Trường Học Hay Trường Đời – 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

Mỗi cuốn sách, mỗi tác phẩm đều mang một dáng vẻ, một tâm hồn khác nhau; nhưng ở Trường học hay trường đời, sau đây là 4 điểm nổi bật làm nên 1 tác phẩm mà tôi vô cùng tâm đắc và tôi cũng sẵn sàng hết lòng để review lại cho các bạn độc giả. Trước hết, sự chân thành – đó là điều hấp dẫn tôi nhất và cũng là điều khiến tôi nể phục và tâm đắc nhất về cuốn sách, về tác giả và về TS. Lê Thẩm Dương.

Bạn đang đọc: Trường Học Hay Trường Đời – 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

Trường Học Hay Trường Đời - 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

Lời nói đầu

Vì là một nhà báo đã có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò và có cơ hội gặp gỡ cũng như làm việc với nhiều người nổi tiếng cả ở trong và ngoài nước, nên nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cũng hay được các bạn sinh viên, phụ huynh hỏi về chuyện hướng nghiệp. Và qua những cuộc gặp gỡ trò chuyện ấy, tác giả đã cho ra đời cuốn sách Trường học hay trường đời, cũng là để nhằm giải đáp cho các bạn sinh viên, phụ huynh về việc chọn nghề, chọn việc và cũng để giúp các bạn sinh viên tự tin vững bước vào tương lai. Nhưng, cuốn sách không chỉ dừng lại ở trường học, mà còn “vượt ngưỡng” đến trường đời; để rồi tác giả chốt lại một câu: TRƯỜNG HỌC hay TRƯỜNG ĐỜI, trường nào thì cũng phải học và học thật nghiêm túc.

1. Quan điểm của tác giả

Cứ đến mỗi mùa thi, là các bậc phụ huynh lẫn các bạn sinh viên đều lo lắng, không biết đỗ hay trượt. Rồi một tâm lý vui mừng tràn về khi các bạn biết tin mình đỗ, nhưng đâu phải ai cũng may mắn và có khả năng như vậy. Có một số trường hợp, lúc học thì rất giỏi, nhưng đến khi thi không may lại thành trượt. Và một tâm lý bất ổn cũng xuất hiện. Rồi gia đình lại sợ con em mình trượt đại học là thất nghiệp nên vội vàng cho con đi du học. Và câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu trượt đại học thì đi du học? Về chuyện này, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cho hay: Đầu tư học hành cho con cái là ưu tiên hàng đầu. Nhưng kênh đầu tư và thời điểm đầu tư thì các bố mẹ cũng cần tính toán cẩn thận. Nếu có điều kiện và con có khả năng (đã bao gồm sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý và kỹ năng sống độc lập) thì đi du học là tốt. Nhưng không phải cháu nào cũng đi du học được. Và thật ra là, cũng có những trường hợp, đi du học về, mà vẫn phải nhờ bố mẹ đi xin việc cho thì thật sự cũng có cái gì đó sai sai.

Có nên khuyên nữ sinh không nên làm chuyện ấy? 18 tuổi, hẳn là các bạn sinh viên cũng phải tự biết và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng thật ra, khi chưa sẵn sàng và chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý và thể chất thì chưa nên để chuyện ấy xảy ra. Và khi đã xảy ra rồi, thì cả hai phải cùng chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đừng vì lỡ làm chuyện ấy mà làm khổ nhau cả đời bằng một đám cưới không tình yêu. Tôi ngẫm thấy lời tác giả nói rất đúng, chúng ta dù có muốn cũng đâu thể ngăn cấm mãi chuyện ấy xảy ra với các bạn sinh viên mới lớn. Nhưng điều quan trọng ở đây là, khi đã làm thì phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Nghĩ đi nghĩ lại thì đúng thế thật, không gì bằng thực chiến! Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh khi còn đang chân ướt chân ráo bước vào nghề, cũng phải tự viết tay hàng trăm, hàng nghìn bài viết và sửa đi sửa lại thì mới có thể trở thành một nhà báo nổi tiếng như ngày hôm nay. Hay ngay cả khi bạn học tiếng Anh cũng vậy, bạn không dám nói Tiếng Anh, thì bạn đâu có thể giỏi lên được. Thế mà nhiều bạn cứ bảo, học mãi mà Tiếng Anh vẫn lẹt đẹt. Sách vở là một chuyện, nhưng thực tiễn còn quan trọng hơn. Vậy mới nói, cứ nhảy vào việc mà làm, không gì bằng thực chiến. Có những điều thú vị mang tính bước ngoặt mà nếu không lao vào làm thì sẽ chẳng bao giờ đến với bạn.

Trường Học Hay Trường Đời - 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

Làm xây dựng, công trình thì phải biết uống rượu? Nhiều người cứ quan niệm cứ là đàn ông, con trai, làm công trình thì phải biết uống rượu để lên bàn ăn mà tiếp khách thì mới ký được hợp đồng đáng giá tỷ đồng. Rồi còn cả quan niệm không biết uống rượu thì khó lên cao lắm! Thế là các bạn sinh viên lại đua nhau đi… tập uống rượu. Nhưng hài một chỗ, là một đối tác nghiêm túc thì họ sẽ quan tâm tới chất lượng công trình đầu tiên. Đây không chỉ là quan điểm của tác giả, mà còn là quan điểm của T.S. Lê Thẩm Dương khi được một bạn sinh viên ngành xây dựng, công trình hỏi: Nếu không uống được rượu thì có làm nghề xây dựng, công trình được hay không?

2. Tự hào về người Việt Nam

Với tình yêu bóng đá, tác giả đã kể một câu chuyện của chính mình, rằng ngày xưa, dù biết con mình thỉnh thoảng vẫn hãy lẻn nhà đi xem bóng đá (vì hồi đấy hầu như cả xóm mới có một cái ti vi), nên mẹ tác giả dù bị bệnh khó ngủ, chỉ cần nghe tiếng động mạnh giữa đêm là mất ngủ cho đến sáng, nhưng bà vẫn giả vờ là ngủ được. Để rồi hết mùa World Cup, cả hai mẹ con đều sụt cân vì không ngủ và mất ngủ. Và mãi đến sau này, tác giả mới biết mẹ âm thầm chấp nhận như vậy để nuôi tình yêu bóng đá trong lòng tác giả. Đấy, thế mới nói, người Việt Nam đáng yêu thế cơ chứ!

Rồi có câu chuyện nhà báo kể, trước đây 9 năm, tác giả và con đến sân vận động Hàng Đẫy để xem bóng đá và cũng mong muốn con làm quen với môi trường đông người. Bình thường hai bố con hay đến trước 45 phút để có chỗ đẹp. Nhưng hầu như lần nào hai bố con đến cũng đều muộn hơn một cặp bố con khác. Ông bố hoàn toàn bình thường, còn cậu con trai mắc hội chứng down. Trong suốt các trận đấu, trong suốt 9 năm qua, ông bố chỉ có một hành động lần nào cũng giống lần nào là khi có bàn thắng, ông lại vỗ vào vai cậu con trai, chỉ tay về phía bảng tỉ số. Còn lại, hai bố con chẳng có giao tiếp gì đáng kể. Lúc cả khán đài nhảy tưng tưng khi có bàn thắng thì ông bố vẫn ngồi im lặng cùng con. Rồi tuần qua, hai bố con tác giả lại đến sân Hàng Đẫy, vẫn thấy hai bố con nọ đang ngồi ở vị trí quen thuộc. Đọc câu chuyện để thấy rằng, thì ra người Việt ngoài tình yêu bóng đá to lớn, còn có cả tình yêu thương vĩ đại của cha con nói riêng, và tình yêu thương giữa người với người nói chung.

Tìm hiểu thêm: Review ”Tĩnh Lặng”: Sức Mạnh Của Sự Tĩnh Lặng Trong Thế Giới Huyên Náo

Trường Học Hay Trường Đời - 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

3. “Di sản” của người quê

Mẹ tác giả xuất phát là một cô giáo dạy Văn, sau đó làm tổ phó, tổ trưởng; rồi phó hiệu trưởng, hiệu trưởng của một trường. Đến lúc bà về hưu, nhưng vẫn có rất nhiều đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đến thăm những dịp lễ, tết. Bà có thể được coi là một biểu tượng phụ nữ lãnh đạo thành công những năm 1980. Bà luôn dặn tác giả: muốn thành công thì hãy nhẫn nhịn, chịu thiệt một chút. Đây là quan điểm sống của mẹ tác giả đã được bà áp dụng triệt để trong cuộc sống và công việc. Để rồi khi tác giả lớn lên, đứng ở vị trí cấp tương đối cao, về thăm bà vẫn nhắc: muốn thành công thì hãy nhẫn nhịn, chịu thiệt một chút… Và đến bây giờ, khi tác giả đã ngoài 40, va vấp cũng đã nhiều thì mới nhận thấy, thực ra mẹ tác giả thành công vì đã kiềm chế được cảm xúc. Tác giả đã kể cho chúng ta về câu chuyện này trong cuốn sách, cũng là để muốn chúng ta tiếp thu, kế thừa quan điểm sống đẹp đẽ ấy.

Hồi tác giả còn đi học, nhà cách trường mấy chục cây số, nên hay phải sang nhà chị con nhà bác họ ăn trưa. Chị rất hiền và quý tác giả. Nhưng vì ăn lại nhiều hôm ở nhà chị, tác giả cũng thấy ái ngại. Và như đọc được suy nghĩ ấy, chị đã bảo với tác giả: “Cậu cứ tập trung vào học cho tốt, sau này cậu thành đạt, được lên ti vi, chị nhìn thấy là coi như chị được trả công”. Kể từ lần đầu tiên chị nhìn thấy tác giả trên ti vi đến thời điểm hiện tại, chị đều rất vui sướng, nhớ lại từng chi tiết, thời điểm phát sóng và kể lại vanh vách mỗi lần thấy tác giả. Đôi khi, hạnh phúc đối với những người quê lại vô cùng giản dị đến thế.

Rồi đến chuyện về Tình đầu Bolero. Đầu những năm 1990, khi cả xóm đều chỉ có một chiếc cát-xét Tàu chạy bằng ắc quy thì những bài hát bolero được coi là bài “kinh điển” gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Bởi lẽ, cứ đến 6g sáng là cả xóm được thưởng thức thứ âm nhạc này. Và bây giờ khi tác giả quay trở lại quê nhà, thấy có tiếng nhạc bolero sáng sớm, vẫn bị đánh thức bởi những bản nhạc kí ức một thời. Đó phải chăng là những dấu ấn không thể nào quên của những người sống vào năm 1990 chứ không chỉ của riêng tác giả?

Trường Học Hay Trường Đời - 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

4. Viết bằng tình yêu, sự chân thành

Đây là điều mà tôi thích nhất trong cuốn sách bởi với tình yêu, người ta có thể làm được những điều không tưởng. Khi có một anh bảo vệ với tình yêu TS Lê Thẩm Dương to lớn, nên đã sẵn sàng đọc hết cuốn sách 300 trang trong vòng hai ngày, mà càng đọc lại càng say, càng ngấm. Mà chính anh bảo vệ cũng bảo không thể tưởng tượng được sẽ có ngày mình đọc hết một cuốn sách dài như vậy. Đúng là với tình yêu, người ta có thể làm được những điều không tưởng.

Thế nào là sống đẹp? Ở một số nước, gặp người bị tai nạn, người đi đường cũng dừng lại giúp đỡ, nhưng công an hay xe cứu thương đến thì họ sẽ đứng tản ra để bác sĩ, cảnh sát tiếp cận nạn nhân. Còn ở mình thì ngược lại, gặp người bị nạn, người đi đường sẽ xúm lại, cảnh sát, bác sĩ cũng khó mà giải tán được đám đông đó để tiếp cận nạn nhân. Ôi nhưng cũng đừng chê trách người Việt Nam vội! Người Việt Nam tốt bụng chứ, nhưng chúng ta quen hành xử theo cách, gặp những chuyện như này thì mỗi “đồng chí dân” là một “anh công an”. Thành thật mà nói, đúng là có một số vụ được xử lý nhờ “đồng chí dân” cũng êm thấm và có tình thật. Nhưng nếu có tri thức (pháp luật, y tế…) để xử lý nữa thì sẽ tốt hơn, hành động đã đẹp còn đẹp hơn.

Dù là người Việt Nam hay người nước nào thì bên trong cũng đủ cả: Một anh Đường Tăng, một anh Tôn Ngộ Không, một anh Sa Tăng, một anh Trư Bát Giới. Nhờ học hành, trải nghiệm mà biết làm cho anh nào trội hẳn lên, anh nào mờ đi; hay biết đẩy anh này lên, dìm anh kia xuống cho khoa học, hài hòa, phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Tôi quan niệm sống đẹp chỉ có ba yếu tố: Sống làm người, sống làm công dân (là sống tuân thủ luật pháp, ra đường không vượt đèn đỏ, làm sai thì phải “sorry”…) và lao động chăm chỉ. Đằng sau thành công bao giờ cũng có bóng dáng của lao động.

Sức mạnh của “cảm ơn”, “xin lỗi”. Thực ra lúc đầu, tôi phân vân không biết có nên cho phần này vào mục 4 hay không. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, thì thấy rằng một câu cảm ơn, xin lỗi chân thành cũng sẽ khiến chuyện đang to cũng có thể biến thành bé. Và bởi vì sức mạnh nó “khủng khiếp” như vậy, nên tôi sẽ dành đến cuối bài để cho nó “kịch tính”.

Xin lỗi và cảm ơn, theo tác giả là biểu hiện cao nhất của tính người, vì nó là biểu hiện cao nhất của ý thức. Người biết dụng hai chữ “cảm ơn”, “xin lỗi” thì làm việc thuận lợi vô cùng. Bởi đây là hai chữ dễ chiếm được cảm tình của người đối diện nhất, dễ thỏa mãn được người đối diện về cảm xúc nhất. Tuy nhiên, cảm ơn không đúng cách, xin lỗi không đúng cách cũng không được, phản tác dụng ngay. Cảm ơn, xin lỗi đúng, đầu tiên phải chân thành. Một lưu ý nữa là, để lời cảm ơn, xin lỗi được chấp nhận, phát huy hiệu quả tuyệt đối thì những lời ấy cần được bày tỏ đúng mức độ. Và cuối cùng, cần phải biết kết hợp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (ánh mắt, nụ cười).

Trường Học Hay Trường Đời - 4 Điểm Nổi Bật Làm Nên Một Tác Phẩm Tuyệt Vời

>>>>>Xem thêm: Review sách Không diệt, không sinh đừng sợ hãi – thiền sư Thích Nhất Hạnh

Lời kết

18 tuổi? Hay 22 tuổi? Đâu là độ tuổi của trường học? Của trường đời? Đứng trước ngưỡng cửa tự lập, chúng ta vẫn luôn mông lung, băn khoăn không biết sống một cuộc đời như thế nào, cho sau này và cho tương lai. Lời khuyên tôi muốn dành ra cho các bạn là Hãy – sống – cuộc – sống – hiện – tại. Sống tràn trề, sống hạnh phúc, hiểu bản thân, bạn rồi sẽ tìm thấy bạn! Và cuối cùng, mượn lời tác giả tôi muốn gửi gắm đến các bạn: Trường học hay trường đời, trường nào thì cũng phải học và học thật nghiêm túc.

Review chi tiết bởi: Minh Trang – Bookademy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *