Hai bảy mười ba

Ngày xưa, ở huyện Hà-đông thuộc tỉnh Quảng có hai vợ chồng nhà nọ, chồng quen thói lấn lướt vợ, nhưng vợ cũng không phải tay vừa.

Bạn đang đọc: Hai bảy mười ba

Một hôm nhà có giỗ. Người vợ nấu một nồi chè để cúng. Chè nấu xong, vợ lần lượt múc vào bát. Nhưng vì mâm ở bếp còn bận, nên vợ cứ hai tay hai bát bưng lên cho chồng bày lên bàn thờ. Cứ như thế, vợ lần lượt bưng đến bảy chuyến mới hết. Vợ lẩm bẩm một mình: – “Bảy chuyến vị chi là mười bốn bát”.

Chồng xếp tới xếp lui mấy bát chè vào lòng mâm trên bàn thờ. Cuối cùng thấy thừa một bát, xếp gọn thế nào cũng không để lọt. Bụng bảo dạ: – “Chẳng lẽ lại đặt nó lẻ loi ra ngoài mâm. Thôi, sẵn dịp vắng vẻ không có ai, ta hãy nếm thử, chắc vợ mình cũng chẳng đếm đâu mà biết”. Nghĩ vậy nhân lúc vợ còn loay hoay sau nhà, chồng bèn lấy bát chè thừa đưa ra sau bàn thờ húp lấy húp để. Húp xong, hắn ra bể cạn rửa, rồi đi vào bếp úp cái bát sạch vào rổ. Đoạn trở lên nhà trên làm nốt công việc khác.

Đến chừng cúng xong, bưng mâm chè xuống, người vợ ngẩn ra khi thấy đếm đi đếm lại mấy lần vẫn cứ thiếu một bát chè. Vợ tự hỏi: – “Quái, chắc là chồng ta ăn, hay là trong khi xếp làm đổ mất một. Ta phải tìm cho ra lẽ mới được”. Nghĩ vậy vợ bèn hỏi chồng:

– Tại sao lại thiếu một bát chè?

Chồng làm ra vẻ tự nhiên:

– Ủa, mình bưng lên bao nhiêu thì tôi bày ra bấy nhiêu đó.

Vợ phân trần:

– Tôi bưng lên cả thảy là bảy lần, mỗi lần hai bát, hai bảy mười bốn. Đầu đuôi là thế. Tại sao bây giờ chỉ còn mười ba?

Chồng không ngờ vợ đã có đếm hằn hoi, nhưng chẳng lẽ bây giờ lại nhận là mình ăn thì đâm ngượng. – “Nhận mình ăn cũng chẳng sao, nhưng có nhận thì nhận ngay từ đầu, để đến bây giờ đã muộn”. Bèn làm mặt giận:

– Tôi biết đâu đấy. Hay là mình nghi cho tôi ăn chăng?

Vợ không nhịn được:

– Còn gì nữa. Trong nhà lúc ấy chỉ có tôi với mình, con thì đi vắng. Vậy chẳng lẽ ai vào đây mà nuốt mất bát chè.

Đến đây chồng đỏ mặt tía tai, sừng sộ:

– Mày bảo tao ăn thì tang chứng đâu? À quân này láo!

Nói rồi chồng sấn lại. Vợ không xuống nước, nhất quyết đổ riệt cho chồng ăn vụng. Thế là một cuộc xô xát xảy ra giữa hai người, đi liền theo là mâm bát đổ vỡ, bàn ghế xiêu vẹo. Bữa giỗ vì thế không những mất ngon mà còn thiệt hại cả đơn lẫn kép.

* * *

Thấy mình nắm chắc phần đúng trong tay, không ngờ kết quả lại đến thế, người vợ vừa đau thân vừa giận đời, bèn phát đơn kiện lên quan.

Biết vậy, người chồng từ chỗ hung hăng chuyển sang lo lắng. Hắn nghĩ bụng: – “Nếu nó làm ra chuyện thì chuyến này không những xấu hổ với bà con làng xóm mà rồi đây còn khó ăn khó nói với con cái trong nhà!”. Hắn bèn mang lễ vật lên lo lót quan, xin quan gỡ cho để khỏi “mất mặt”. Nhìn món lễ vật hậu hĩ, quan gật gù:

– Được được, ta sẽ lo cho êm thắm.

Hôm ra trước công đường, sau khi nghe nguyên cáo trình bày, quan phán:

– Giỗ là giỗ ông bà nhà nó, không lẽ nó lại thất lễ với ông bà. Hơn nữa hai bảy không nhất thiết là mười bốn, cũng có khi hai bảy mười ba kia đấy. Này, hãy ngước mắt nhìn những đường đòn tay trên mái công đường mà xem. Mái trước bảy đường, mái sau cũng bảy đường. Vậy mà hai bảy chỉ có mười ba thôi. Đó, cả vợ lẫn chồng hãy mở to con mắt thử đếm xem có đích là hai bảy mười ba không?

Vợ chồng cùng ngửa mặt lên nhìn. Chồng chịu là quan có tài. Nhưng vợ thì còn muốn cãi lại. Quan đập bàn phán tiếp:

– Thánh nhân có nói: “Phu xướng phụ tùy”. Vợ chồng chúng bay hãy dẫn nhau về ăn ở hòa thuận, đừng có bày điều kiện tụng làm cho thiên hạ chê cười. Lần này ta tha cho, lần sau tái phạm ta sẽ phạt nặng.

Nói rồi thét lính đuổi cả vợ lẫn chồng ra khỏi công đường.

Khi họ về đến nhà, bà con xóm giềng tới hỏi thăm. Giữa lúc người chồng hoa chân múa tay có vẻ thích chí, thì người vợ than:

Nực cười ông huyện Hà-đông,

Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba.

Không nghe tan cửa hại nhà,

Nghe thì hai bảy mười ba cực lòng[1].

Người ta còn nói câu tục ngữ: “Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” là do truyện trên mà ra.

KHẢO DỊ

Một dị bản khác cũng kể như trên, duy ví dụ của quan về hai bảy mười ba không phải là những đường đòn tay của hai mái công đường mà là con số đếm được từ tháng Bảy này cho đến tháng Bảy khác. “Đây này”, quan nói, “ta tính cho nghe: tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười, tháng Một, tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu, thángBảy. Đó chúng mày tính lại xem có phải hai lần bảy là mười ba không[2]?”.

[1] Theo lời kể của người Quảng-nam.

[2] Theo Bách khoa, số 357 (1971).

Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

>>>>>Xem thêm: Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhân, nhân báo oán

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *