“Đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?” là câu tôi hay nghe thấy trong hai trường hợp: một là để trấn an và cổ vũ tinh thần cho mấy bạn học sinh vừa thi trượt đại học, hai là câu của mấy sinh viên đi học rồi phải bỏ học giữa chừng, đến cuối cùng cũng chẳng có tấm bằng giắt lưng.
Bạn đang đọc: Trích Sách ”Tuổi Trẻ Hoang Dại”: Đại Học Có Phải Là Con Đường Duy Nhất?
Tôi thuộc dạng thứ hai.
Thú thật thì tôi không có bằng đại học. Ban đầu tôi định viết rằng bản thân “chưa” có bằng đại học, nhưng nghĩ lại, tới giờ đã không còn đủ kiên nhẫn để học và có bằng, nên chỉnh lại thành “không” cho hợp lẽ.
Năm mười tám tuổi, tôi chọn ngành Ngữ văn Anh của trường Đại học Mở, Sài Gòn. Từ năm một vào học đã ý thức được việc gia đình không khá giả gì nên tự thân vận động, đi làm thêm để kiếm tiền. Đến giữa năm bốn thì xin vào được một công ty để làm chính thức, làm tới nỗi say mê quá nên chuyện học bị bỏ lơ. Có mấy môn học hoài không qua được, cuối cùng nản quá nên không lấy được bằng và từ đó đi làm luôn, đến nay vất vả nhiều cũng gọi là có thể tự nuôi sống bản thân và dư được một chút dù bằng cấp đang dang dở.
Nhưng với kinh nghiệm của một người đã không có bằng đại học và vô cùng vất vả để có được công việc cũng như cuộc sống ổn định như hiện tại, tôi thành thật khuyên các bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến quyết định có ngưng việc học đại học hay không cũng như những rắc rối mà việc này mang đến.
Vì sao người ta dễ bỏ việc học đại học?
Thứ nhất, đó là khi bạn thấy trường đại học chẳng còn gì để dạy cho bạn, hoặc đến năm hai, năm ba bạn đã học xong, đọc xong hết tất cả những điều hay ho, cần thiết của các năm sau đó, đã có thể tự sáng chế ra một mạng xã hội mới, một quy trình sản xuất mới, một hình thức kinh doanh mới, một ngành nghề dịch vụ rồi mới áp dụng và thành công. Lý do bỏ học này thường được thấy ở mấy anh thiên tài, tỷ phú thế giới và dĩ nhiên là số lượng rất ít, tám tỷ dân chắc được chừng mấy mươi người. Bạn có thể thuộc nhóm này không?
Thứ hai, đó là vì bạn chọn sai ngành, sai trường, sai đam mê, chọn đại học chỉ vì gia đình muốn bạn học ngành này, đây là ngành mà cả gia tộc đang theo nên học xong đảm bảo có đường tiến thân, có công việc ổn định và lâu dài, cần gì cũng có cô chú dì mợ giúp. Xong đi học mới thấy sao cái môn mình chọn nó chán quá, nó buồn quá, mình thích làm nghệ thuật nhưng gia đình muốn theo ngân hàng, mình muốn được vẽ thì lại cho mình học kiểm toán, rồi cứ vì vậy mà đâm nản, học hoài không qua nổi môn, không tốt nghiệp được rồi bỏ.
Ở lý do thứ hai này còn một phân nhánh nhỏ, đó là vì mô hình giáo dục hiện tại chưa chú trọng đến việc định hướng đam mê và ngành nghề theo sở nguyện nên rất nhiều học sinh đến năm mười tám tuổi, tốt nghiệp xong cũng loay hoay chẳng biết mình thích gì, muốn gì hay sẽ làm gì trong tương lai. Rồi cứ vậy chọn đại một trường để học, có khi chọn vì nghe tên sang chảnh thế, có khi chọn vì thấy bạn mình nó chọn đông, vô học chung với nó cho vui, có khi chọn vì đứa mình thầm yêu trộm nhớ đã chọn, mình vào đó có khi xây được cả một mối tình lãng mạn… có khi chọn vì chọn thôi, chẳng cần đam mê, nên đi càng lên cao càng thấy nản rồi bỏ.
Thứ ba, đang học thì gia đình gặp biến cố, khó khăn về tiền bạc nên phải bảo lưu rồi đi làm, làm ra tiền rồi thì có khi lại không còn mặn mà chuyện học, hay lúc đó đầu óc cũng già nua, tiếp thu chậm chạp nên chán nản mà bỏ ngang luôn.
Thứ tư, là vì tự do quá mức. Lúc còn học phổ thông bị gò bó đâm ra bực, nên khi bước chân vào đại học, môi trường tự do, thích thì lên giảng đường, không thì nằm nhà ngủ, mưa chút thì thấy lòng buồn không muốn nhìn mặt giảng viên, nắng chút sợ đau đầu, sạm làn da trắng làm sao tìm được người trong mộng… nên vì vậy mà ỷ y, cứ lần lữa chuyện học, nghĩ không qua được môn này thì lần sau thi tiếp, cứ vậy chất chồng, đến khi số môn cần học lại cao như Ngũ Hành Sơn thì mình cũng thành con khỉ Tôn Ngộ Không, đè đến 500 năm không thể làm gì, nản nên nghỉ.
Thứ năm, là lười và ham chơi. Học tập nhưng không đặt mục tiêu để phấn đấu, cứ xìu xìu ển ển, thấy người ta chơi vui quá cũng chạy theo ăn chơi, thấy người ta cúp học cũng cúp học chạy theo, nên học hoài cũng không qua được chương trình, không cầm được tấm bằng trong tay, vậy là nản nên nghỉ.
Năm lý do trên có thể cho là khái quát nhất, bên cạnh đó cũng còn sự phụ trợ rất nhiều những bài viết nhan nhản như “Bỏ học đại học, cô gái kiếm trăm triệu mỗi tháng” hay “Những tỷ phú thế giới không có bằng đại học”… Những bài báo dạng này, theo tôi nếu không được đọc kỹ, phân tích kỹ thì mức độ nguy hại rất cao.
Nên nhớ rằng những tỷ phú hay thiên tài, học bỏ học đại học tại những ngôi trường danh giá như Harvard hay Stanford. Để thi đậu vào đó, họ đã chứng minh bản thân từng cố gắng trau dồi hơn người. Còn bạn, bạn đang học tại ngôi trường nào và đã xác định rằng nếu ngưng học, con đường bạn đi sẽ về đâu chưa? Người ta chỉ viết rằng một người đã bỏ học đại học và thành công, nhưng chắc chắn họ đã không viết về hàng trăm ngàn người bỏ học đại học sau đó phải vất vả mưu sinh và tiếc nuối ra sao.
Khi không có bằng đại học, bản thân tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thứ làm mình buồn lòng.
Trước hết, tôi đã không thể nộp đơn ứng tuyển, hoặc đã nộp đơn và bị từ chối khi muốn làm những công việc mình thật sự yêu thích, chỉ vì lý do duy nhất: công ty yêu cầu ứng cử viên phải có bằng đại học hay cao đẳng.
Nhiều người sẽ cho rằng bằng cấp không nói lên vấn đề gì cả, nếu bạn giỏi người ta sẽ chú ý, hãy chứng minh bằng năng lực, bằng hành động, bla bla bla… và ngàn câu chuyện tương tự như thế. Nhưng, nếu từ góc độ của một người tuyển dụng, tôi làm sao biết được năng lực của các bạn ra sao, tôi cũng không thể phiêu lưu bằng cách cứ tuyển đại anh chị vào rồi trả lương để chơi một phép thử, chờ coi anh chị có thật sự giỏi như những gì đã nói ở buổi phỏng vấn hay không. Vì vậy, bằng đại học (hay cao đẳng) là thứ gạn lọc đầu tiên để các công ty loại bớt những ứng viên không đủ điều kiện ban đầu. Bạn không thể nào trách họ là cứng nhắc, là không biết nhìn người tài các kiểu, vì quy định là quy định, mỗi công ty một quy định, ngay từ đầu đã không hợp được nhau thì chia tay sớm cho bớt đau khổ.
Điều thứ hai, tôi nhận ra trong những lần nói chuyện với ba mẹ. Dù hiện tại ông bà đã hài lòng, chấp nhận sự thật rằng tôi không có bằng đại học và đang tự mưu sinh tốt, nhưng thỉnh thoảng đâu đó trong câu chuyện, mẹ vô tình nhắc đến câu chuyện ngày đó ba mẹ đã cực khổ để tôi có tiền học đại học và kết quả của việc bỏ học làm cho hai người một phần không vui.
Dĩ nhiên chúng ta đều được cổ vũ hãy sống với lựa chọn của mình, sống vì bản thân và con đường mình chọn, nhưng nếu con đường đó có thể làm tổn thương cảm xúc của những người bên cạnh, chúng ta cũng nên suy nghĩ đôi chút. Dù rằng sống với kỳ vọng của các bậc phụ huynh trên vai đúng là một gánh nặng, nhưng làm họ buồn thì chính bản thân mình cũng thấy bất an. Nên nếu muốn dừng việc học đại học bởi một lý do bất khả kháng, bạn hãy nói với gia đình đầu tiên, chuẩn bị tâm lý cho họ hiểu những khó khăn bạn phải đối diện và lý do để bạn dừng học cũng như con đường mà bạn đi trong tương lai, tránh cho các bậc phụ huynh bị sốc khi nhận thông tin này.
Cuối cùng, chính là bản thân mình cũng thỉnh thoảng nghĩ về những gì đã bỏ qua. Dù rằng không phải mẫu người hay hoài niệm quá khứ hay dằn vặt bản thân về chuyện cũ, nhưng cũng đã có vài lúc tôi đặt câu hỏi cho mình, nếu ngày đó quyết tâm theo đuổi đến cùng và có bằng đại học, cuộc đời mình rồi sẽ ra sao? Đáp án chắc chắn không thể nào biết được, nhưng cũng vì vậy mà cứ để trong lòng, thỉnh thoảng nghĩ tới.
Tìm hiểu thêm: Trích Dẫn Hay Nhất Trong Sách Văn Học Nước Ngoài
>>>>>Xem thêm: Trích dẫn sách Bọn Làm Bạc Giả – André Gide
Xem thêm: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Đừng làm lãng phí tuổi trẻ!
Quay trở lại với việc đại học có phải con đường duy nhất để thành công, để mưu sinh hay không, dĩ nhiên phần lớn mọi người đều nghĩ rằng không phải, nhưng vẫn phải công nhận rằng đó là con đường an toàn hơn cho nhiều người.
Cứ nghĩ đơn giản như này, sau khi trải qua giai đoạn trường học thì lại bắt đầu vào đoạn đường đời. Đó là lúc con người bắt đầu đường đua của bản thân mình để vượt qua những mục tiêu do chính mình đặt ra. Và thay vì đứng ở vạch xuất phát, cứ mỗi thứ người ta có lại giúp họ tiến lên một bước. Nhà có gia cảnh tốt, bước một bước lên, có bằng đại học, tiến thêm một bước, bằng đại học loại giỏi hay thủ khoa, tiến thêm một bước, bằng thạc sĩ, tiến thêm một bước, du học nước ngoài về, tiến thêm một bước… cứ vậy mà tính, những người không được bước lên cao thì nỗ lực của họ bỏ ra cho đường đua sẽ càng cao hơn, những người đã đứng trước, con đường của họ có thể dễ hơn một chút nhưng không có nghĩa là họ có quyền nhởn nhơ, nhàn hạ. Ai cũng phải đua như nhau thôi. Và những người xuất phát sau vài bước, không có nghĩa là họ không đi đến được đích thành công.
Thực tế tôi nhận ra, những người bỏ học đại học mà thành công, sự cố gắng trong cuộc đời của họ rất kinh khủng. Bỏ học không có nghĩa là họ ngừng học, chỉ đơn giản là dời từ môi trường học đường ra ngoài cuộc đời mà học tiếp và chấp nhận rủi ro bị mọi người đánh giá rằng bản thân không có tấm bằng trong tay. Họ tự học những điều mới mẻ, chấp nhận làm thử và sai, chấp nhận thất bại và làm lại, mỗi lần thất bại như vậy, đảm bảo rằng họ sẽ nghe đâu đó người ta nói, “Đó, thấy chưa, hồi đó mà nghe lời học đại học cho đàng hoàng thì giờ đâu ra nông nỗi vậy”.
Khi quyết định bỏ ngang đại học để đi làm, giai đoạn đầu của tôi vô cùng vất vả. Công việc duy nhất lúc đó là làm về giấy tờ văn phòng cho một công ty ngành dược. Công việc chủ yếu chỉ là nhận hợp đồng, trình ký, phụ sếp tất cả những thứ được chỉ định, đồng thời phải học hỏi thêm rất nhiều. Lúc đó làm từ 8 giờ sáng đến tận 18 giờ tối, về nhà lại ghé quán cafe nào đó để viết sách, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ cho mình. Tối về lại nằm đọc sách tiếp để mở mang kiến thức. Cuối tuần thì dành thời gian cho viết lách nhiều hơn. Để nâng cao trình độ thì tập viết bài cho báo, vừa kiếm thêm tiền vừa không bỏ đam mê được viết. Ba năm ròng rã như vậy mới ra được cuốn sách đầu tiên. Kể lại nghe có vẻ nhanh, nhưng con đường đã qua, thật sự rất nhiều nhọc nhằn.
Vì vậy, trước khi quyết định bỏ học, hãy chuẩn bị đủ tinh thần cho những khó khăn và rắc rối mình phải đối mặt.
Còn khi nói với những bạn vừa trượt đại học và cần lời cổ vũ tinh thần, cũng có thể coi câu nói trên như là một động lực, vì đúng là đại học chỉ đơn giản là phương tiện để giúp chúng ta thành công, hạnh phúc. Đại học không phải đích đến, nó chỉ là một chặng trên hành trình. Leo lên con tàu đại học, người ta đi nhanh hơn một chút, không thì có thể tự đi bằng chân, nhọc nhằn hơn nhưng cũng sẽ đến nơi nếu kiên trì bền bỉ.
Cuối cùng, dù đi con đường nào cũng hãy có trách nhiệm với lựa chọn đó của mình và lường trước những việc xảy ra. Đó cũng là một yêu cầu để người ta trưởng thành hơn.
Nguồn: Hồng Dịu / Viện Sách – Bookademy