Truyện cổ tích ra đời trong hoàn cảnh xã hội có nhiều bất công. Tác giả dân gian không ngần ngại khi phơi bày thực trạng khốn cùng trong cuộc sống của mình. Song truyện cổ tích không hề gây cảm giác bi thương, bi luỵ bởi tinh thần lạc quan thấm đẫm trong các tác phẩm. Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, đặc biệt là trí thông minh – công cụ giúp những người dân thấp kém thể hiện ví trí của mình trong xã hội.
Bạn đang đọc: Những Truyện Cổ Tích Hay Nhất Về Trí Thông Minh
Bài viết này Sách Hay 24H sẽ chia sẻ tới độc giả những câu chuyện đặc sắc và hay nhất về trí thông minh và nhân vật thông minh được tuyển chọn trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới
1. Bác nông dân và con quỷ
Ngày xưa đất đai đều bị loài quỷ chiếm mất cả. Một hôm, có người nông dân vào rừng trồng củ cải. Anh đang cuốc đất thì có một con quỷ chạy lại và quát lên:
– Anh kia, ai cho vào rừng của ta?… Anh muốn chết à?
Người nông dân bình tĩnh nói:
– Quỷ ơi, đừng ăn thịt tôi. Quỷ để tôi gieo cải. Khi cây lớn lên, tôi chỉ lấy gốc thôi, còn ngọn xin nhường quỷ.
Thấy không phải làm gì mà lại được ăn, quỷ bằng lòng, bèn nói :
– Thế cũng được, nhưng anh phải giữ đúng lời hứa đấy. Nếu không đúng, đừng có hòng vào rừng này nữa.
Củ cải lớn, người nông dân dỡ lấy củ, để lại ngọn cho quỷ. Quỷ ăn thấy đắng, tức lắm không làm gì người được.
Sang mùa sau, người nông dân lại vào rừng tiếp tục trồng. Thấy vậy, quỷ lại đòi chia. Người nông dân hỏi:
– Thế quỷ định lấy gốc hay lấy ngọn?
Bực tức vì lần trước đã không được ăn, nên lần này quỷ đòi lấy gốc. Đến mùa lúa chín vàng, người nông dân gặt lấy ngọn gánh về, còn để gốc lại cho quỷ.
Gốc rạ không ăn được, quỷ tức giận, sùi bọt mép, đòi mùa sau ăn cả ngọn lẫn gốc. Quỷ nghĩ: “Cho người trồng gì đi nữa, kết quả thu hoạch lần này cũng về ta cả”. Nhưng không chịu thua quỷ, người nông dân đem ngô ra gieo. Vì ra sức chăm bón nên bắp ngô rất to. Mỗi cây có đến hai, ba bắp. Đến mùa người mang quang gánh, hối hả bẻ ngô, gánh về nhà, để lại cả ngọn lẫn gốc ngô cho quỷ.
Nhìn những thân cây ngô khô đét, không ăn được, quỷ đành hậm hực chạy về rừng mà không làm gì người được.
2. Cậu bé thông minh
Ngày xưa, có một ông vua muốn tìm người tài ra giúp nước. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ phải nộp một con gà trống biết đẻ trứng, nếu không có thì cả làng phải chịu tội.
Được lệnh vua, cả vùng lo sợ. Chỉ có một cậu bé bình tĩnh thưa với cha :
– Cha đưa con lên kinh đô gặp Đức Vua, con sẽ lo được việc này.
Người cha lấy làm lạ, nói rõ với làng. Làng không biết làm thế nào, đành cấp tiền cho hai cha con lên đường.
Đến trước cung vua, cậu bé kêu khóc om sòm. Vua cho gọi vào, hỏi :
– Cậu bé kia, sao dám đến đây làm ầm ĩ?
Muôn tâu Đức Vua – Cậu bé đáp – bố con mới đẻ em bé, bắt con đi xin sữa cho em. Con không xin được, liền bị đuổi đi.
Vua quát :
– Thằng bé này láo, dám đùa với trẫm ! Bố ngươi là đàn ông thì đẻ làm sao được !
Cậu bé bèn đáp :
– Muôn tâu, vậy sau Đức Vua lại ra lệnh cho làng con nộp gà trống biết đẻ trứng ạ ?
Vua bật cười, thầm khen cậu bé, nhưng vẫn muốn thử tài cậu lần nữa.
Hôm sau nhà vua cho người đem đến một con chim sẻ nhỏ bảo cậu bé làm ba mâm cỗ. Cậu bé đưa cho sứ giả một chiếc kim khâu, nói:
– Xin ông về tâu Đức Vua rèn cho tôi chiếc kim này thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.
Vua biết là đã tìm được người tài giỏi, bèn trọng thưởng cho cậu bé và gửi cậu vào trường học để luyện thành tài.
Xem thêm: https://sachhay24h.com/truyen-co-tich-cau-be-thong-minh-a696.html
3. Chú thỏ thông minh
Trong rừng kia có một chú Thỏ rất thông minh, các con vật khác đều phục tài nó, riêng có con Hổ vẫn chẳng phục ai cả.
Một hôm, Hổ đi chơi, gặp Thỏ đang ăn mật ong ở một hốc cây, Hổ đứng đón ở lối ra, trừng mắt bảo Thỏ:
– Mày đừng có hòng chạy nữa nhé! Tao tìm mày lâu lắm rồi! Muốn tốt ra đây nộp mạng!
Thỏ bèn làm kế hoãn binh:
– Ông làm ơn cho tôi đánh một hồi trồng rồi tôi xin ra để ông bắt tôi.
– Được, Hổ trả lời.
Tìm hiểu thêm: Người họ Liêu và Diêm Vương
Chú Thỏ thông minh giơ tay làm điệu bộ đánh trống liên hồi vào tổ ong. Bấy giờ tiếng ong bay vù vù, văng vẳng có âm thanh phát ra làm cho Hổ nghe tưởng là trống thật. Thích thú quá, Hổ bảo Thỏ:
– Mày cho tao đánh với.
– Ông đánh cũng được thôi – Thỏ đáp – Nhưng có điều ông mà đánh thì tôi sẽ điếc tai, long óc mất. Vậy ông làm ơn để tôi đi thật xa đây đã, bao giờ không nghe tiếng hú của tôi nữa thì ông hãy đánh.
Thế là Hổ ta quên mất việc trị tội Thỏ, để cho Thỏ chạy trốn mất. Khi không còn nghe tiếng hú, Hổ mới vươn người vào hốc cây, giơ chân trước vào tổ ong. Tổ ong vỡ ra, cả bầy ong xông tới đốt cho Hổ tối mặt tối mày. Hổ đau điếng người. Nhưng ong vẫn không tha, Hổ chạy đến đâu, chúng đuổi theo đến đó, đốt cho mặt sưng húp mới chịu thôi. Hổ biết là mắc mưu Thỏ, giận bầm gan tím ruột.
4. Trí khôn của ta đây
Có một bác nông dân ngày ngày đều dắt trâu đi cày, trâu đi trước kéo một cái cày thật nặng theo sau, công việc rất cực nhưng trâu vẫn vui vẻ.
Một lần trong lúc nghỉ ngơi, bác nông dân đi uống nước, thì có một con cọp đến hỏi trâu tại sao trâu to xác mà để một người bé xíu đánh đập. Trâu trả lời:
“Tuy người bé nhỏ, nhưng họ có trí khôn”.
Lúc đó bác nông dân cũng đi ra, thì cọp bèn hỏi:
“Nghe trâu nói người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn, vậy trí khôn ở đâu, lấy ra cho ta xem”.
Bác nông dân đáp lại:
“Trí khôn tôi để ở nhà”.
Thì cọp bảo về nhà lấy trí khôn cho xem, bác nông dân đồng ý và phải có điều kiện là trói cọp lại vào gốc cây để cọp không ăn thịt trâu của bác nông dân. Sau khi trói cọp vào gốc cây, bác nông dân đã châm lửa đốt và nói với cọp:
“Trí khôn của ta đây”
Trâu thấy vậy không nhịn được cười, cười đến mức đập cả hàm vào mặt đất gãy mất hàm răng trên. Nên loài trâu sau này không có răng trên và cọp có sọc trên trên người do dấu tích của loài người đốt.
– Chọn rể hay chữ – Anh chàng khờ và cô vợ ngoan – Hai chú Cuội – Mua râu của phú ông – Em bé thông minh – Của ai quý hơn…
5. Người vợ thông minh
Xưa, có một người đàn bà làm nghề dệt vải. Nàng bản tính thông minh tháo vát, nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì nên thân. Một hôm, vợ đưa cho chồng mấy tấm vải bảo mang ra chợ bán. Vợ dặn:
– “Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe!”
Chồng mang vải ra chợ đi khắp nơi, rao khản cả cổ mà chả có ai mua cả. Mãi về sau có một ông cụ già mua cho hai tấm. Nhưng ông ta lại không mang tiền theo. Ông cụ bảo hắn:
– Chốc nữa anh đến nhà tôi lấy tiền nhé! Nhà tôi cũng ở trong xã này thôi.
Hắn hỏi:
– Nhà ông ở đâu?
– Tôi ở chỗ: “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Đến đó tôi sẽ trả tiền ngay.
Đến chiều hắn đi tìm người mua hàng chịu của hắn. Gặp ai hắn cũng hỏi thăm “chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” là ở đâu, nhưng chẳng một ai biết thế nào mà trả lời.
Hắn đi loanh quanh mãi đến tối mịt không tìm được nhà, đành phải trở về ôm mặt hu hu khóc. Vợ hắn hỏi tại sao thì hắn kể cho vợ nghe tất cả câu chuyện.
Người vợ bảo:
– Cũng dễ tìm thôi! “Chỗ chợ đông không ai bán” là cái nhà trường, “chỗ kèn thổi tò le” là bụi lau vì khi gió thổi nghe như tiếng kèn sáo, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Vậy anh phải kiếm người đó ở một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có vườn trồng hành tỏi.
>>>>>Xem thêm: Con sáo và phú trưởng giả
Qua ngày sau, anh chồng lại cất bước đi tìm. Quả đúng như lời người vợ nói, hắn gặp ông lão hôm qua. Thấy hắn đến, ông đồ liền hỏi xem nhờ ai mách cho mà biết được chỗ ở của mình.
Hắn đáp: – “Tôi tìm ông suốt cả một buổi chiều hôm qua. May nhờ có vợ tôi mách cho đấy”.
Ông thầy nghĩ: -“Người đàn bà này hẳn là một cô gái thông minh tài trí, ít người sánh kịp”. Hôm đó nhân nhà có giỗ, ông đồ mời hắn ngồi lại ăn cỗ. Hắn ta cắm đầu chén một bữa no nê lại được ông đồ gửi phần về biếu vợ. Nhưng khi trả tiền, ông đồ còn gửi hắn một gói khác bảo đưa cho vợ. Trong đó chỉ có một cục phân trâu ở giữa có cắm một cánh hoa nhài. Hắn ta chẳng hiểu gì cả cứ việc cầm lấy về nhà.
Người vợ trông thấy, hiểu ý ông thầy muốn mỉa mai mình.
Càng ngẫm nghĩ về “gói quà”, nàng càng buồn bực, trách chồng dốt nát. Trong một cơn phiền muộn, nàng chạy ra bờ sông, toan nhảy xuống dòng nước trẫm mình cho rồi một đời.
Lại nói chuyện ông thầy dạy học, sau khi tiễn chân anh chàng bán vải ra khỏi cửa, nghĩ đi nghĩ lại thấy sự trêu chọc ác nghiệt của mình thật là không phải. Ông đâm ra lo câu chuyện đưa tới một kết quả không hay:
– “Không biết chừng người đàn bà ấy phẫn chí liều thân hoại thể thì ta sẽ có tội rất lớn với danh giáo”.
Nghĩ thế, ông đồ bèn đi mượn một cái giỏ đựng cá thủng trôn, rồi mang ra bờ sông cùng với chiếc cần câu làm bộ câu cá. Khi thấy một người đàn bà ngồi trên bờ vắng đang ôm mặt khóc thút thít, ông biết ý vội tiến đến gần, có ý chìa giỏ cho nàng thấy và nói:
– Chị này ngồi tránh đi chỗ khác cho tôi câu cá nào.
Nàng ngước mắt trông lên thấy có một người đàn ông đầu đã hai thứ tóc mà lại mang chiếc giỏ rách đi câu.
Nàng tự nghĩ:
– “Người nào đây ngu quá là ngu. Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”.
Rồi nàng kết luận:
– “Vậy ra chồng mình vẫn còn có những chỗ hơn người”.
Nghĩ vậy, nàng bỏ ý định tự tử mà trở về nhà.
Như vậy, trí thông minh là chủ đề lớn trong truyện cổ tích, khẳng định vẻ đẹp của người dân Việt Nam, tuy là những con người chân lấm tay bùn, song lại có sự thông minh khiến người khác phải nể phục. Con người Việt Nam nhỏ bé nhưng trí tuệ thì không thua kém bất cứ đất nước hùng mạnh nào.
Xem thêm:
Các tìm kiếm liên quan đến truyện cổ tích về trí thông minh
Những câu chuyện về nhân vật thông minh, Những câu chuyện cổ tích về Trí thông minh, Những câu chuyện thể hiện trí thông minh, Truyện hay về trí thông minh, Những nhân vật thông minh trong truyện cổ tích, Truyện về trí thông minh, Cô bé thông minh Truyện cổ tích