hấp hối và diễn những xuất hát cuối cùng ra sao, ngay cả người Sài Gòn cũng không biết, mà cũng không được các sử gia bận rộn lưu tâm ghi nhận
Sự mai một của một nét văn hóa diễn ra một cách thản nhiên như cách thời gian tàn phá mọi thứ, và tất nhiên, chẳng một nhà sử học nào lưu tâm đến việc đó cả. Cũng giống như ông đồ già năm nào trong thơ Vũ Đình Liên, từ thời hoàng kim “Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài” đến cảnh tượng suy tàn hiu hắt “Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay” không một dấu mốc lịch sử nào lưu tâm. Nó chỉ được nhắc đến qua nỗi niềm vọng cổ của một nhà thơ qua những con chữ. Lí do khiến cải lương đi vào lãng quên là do những năm 1980, trường phái bi lụy diễm tình bị lên án, bị khai trừ bởi những nhà nghệ thuật. Có thể thấy rất nhiều bài thơ ra đời để phê phán trường phái trên, tôi có nhớ một đoạn mà mình từng được học:
Đừng kể nữa những mảnh tình tan tác.
Hãy đứng lên, Nhạc sỹ, với tôi, đi!
Tôi ghét anh mê giọng hát sầu bi
Và tung mãi tâm hồn thừa truỵ lạc
Và như thế, những làn điệu cải lương dần biến mất trên mảnh đất Sài Gòn.
Tìm hiểu thêm: Dẫu cho sinh mệnh như hạt cát, vẫn mong năm tháng tựa bài ca.
Xem thêm: Chiến binh cầu vồng – bài ca cho khát vọng và niềm tin
3. Một người yêu Sài Gòn bất chấp.
Đó là cách mà MC Liêu Hà Trinh dùng để chỉ Trác Thúy Miêu, và tựa đề này được đặt ở cuối cùng của cuốn sách, sau khi người đọc đã khám phá thành phố qua đôi mắt của tác giả. Nhà văn không yêu Sài Gòn qua những xa hoa lộng lẫy của một thành phố sau khi thay áo mới, cô yêu nó từ những gì bình dị và “chất Sài Gòn” nhất. Điều này thể hiện sắc nét qua các bài tản văn về tiệm café, về những gánh hát rong hay áo dài. Tất cả, tất cả từ đường nét, màu sắc đến những giọt thanh âm đều được “định danh bằng một chữ Tình”.
Lũ chúng tôi, hóa ra chỉ là ba mớ trí thức salon, như gã nhân tình nghèo, chân thành si mê nhưng bất lực trắng tay. Mà Sài Gòn như ả điếm hết thời, mà trong mắt nhìn của kẻ mê đắm còn thiết tha hào quang nữ chúa phòng trà, nên lòng ngưỡng mộ tôn thờ càng thêm phần tha thiết xót xa
Tác giả yêu Sài Gòn đến tận cùng trái tim, chúng ta có thể cảm nhận được điều đó qua từng trang sách. Bởi sự nồng nhiệt, chân thành, mê đắm đến cuồng si được lấp đầy trong mỗi con chữ. Cảm tình nhiều đến nỗi một người đọc hời hợt khó mà ngấm nổi phong cách này của Miêu, giống như Hà Trinh từng nhận định:
Không đủ tò mò và khao khát Sài Gòn, không nên đọc Miêu. Văn phong bạo liệt ngập tràn năng lượng sùng bái thành phố hoa lệ ngào ngạt trên từng ngón tay lật sách, sẽ khiến người ta choáng váng quay cuồng như nốc liên tục vài shot whiskey đặc quánh, khi bản thân đã chỉ mới chớm quen với sự thanh tao loãng lợt của tinh thần trà đạo
Xem thêm: Trà Hoa Nữ – một đoá hoa trà thay đổi cả khung trời xã hội Pháp
4. Thay lời kết.
Mỗi cuốn sách đem đến một điều kì diệu và thực sự Vọng Sài Gòn sẽ khiến người đọc thích thú trước sự lạ lẫm và cuốn hút trong ngôn từ của nó. Yêu một thành phố không dễ, yêu bất chấp lại càng khó và quả thực, khiến người khác cũng yêu Sài Gòn như mình càng không đơn giản.
Cũng hai tiếng Sài Gòn gần gũi, chị bóc tách thành vạn mỹ từ: ly loạn, trầm luân, kiêu kỳ, phù phiếm, quảng giao, phồn thực, vấn vít… Đôi khi phải vừa đọc vừa tra từ điển để bám sát và mở rộng vốn liếng tiếng Việt tuy cũ mà mới đương nhảy múa khiêu khích trước mắt
Với một kẻ “nghiện ngập ngôn từ” hoặc đơn giản là yêu thích tiếng Việt, hẳn là sẽ không thể bỏ qua cuốn sách. Tôi thực sự khâm phục khả năng sử dụng ngôn từ của tác giả và chợt nhận ra, không ngờ tiếng Việt mình cũng có vô số từ ngữ thú vị và đẹp đẽ. Vọng Sài Gòn không đọc vội được đâu, vì rất có thể bạn sẽ lướt qua những dòng văn hay ho. Nó cần mỗi người đọc sự tập trung, tĩnh lặng sau giờ làm chiều, bên tách trà nóng hoặc cửa sổ nắng để thưởng thức từng trang sách.
>>>>>Xem thêm: Review sách 13 điều mà người có tinh thần thép không làm
Nếu bạn cũng si mê Hà Nội qua những trang tản văn vấn vít hương cốm mới và dáng vẻ yêu kiều thanh lịch của nó, thì Sài Gòn cũng rất đáng có được cảm tình đó qua những trang văn của Trác Thúy Miêu. Tựu chung lại, mỗi vùng đất đều có một vẻ đẹp riêng, không nhất thiết phải sáng rực kiểu cách mới là đẹp. Hà Nội buồn, Sài Gòn da diết cũng vẫn đẹp chẳng thua kém. Tôi chợt nhận ra, vẻ đẹp của một thành phố là khi nó biểu hiện cá tính độc nhất vô nhị của chính nó và đương nhiên, trong đôi mắt say mê của những cư dân thành phố.
Một thoáng Vọng Sài Gòn cho một buổi chiều hoài niệm…
Tác Phẩm Vọng Sài Gòn – Tác Giả: Trác Thúy Miêu
Nhà xuất bản: Nxb Hội Nhà Văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Ngày phát hành: 15/10/2019
Số trang: 300
Review chi tiết bởi: Mai Trang – Bookademy