Cảm xúc đưa con người đến vô vàn trạng thái khác nhau trong cuộc sống, điều này có thể làm phong phú hơn trong đời sống tinh thần nhưng để trở thành cá nhân xuất sắc, xoay chuyển những tình huống khó khăn, xây dựng những niềm tin vững chắc với các đồng nghiệp thì việc làm chủ cảm xúc như một yếu tố quan trọng đối với tất cả chúng ta. Cuốn sách “EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc” sẽ giúp bạn đọc biến cảm xúc thành người bạn đồng hành trên mọi sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Bạn đang đọc: Review sách EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc
Giới thiệu về sách
Tâm lý của mỗi cá nhân, và chất lượng các cuộc giao tiếp giữa người với người đang bị tổn thương trong xã hội hiện đại nhiều áp lực. Trong bối cảnh này, chỉ số EQ – hay chỉ số trí tuệ xúc cảm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Biết cách làm chủ cảm xúc của mình, bạn sẽ nắm được chìa khóa để nâng cao chất lượng công việc, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và nuôi dưỡng nội tâm mạnh mẽ.
Cuốn sách “EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc” được chia làm 9 chương:
Chương 1) Từ lý thuyết đến thực hành
Chương 2) Trong tầm kiểm soát
Chương 3) Thiết lập thói quen
Chương 4) Viên kim cương thô
Chương 5) Sự thật về đồng cảm
Chương 6) Sức mạnh của tầm ảnh hưởng
Chương 7) Xây dựng cầu nối
Chương 8) Góc khuất cảm xúc
Chương 9) Tiến về phía trước
Cảm nhận về sách
Trí tuệ xúc cảm là gì?
Trí tuệ xúc cảm là khả năng kiểm soát cảm giác và cảm xúc của bản thân cũng như người khác, phân biệt được các loại cảm xúc và sử dụng chúng để điều chỉnh suy nghĩ và hành động của mình.
Cuốn sách “EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc” sẽ giúp bạn đọc hiểu, phân biệt được các loại cảm xúc, điều chỉnh suy nghĩ và hành động của chính mình. Cuốn sách mang tính nghiên cứu rất kỹ lưỡng cùng những giải thích, bài tập ứng dụng thực tế rất dễ hiểu.
4 khả năng của trí tuệ cảm xúc
Tự nhận thức là khả năng phân biệt, thấu hiểu được cảm xúc và tác động của chúng đến bản thân.
Tự kiểm soát là khả năng quản lý cảm xúc giúp bạn hoàn thành công việc, tiếp cận mục tiêu và mang lại lợi ích.
Nhận thức xã hội là khả năng tiếp cận chính xác những cảm xúc của người khác và nhận ra cách chúng tác động đến hành động.
Quản lý mối quan hệ là khả năng tận dụng tối đa các mối quan hệ của bạn với mọi người.
Tìm hiểu thêm: Những lời đồn ngăn bạn đến với youtube
Tập trung kiểm soát suy nghĩ
“Cảm xúc có tác động rất lớn đến hành vi của chúng ta. Đó là lý do vì sao khả năng kiểm soát cảm xúc và điều chỉnh hành vi cực kỳ quan trọng”
Cảm xúc là một trong những chất xúc tác khiến cuộc sống của con người trở nên thú vị hơn, việc kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc không phải là kìm nén bản thân mà là việc bạn có thể tập trung kiểm soát những suy nghĩ xảy đến với mình để không phải nói hay làm ra những hành động khiến bản thân sau đó phải hối tiếc. Tác giả Justin Bariso đưa ra những phương pháp giúp bạn đọc điều chỉnh được phản ứng cảm xúc của mình.
1. Tạm dừng
Mỗi một thói quen tích cực đều cần có một khoảng thời gian nhất định để hình thành, tâm trí chúng ta vốn đã hoạt động như một thói quen phản xạ tự nhiên từ những hoạt động lặp đi lặp lại hàng ngày chính vì thế để học cách điều chỉnh được phản ứng của cảm xúc thì áp dụng thói quen “tạm dừng” là vô cùng cần thiết. Thay vì mặc nhiên để cảm xúc chi phối, bạn có thể bật chế độ tạm dừng khoảng 10 giây để cân nhắc các quyết định mà mình sắp sửa đưa ra, lâu dần thói quen cân nhắc kỹ lưỡng trong các hành động sẽ dần thay thế thói quen phản ứng một cách tự nhiên của chính bạn.
2. Âm lượng (Volume)
Tông giọng thay đổi dễ dàng bị lệ thuộc vào cảm xúc hiện tại, việc chú ý đến âm lượng nhằm điều chỉnh sự bình tĩnh và tự chủ cũng là một kỹ năng cần được bạn rèn dũa.
3. Im lặng (Mute)
Nếu cuộc trò chuyện với ai đó trở nên “quá cảm xúc” và bạn cũng không thể rời đi được thì tốt nhất bạn nnê chuyển sang chế độ im lặng. Nghĩa là, hãy ngừng nói chuyện.
Giữ im lặng là một cách để bạn có thể điều chỉnh cảm xúc một cách tốt hơn.
4. Ghi âm (Record)
Ghi âm nghĩa là tập trung lắng nghe để tìm hiểu nhiều hơn về quan điểm của người khác. Một trong những sai lầm rất nhiều người mắc phải chính là lắng nghe chỉ để phản hồi hay có những phán xét nhất định trong quá trình đối phương đang nói. Kỹ thuật nghe để thấu hiểu ít được chú trọng vì chúng ta chỉ dùng tâm trí để lắng nghe một cách máy móc chứ không dùng sức mạnh của cảm xúc để có thể thấu hiểu đối phương.
5. Tua lại (Rewind)
Trước khi trao đổi một vấn đề nhạy cảm, hãy suy nghĩ thật kỹ về thời gian, địa điểm trò chuyện. Mục đích cuộc đối thoại cũng phải hợp tình hợp lý.
6. Tua nhanh (Fast-forward)
Trong trường hợp bạn cảm nhận được sự mất quá giới hạn trong hành động (bị cảm xúc chi phối) hãy lùi lại một bước để suy nghĩ về hậu quả ngắn hạn cũng như dài hạn của hành động đó. Ngược lại, nếu bị cảm xúc lấn át khả năng phán xét, đưa ra quyết định của bạn lúc đó chẳng hạn như những đòi hỏi không chính đáng của “cái tôi”, những dòng suy nghĩ làm gián đoạn thời gian làm việc của bạn thì hãy tua nhanh khoảnh khắc này.
7. Xem trước (Trailer)
Nếu bạn đang phải vật lộn hòng tìm kiếm động lực để bắt đầu, hãy dành ra chỉ năm phút làm thử việc đó.
Có những nhiệm vụ khó khăn, gây nên cảm xúc lo âu cho bản thân,… lúc này hãy dành ra năm phút để thực hiện thử nhiệm vụ đó. Điều này có thể phần nào giúp bạn khắc phục được những cảm xúc tiêu cực.
Hãy tìm viên kim cương của bạn
“Những góp ý từ bên ngoài sẽ giúp bạn nhìn nhận được bản thân qua các lăng kính khác nhau và phát hiện các điểm mù. Nó còn giúp bạn biết cách tối ưu hóa thế mạnh và giải quyết triệt để các nhược điểm của mình”
Những lời nói góp ý mang tính tiêu cực từ người khác về phía mình luôn là yếu tố dễ khiến cảm xúc cáu giận trong ta xuất hiện nhưng để phát triển bản thân, tất cả chúng ta buộc phải lắng nghe những lời nói có chút khó nghe này. Khả năng tự nhận thức bên trong là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi cá nhân thế nhưng để phát triển bản thân thì mỗi kỹ năng tự nhận thức bên trong là chưa đủ mà khả năng tự nhận thức bên ngoài để gia tăng sự đồng cảm, kết nối đến các mối quan hệ xung quanh, hoàn thiện những khuyết điểm của bản thân cũng là một loại sức mạnh mà bạn nên có. Để gọt dũa viên kim cương cuộc đời bạn một cách hoàn mỹ, hãy kiên nhẫn lắng nghe những lời góp ý để có thể xây dựng thói quen chủ động lắng nghe, chủ động phân tích cá nhân để thay đổi một cách hợp lý thay vì phản xạ như bản năng. Quan trọng nhất là, cách ta hình thành những thói quen là một yếu tố khác tác động đến việc lập trình cá nhân.
Cách xây dựng đồng cảm nhận thức
Mỗi một người bạn giao tiếp đều có những tính cách, góc nhìn khác biệt trong cuộc sống chính vì thế nếu chỉ dùng một kiểu giao tiếp căn bản để nói chuyện với tất cả họ là điều vô cùng sai lầm. Sẽ thật là thiếu xót nếu bạn bỏ qua bước đầu tiên của giao tiếp chính là tìm hiểu về đối phương, về những quan điểm của họ. Những câu hỏi liên quan đến thông tin cơ bản, cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn khác với họ như thế nào,… cần được chúng ta để tâm trước bất cứ cuộc trò chuyện với một ai đó. Để có được sự đồng cảm trong nhận thức với mọi người không phải là một điều dễ dàng, nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng nhỏ như lắng nghe sâu, cách đánh giá về tầm ảnh hưởng của những tình huống mà đối phương gặp phải, kiến thức về những vấn đề có liên quan,…Những thành kiến nhất định tồn tại bên trong tâm trí, kinh nghiệm của bản thân vừa là công cụ để bạn có thể có những hiểu biết nhất định nhưng nếu không cẩn thận chúng cũng có thể biến thành rào cản của đồng cảm. Bạn phải chấp nhận sự hạn chế trong tầm nhìn trong nhiều trường hợp bạn không thể hiểu rõ được những vấn đề của đối phương. Những gợi ý về giải pháp dành cho đối phương cũng cần được bạn chia sẻ một cách hợp lý với từng đối tượng và đừng xem nó là “tuyệt đối”, đơn giản là hãy cứ làm điều bạn có thể để giúp đỡ họ.
Cảm nhận của độc giả
“EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc là kim chỉ nam của trí thông minh cảm xúc, là cẩm nang hướng dẫn đầy hữu ích và kích thích tư duy để bạn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn, một con người tốt hơn” – Jeff Haden, tác giả cuốn sách The Motivation Myth (tạm dịch: Những nhầm tưởng về động lực)
“Hiểu được vai trò của cảm xúc trong công việc và kiểm soát chúng một cách khôn khéo chính là chìa khóa dẫn tới sự thành công của doanh nghiệp. Cuốn sách tuyệt vời này đã giải thích căn nguyên của việc đó và trình bày chính xác cách thực hiện. – Alexander Kjerulf, Giám đốc Quản lý Hạnh phúc (Chief Happiness Officer) của công ty Woohoo
“EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc là cuốn sách gây sự chú ý với rất nhiều thông tin uyên bác và thực tế. Dù đây là cuốn sách đầu tiên hay cuốn sách thứ năm bạn đọc về Trí tuệ xúc cảm, bạn cũng sẽ khai phá được những nhận thức mới mẻ, thôi thúc hành động mà bạn có thể áp dụng từ hôm nay.” – Kevin Kruse, nhà sáng lập và CEO của LeadX và tác giả cuốn sách Employee Engagement 2.0 (tạm dịch: Dấn thân của nhân viên 2.0)
Trích dẫn hay từ sách
- Trí tuệ xúc cảm là khả năng khiến cảm xúc trợ giúp thay vì chống lại bạn.
- Bạn có thể không nhận thấy khi nào việc này xảy ra, nhưng bị “đối xử tệ bạc” đôi khi là điều tuyệt vời nhất trên thế giới. (Walt Disney)
- Đồng cảm là cảm giác “trái tim tôi cũng cảm nhận được nỗi đau bạn đang chịu đựng”.
>>>>>Xem thêm: Buổi Sáng Diệu Kỳ Dành Cho Sinh Viên: Biến Đại Học Thành Năm Tháng Thanh Xuân Rực Rỡ
Lời kết
Thành công bắt nguồn từ sự lựa chọn hành động ban đầu của mỗi người, chúng ta có thể biến cảm xúc thành tên đầy tớ đầy đắc lực để hỗ trợ mình trong công việc, sự giao tiếp với các mối quan hệ hoặc sống một cuộc đời không có chiều sâu trong cảm xúc, mặc cho sự chi phối của bản năng để rồi trở thành nô lệ của cảm xúc. “EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc”, cuốn sách nền tảng cho sự phát triển của mỗi chúng ta.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này của Sách Hay 24H, hy vọng bạn sẽ ủng hộ Sách Hay 24H ở những bài viết tiếp theo nhé.
Review bởi Dương Hà