Phố Nhà Thờ: Hành Trình Nhận Thức Bản Thân Và Lựa Chọn Sống Của Con Người

Trong cuộc đời của mình, bạn đã từng đưa ra một quyết định liều lĩnh nào hay chưa? Bạn có dám từ bỏ tất cả để bắt đầu một cuộc sống mới tại một xứ sở xa lạ mà bạn mới chỉ nghe tên và biết đến thông qua google hay không? Chắc hẳn sẽ rất khó để bạn đưa ra được quyết định mạo hiểm đó. Thế nhưng, anh chàng Nicolas trong cuốn tiểu thuyết Phố Nhà Thờ của tác giả Marko Nikolic lại dám làm như vậy. Anh quyết định đặt chân đến Hà Nội-một vùng đất có khoảng cách địa lí rất xa nước Pháp- nơi anh đang sống và làm việc, rời xa gia đình, rời bỏ công việc cũ, bỏ lại sau lưng chuyện tình yêu cũ để một lần trong đời trải nghiệm cảm giác phiêu lưu và thử sức mình. Tưởng chừng như đó là một quyết định điên rồ, nhưng chính ở nơi này đã mang lại cho anh cảm giác mới lạ chưa từng có và giúp anh khám phá, học hỏi thêm được nhiều điều thú vị, hay ho, nó cho anh có một góc nhìn khác về cuộc sống, khiến anh chin chắn và trưởng thành hơn.

Bạn đang đọc: Phố Nhà Thờ: Hành Trình Nhận Thức Bản Thân Và Lựa Chọn Sống Của Con Người

Tôi tự nhiên nhớ lại hôm đầu tiên đặt chân tới thành phố này. Lúc đó, Hà Nội trông như một chốn xô bồ, xa lạ, một khu rừng bê tông bẩn thỉu, ầm ĩ gây cảm giác bối rối, khó chịu. Còn bây giờ, nó trông hêt sức quen thuộc, thân thiết, đến nỗi tôi cảm thấy một sự gắn bó vô hình nhưng đậm đà với thành phố này, tôi thấy mình gần gũi, đồng điệu như một người bạn lâu năm mà ta không cần còn giấu giếm gì nữa vì ta đã hiểu hết nhau rồi.

Phố Nhà Thờ: Hành Trình Nhận Thức Bản Thân Và Lựa Chọn Sống Của Con Người

Tác giả của cuốn sách là Marko Nikolic, anh sinh năm 1987 tại Sebria, là thạc sĩ trong lĩnh vực giảng dạy từ đại học Belgrade, Sebria và đại học Latvia. Có lần anh tâm sự rằng mình là một con người bình thường, không có chỉ số IQ cao, không sống trong một gia đình khá giả,  là một người ít nói, hướng nội. Để có được như ngày hôm nay, anh đã dành rất nhiều thời gian học ngoại ngữ và đọc thêm sách hằng ngày để mở rộng thêm vốn kiến thức, kĩ năng. Nhờ sự chăm chỉ nỗ lực không  ngừng đó mà Marko đã đi được hơn 70 nước trên thế giới dù chẳng có nhiều tiền, sử dụng thành thạo bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Nga và tiếng Việt dù không có xu nào để học. Năm 2014, anh quyết định dừng chân ở Việt Nam và chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Anh viết sách từ năm 14 tuổi và đã từng ra mắt hai cuốn sách tại châu Âu, cuốn tiểu thuyết Phố Nhà Thờ là cuốn sách thứ ba, được viết bằng tiếng Việt. Khi đọc cuốn sách, người đọc sẽ nhận ra được những giá trị, những bài học, triết lí về cuộc đời mà tác giả gửi gắm. Đó không phải là điều gì quá khó hiểu mà chỉ là những suy ngẫm về cuộc sống đời thường, chỉ là cách nhìn của một người nước ngoài về Việt Nam ra sao, cách chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề như thế nào,… Tất cả câu trả lời sẽ có trong câu chuyện xoay quanh cuộc sống anh chàng Niko sau khi đặt chân đến đất nước Việt Nam.

Hãy học cách lắng nghe và chấp nhận.

Mở đầu cuốn sách là khung cảnh Niko đáp máy bay hạ cánh xuống Hà Nội, anh thực sự rất ngạc nhiên vì Hà Nội mà anh tận mắt nhìn thấy khác xa hoàn toàn so với Hà Nội trong trí tưởng tượng của anh. Lúc còn ở Pháp, anh nghĩ Hà Nội vẫn còn là một nơi cổ kính, xưa cũ với những tòa nhà có kiến trúc thực dân và người đi xe đạp đội nón lá.  Bây giờ trước mắt anh là những biển hiệu to tướng, những chiếc xe di chuyển loạn xạ, đường phố đông nghịt người. Rồi rất nhiều sự vật, sự việc khác hiện ra khiến anh càng thêm phần ngạc nhiên: khi đến Phố đường tàu, anh không hiểu tại sao mọi người lại uống cà phê và tạo dáng chụp ảnh trên đường tàu, anh trố mắt lên khi nhìn thấy một bà cụ già bán keo dính chuột để mưu sinh, một cảnh tượng chưa hề bắt gặp ở quê mình, anh thấy việc đeo khẩu trang ở đây là điều hết sức bình thường, nhưng đeo khẩu  trang ở trên đường phố châu Âu là một điều hết sức ngớ ngẩn, mình sẽ bị coi là kẻ lập dị, anh sốc khi nhìn thấy mọi người bỏ đá vào cốc bia vì bia không lạnh,.. Niko choáng ngợp, bất lực và tự hỏi rằng: “Tôi đang làm cái quái gì trên xứ sở này vậy?”, mình sẽ ra sao khi sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, với nền văn hóa khác biệt hẳn với văn hóa  Pháp, văn hóa phương Tây?

Ban đầu trong mắt anh, Hà Nội toàn những điều ngớ gẩn, quái lạ, dị thường, anh không thích những điều đó. Nhưng sau khi tỉnh táo, ổn định lại tinh thần, anh tiếp tục đi khám phá Hà Nội, vẫn là những xúc cảm ngạc nhiên nhưng xen vào đó là một chút thích thú, Những món ăn ngon nổi tiếng Việt Nam như phở, cà phê phin, những con người Việt Nam thân thiện, dễ gần khiến cho anh suy nghĩ lại và cảm thấy thành phố này cũng không tệ chút nào. Anh bắt đầu làm quen và dân thích nghi được nó. Có lẽ do sự khác biệt về nền văn hóa Đông-Tây cộng thêm lần đầu đặt chân tới một đất nước xa lạ, con người ta chắc hẳn sẽ không khỏi rụt rè, lo sợ. Cho nên, tâm trạng của Niko trở nên như vậy cũng là điều dễ hiểu, những cái gì mới mẻ thường không mấy dễ để chúng ta thích nghi và hứng thú với nó ngay từ lần tiếp xúc ban đầu. Tuy nhiên, nếu ta biết quan sát, lắng nghe, học cách vui vẻ chấp nhận nó, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị, hay ho chưa từng có và nó sẽ làm cuộc sống chúng ta bớt nhàm chán hơn rất nhiều.

Tôi dần nhận ra đất nước này như một kho báu chứa đựng những điều tuyệt vời, những trải nghiệm vô giá dành cho những ai sẵn sàng và đủ can đảm chìa tay ra đón nhận. Và ý nghĩ đó, như một phép lạ, trong một tích tắc đuổi hẳn cảm giác e dè ra khỏi lòng tôi.


Tìm hiểu thêm: Review Sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc

Phố Nhà Thờ: Hành Trình Nhận Thức Bản Thân Và Lựa Chọn Sống Của Con Người

Hãy học cách đồng cảm và chia sẻ với người khác.

Nếu chúng ta ích kỉ, luôn luôn chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không học cách đồng cảm và chia sẻ, rất có thể vô tình ta sẽ làm tổn thương người khác. Giống như câu chuyện tình yêu giữa Trà My và Niko vậy. Để đến sau này, khi chia tay với cô, anh cảm thấy rất hồi hận, đau đớn vì đã không hiểu cô, đã đánh mất tình yêu quý giá này.

Cuộc sống của Niko cứ thế tiếp diễn cho đến khi anh gặp Trà My-một cô gái anh tình cờ quen ở Cirkle-K. Có thể nói, đây là nhân vật quan trọng, là nhân tố quyết định tới sự thay đổi nhận thức của Niko. Nhờ cô gái ấy mà Niko đã nhận ra được bản thân mình cần gì, muốn gì, mình là người như thế nào, cô giúp anh thức tỉnh và nhận ra những ưu khuyết điểm trong con người mình. Cô gái ấy có một điểm đặc biệt thu hút anh, khác hẳn những cô gái mà anh từng gặp như Trang, Vy, họ nhạt nhẽo, buồn tẻ,…Cô hài hước, trẻ con. Cô không thích đến những nơi ồn ào, náo nhiệt, cô thích trà chanh, thích chó mèo,…Cô yêu anh theo một cách riêng-giản dị, chân thành. Niko cảm thấy khá thoải mái, dễ chịu khi được ở bên canh cô. Thế nhưng, Niko lại rất ích kỉ trong tình yêu, anh không vì cô, không muốn sẵn sàng trong một mối quan hệ nghiêm túc. Dần dần, những mâu thuẫn, những đối lập trong suy nghĩ, tính cách, khác biệt về văn hóa đã đẩy hai người dần xa nhau. Những cuộc cãi vã trở nên nhiều hơn. Cuối cùng, sau một khoảng thời gian suy nghĩ, Trà My quyết định chia tay. Anh sững người hóa đá. Trong cuộc nói chuyện giữa Trà My và Niko, những lời kể, lời trách móc của cô đều cho thấy sự thất vọng, khi đặt vào hoàn cảnh người bạn trai không quan tâm đến cảm nhận của mình, người con gái sẽ cảm thấy buồn và cô đơn đến mức nào, hơn nữa, Trà My còn là một cô gái rất nhạy cảm và yếu đuối, tất nhiên cô sẽ không thể chịu đựng được:

Khi em thèm đồ ăn gì đó bình dân hoặc nghe nhạc Việt hoặc ngồi vỉa hè uống trà đào, anh từ chối, bảo là văn hóa Việt không hợp với gu của anh. Thì cũng có một số điểm của văn hóa Tây không hợp với em, ví dụ, em không thích những quán bar Tây, thậm chí không thích rượu vang, nhưng vì anh thích nên em sẵn lòng tìm hiểu những thứ đó để có thể chia sẻ với nhau. Còn nói về văn hóa thì theo nhận xét của em, anh chẳng thích Việt Nam đâu tuy đất nước này mang lại cho anh một cuộc sống sung túc, đầy đủ. Anh không hay ăn đồ ăn Việt, anh không cố gắng học tiếng Việt và không thực sự quan tâm đến những vấn đề của người Việt. Thay vào đó, anh thà đi chơi cùng các bạn Tây ở những chỗ dành cho người Tây. Anh giống hệt những người bạn đầu trọc Pháp của anh: mê bàn luận phê phán, mê chỉ trích Việt Nam về đủ thứ dù bản thân chẳng muốn chủ động để thay đổi, giải quyết gì. Hai anh đều thích kêu ca, than vãn về cuộc sống ở Việt Nam mà bản thân có cuộc sống chẳng gắn liền với Việt Nam chút nào, nên các anh đầy định kiến.

Mật khác, chính sự ích kỉ vô tâm của mình nên anh và những người bạn của anh không hiểu con người Việt Nam, không thấy những mặt tốt đẹp ở nơi đây mà chỉ toàn thấy những mặt tiêu cực, xấu xí. Bạn sẽ cảm thấy không vui chút nào khi nhân vật Loris nói về Việt Nam. Anh ta là một người Pháp sống ở đây đã bốn năm rồi, anh ta biết rất rõ về nơi này và có một suy nghĩ, sự trải đời sâu sắc, anh ta biết đồ ăn của Việt Nam rất rẻ,  nhưng tiền nào của nấy, rẻ tức là không đảm bảo vệ sinh, anh ta biết lí do tại sao người Việt lạ thân thiện với khách Tây là vì người Việt sính ngoại, mê Tây, cảm thấy tự ti và thấy bị lép vế về giá trị. anh ta còn dặn Niko phải rời khỏi phố cổ và thuê nhà ở khu vực tử tế kết nối với nhiều người nước ngoài để sinh sống, phải kết nối với cộng đồng expat tại thủ đô. Đừng sống một cuộc sống theo cách người bản địa. Thực chất, những điều mà anh ta nói với Nikolas đều đúng, nhưng đó chỉ là một phần, là một chiều, phiến diện. Anh ta nhìn đời bằng con mắt duy lí, áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác mà không hiểu cho họ. Điều đó khiến cho Loris không bao giờ có thể tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống.

Học cách trưởng thành sau những nỗi đau

Có những nỗi đau khiến con người ta trở nên tệ hại, nhưng có những nỗi đau lại khiến con người ta trưởng thành hơn rất nhiều. Điểm căn bản của sự khác nhau đó  là chúng ta có biết cách vượt qua nó hay không. Nếu chúng ta vượt qua những nỗi đau ấy, ta sẽ trở nên bản lĩnh hơn. Nhưng để thực hiện được điều đó là cả một quá trình không hề dễ dàng, chúng ta phải nghị lực và cố gắng gấp vạn lần.

Sau khi chia tay Trà My, anh trượt dài trong những nỗi buồn, bỏ mặc bản thân mình, mất đi sự tự tin vốn có, anh cãi vã với Loris, ngụp lặn trong rượu, tìm kiếm niềm vui từ những cô gái khác, anh cảm thấy tình trạng của mình ngày càng trầm trọng hơn. Những tưởng không thể vượt qua được, thế rồi, sau chuyến đi phượt ngẫu nhiên ở Pù Luông, nhìn thấy cảnh đẹp của thiên nhiên, anh có dịp suy ngẫm lại cuộc đời mình và nhận ra rằng: “Tiêu tiền quá độ không mang lại ý nghĩa cuộc sống, trái lại nó làm tôi trở nên ích kỉ với cuộc sống xung quanh”, anh muốn thay đổi và bắt đầu lại từ đầu, bỏ lại những nuối tiếc sai lầm ở phía sau. Anh thay đổi cách quản lí tài chính, học tiếng Việt, chú ý lắng nghe những điều bình dị xung quanh, tạo dựng mối quan hệ với người khác. Dần dần, anh trở nên lạc quan và học được nhiều điểu mới mẻ trong cuộc sống.

 Trên thế giới này có rất nhiều người theo chủ nghĩa khoái lạc và muốn hưởng thụ bất kể mọi giá. Họ theo đuổi những quan hệ thể xác, đồng thời trốn tránh trách nhiệm và sự gắn bó lâu dài. Nhưng với tôi ham muốn hưởng thụ không được gọi là mục đích của cuộc sống.

Học cách nhìn nhận vấn đề.

Phố Nhà Thờ dạy các bạn trẻ cần phải biết cách nhìn nhận vấn đề một cách kĩ lưỡng, các bạn trẻ đôi khi luôn đặt cái tôi quá cao, muốn mọi việc được thành công nhanh chóng mà không chịu suy xét kĩ vấn đề. Chính vì vậy, họ luôn mắc sai lầm và gặp phải thất bại, Niko cũng vậy, là người trẻ tuổi lần đầu kinh doanh với một bầu nhiệt huyết mong muốn được thành công và giúp cuộc sống người dân trở nên xanh sạch hơn, anh dốc sức mình làm việc không kể ngày đêm mệt mỏi. Nhưng nó cũng không đem lại cho anh kết quả đáng mong đợi, người dân không chịu mua sản phẩm máy lọc không khí của anh, anh thất vọng một phần vì thua lỗ, một phần vì thái độ hẹp hòi của người dùng, Anh quá mệt mỏi với cuộc sống ở đây và quyết định lấy vali trở về Pháp. Bỗng anh nhìn thấy nấm mốc bao phủ khắp bề mặt vali, lí do khiến cho anh bị viêm mũi dị ứng. Anh bắt đầu hiểu rằng vấn đề kinh doanh gặp thất bại là do mình đã nhìn nhận vấn đề sai cách, anh luôn áp dụng những lí thuyết hão huyền vào trong thực tế mà không quan tâm tới sự khác biệt về văn hóa, khoảng cách địa lí, không thấu hiểu tâm lí người dân.

Tôi chưa biết đến tận cùng nhưng giờ tôi hiểu rằng thực tế này phức tạp hơn nhiều và không chỉ hai màu đen trắng như mình từng tưởng. Tôi phải tìm hiểu thêm thực tại thay vì đưa ra những kết luận hấp tấp.

Anh chợt hiểu ra rằng:

Chúng ta tin cậy, dựa dẫm quá nhiều vào góc nhìn và nhận thức của bản thân dù nó không ổn định, dễ biến động, không vững vàng. Về bản chất, nhận thức và góc nhìn của ta đều tương đối nhưng chúng ta cho rằng nó là sự thật tuyệt đối và để nó chi phối cả cuộc đời ta.Bao nhiêu khổ đau, bi kịch trong đời bắt nguồn từ quan niệm sai lầm này.

Phố Nhà Thờ: Hành Trình Nhận Thức Bản Thân Và Lựa Chọn Sống Của Con Người

>>>>>Xem thêm: Tổng Hợp Những Cuốn Sách Dạy Làm Bánh Hay Nhất 2020

 

Lời kết

Marko từng nói: “Mục tiêu của văn học là gạt bỏ những ảo tưởng của cuộc sống để đối mặt với sự thật”. Không chỉ kể về tình yêu đơn thuần, Phố Nhà Thờ còn là một câu chuyện chiêm nghiệm về cuộc sống, về sự thật đời thường. Những nét đẹp của Việt Nam, sự va chạm văn hóa Đông Tây, những lần mắc sai lầm, những suy ngẫm, triết lí chứa đựng trong đó tất cả đều được kể bằng một giọng điệu chân thật, mộc mạc. Điểm đặc biệt của cuốn sách là nó được viết bằng tiếng Việt bởi một người nước ngoài, điều đó chứng tỏ tác giả là người am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam và dành cho nơi đây tình cảm yêu mến rất nhiều. Hãy đọc cuốn sách, chắc hẳn bạn sẽ rất thích thú khi nhìn thấy một phần hình ảnh của bản thân mình trong đó. 

Tác giả: Thanh Hằng – Bookademy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *